26/04/2014 22:05 GMT+7

Người đọc - đọc người

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Tối 25-4, tại Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội, Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam tổ chức chương trình Chuyện đọc số thứ 2. Chủ đề của buổi tọa đàm là “Người đọc - đọc người” với thông điệp: Hãy nói cho tôi biết bạn đọc gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai?

Mở đầu buổi nói chuyện, họa sĩ Lê Thiết Cương dẫn ra hai thông điệp về việc đọc của hai nhà văn lớn nước ta hiện nay đã nói với ông trước buổi nói chuyện này. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói rằng: “Nên đọc ít thôi, vì đọc nhiều mà không “tiêu hóa” được lại hình thành định kiến”. Còn nhà văn Nguyễn Quang Thiều lại cho rằng: “Sự xuống cấp của văn hóa Việt Nam hiện nay một phần chắc chắn là do sự lười đọc sách”.

Còn chị Vũ Thúy Hoa, một người đã có mấy chục năm bán sách trên phố Đinh Lễ, hằng ngày tiếp xúc với rất nhiều người mua sách, lại có mối lo ngại rất cụ thể: “Dù là người bán sách nhưng tôi thấy thật sự hoang mang với sự đọc của người Việt hiện nay. Người thì đọc quá ít, cả năm không đọc hết cuốn sách. Nhưng nhiều người lại đọc sách theo tâm lý đám đông, tâm lý bầy đàn, không có tâm thế và chính kiến đọc sách của riêng mình”.

Đến từ Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, giảng viên khoa ngữ văn Phạm Xuân Thạch đặt ra nhiều câu hỏi không dễ trả lời: “Tôi nghĩ trong xã hội Việt Nam bây giờ, người Việt không chỉ ít đọc sách thôi đâu. Mỗi năm người Việt không chỉ đọc chưa hết một cuốn sách thôi đâu. Thử hỏi, một năm người Việt nghe được bao nhiêu đĩa ca nhạc? Một năm người Việt đến xem bao nhiêu triển lãm tranh, triển lãm ảnh nghệ thuật? Một năm người Việt bao nhiêu lần đến xem các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc như chèo, tuồng, cải lương...?”.

Chia sẻ ý kiến này, chị Hoa cho biết thêm ngày trước chị không thích truyện ngôn tình Trung Quốc, nên ai đến mua chị cũng tư vấn rất chu đáo để người đó tìm mua những cuốn sách phù hợp. “Nhưng bây giờ người đọc, nhất là các bạn trẻ, đến mua sách đều thích những truyện ngôn tình Trung Quốc. Nên tôi cũng ít tư vấn chu đáo như ngày trước hơn, vì nghĩ rằng mỗi người có một sở thích đọc sách khác nhau” - chị Hoa nói.

Về vấn đề “tiêu hóa” sách, họa sĩ Lê Thiết Cương chia sẻ kinh nghiệm đọc sách: “Phải đọc thật chậm, đọc cẩn thận từng chữ một. Sau khi đọc xong thì viết một vài cảm nhận của mình về cuốn sách. Đó là cách neo đậu lại những lời hay ý đẹp của cuốn sách trong đầu mình”.

Anh cũng nói để chọn sách trước tiên phải chọn những cuốn sách về chủ đề mình quan tâm, sau đó chọn sách theo từng tác giả trong lĩnh vực đó.

Chị Hoa chia sẻ kinh nghiệm khi chọn mua sách hãy xem qua phần mục lục của cuốn sách để nắm bắt được những nội dung cơ bản xem có phù hợp với khả năng đọc của mình hay không.

Kết thúc buổi tọa đàm, các diễn giả đều đưa ra lời khuyên cho các bạn đọc rằng, khi chọn mua cuốn sách nào cũng cần tham khảo thật kỹ từ nhiều nguồn khác nhau. Đồng thời hãy tập cho mình thói quen đọc sách và thưởng thức văn hóa, từ những điều dễ hiểu nhất đến những kiến thức bổ ích khác.

Đây là chương trình Chuyện đọc lần thứ 2 do Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam tổ chức tại Hà Nội, sau chương trình đầu tiên với chủ đề “Thơ Sài Gòn trước 1975” thu hút được sự quan tâm của độc giả thủ đô. Đại diện Công ty Nhã Nam cho biết vào thứ sáu tuần thứ ba của mỗi tháng, công ty sẽ tổ chức một chương trình tọa đàm về chuyện đọc, văn hóa đọc của người Việt Nam hiện nay.

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên