Bạn đọc đón nhận báo Tuổi Trẻ mỗi ngày - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Thay vào đó, suốt mấy ngày liền, chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng "chạy sô" lần lượt từ trụ sở báo này sang đài kia để trao giải báo chí.
Ông Dũng cười: "Chắc sẽ không có ngày 21-6 như thế này nữa đâu. Năm ngoái, 21-6 may mắn đến vào lúc dịch đã lắng, chúng tôi vẫn tổ chức được lễ trao giải trang trọng tại Nhà hát TP...".
Tôi tin rằng những tờ báo bám sát được đời sống người dân, nói lên được tiếng nói, bảo vệ được quyền lợi người dân sẽ còn tồn tại.
Ông Trần Trọng Dũng (chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM)
* Giải báo chí lần này, toàn bộ các tác phẩm dự thi đều được thực hiện trong những đợt dịch. Ông có nhận xét gì về báo chí nói chung trong dịp 21-6 rất đặc biệt này?
- Mấy năm gần đây, báo chí - nhất là báo in truyền thống - đã gặp rất nhiều khó khăn từ sự phát triển công nghệ, mạng xã hội, tâm lý thói quen người đọc trẻ.
Và hai năm nay thì đại dịch COVID như chồng thêm một quả núi vào núi khó khăn ấy: tác nghiệp khó, phát hành khó, quảng cáo - truyền thông khó, tài chính lại càng khó.
Thế nhưng số lượng tác phẩm báo chí gửi đến dự thi năm nay lại đạt kỷ lục, nhiều hơn cả năm ngoái. Chất lượng các bài đa số tốt, đồng đều, chấm điểm chỉ chênh nhau chút ít.
Xin nói thêm là ban giám khảo năm nay cũng là một đột phá: tất cả các ủy viên ban chấp hành, tức các tổng biên tập các báo, đều tham gia sơ khảo, chung khảo, ngoài ra còn có cả ba trưởng ban tuyên giáo các thời kỳ. Vì vậy, sự đánh giá là rất đáng tin tưởng.
Tỉ lệ đề tài liên quan đến dịch COVID chiếm nhiều nhất, tới 30%.
Ông Trần Trọng Dũng - chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
* Và COVID-19 tuy đã ảnh hưởng đến tất cả mọi lĩnh vực, vẫn không phải là đã hết những khó khăn mà báo chí gặp phải...
- Năm vừa rồi, báo chí cũng còn phải đương đầu với một bước ngoặt lớn là quy hoạch báo chí. Nhiều báo chuyển cơ quan chủ quản, nhiều báo phải tái cơ cấu bộ máy, thay đổi hình thức thành tạp chí.
May mắn, cho đến bây giờ chúng tôi đạt được sự đồng thuận lớn giữa chủ trương và các báo, giữa lãnh đạo và các tổng biên tập. Chúng tôi đã thống nhất: dù quy hoạch thế nào, báo chí vẫn sẽ tồn tại và phát triển.
* Tuy nhiên, khó khăn đến từ khách quan thì khó đối phó hơn...
- Đúng thế. Xu hướng suy giảm báo in chạy nhanh hơn sự phát triển của báo điện tử, bình thường đã thế, trong sự ngăn trở của đại dịch lại càng bộc lộ rõ khiến báo chí càng khó khăn hơn.
Doanh nghiệp gặp khó, khoản cắt giảm đầu tiên có khi là chi phí truyền thông khiến nguồn thu của báo càng bế tắc. Giải quyết vấn đề này không dễ.
Năm ngoái, hội chúng tôi và nhiều cơ quan báo chí đã họp bàn để có thể thành lập một liên minh bản quyền, tìm giải pháp công nghệ để tiến tới thu tiền đọc báo điện tử. Có thể TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm mô hình này.
Và để thu tiền được của người đọc, yêu cầu về độ độc quyền, trung thực, nhanh nhạy của tin tức, độ sâu sắc, bao quát, kiến giải của bài viết với người làm báo lại càng cao hơn rất nhiều. Những đòi hỏi với nhà báo quả là không bao giờ ngừng nghỉ.
* Nói như vậy, ông nghĩ thế nào về tương lai của báo in?
- Tôi là người đọc báo in mỗi ngày, và tôi cho rằng báo in vẫn có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, nhất là bạn đọc Việt Nam, bạn đọc miền Nam, Sài Gòn với truyền thống đọc báo, làm báo, phát triển báo chí. Đứng về mặt tiếp nhận thông tin, đọc trên báo in hẳn dễ tiếp thu và nhớ lâu hơn lướt trên mạng.
Là người làm báo gần 20 năm, tôi tin rằng những tờ báo bám sát được đời sống người dân, nói lên được tiếng nói của người dân, kêu lên được tiếng lòng của người dân, bảo vệ được quyền lợi người dân, báo ấy sẽ còn tồn tại.
Và quan sát trên mặt báo thì dư địa trong những mảng đề tài này còn rất lớn để khai thác, còn rất nhiều vấn đề đang chờ sự dấn thân của phóng viên. Khi người dân thấy mình ở trong tờ báo, nhất định báo ấy sẽ được nằm trên tay bạn đọc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận