Phóng to |
Thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc (trái) với cây Báng giống đem về trồng ở Đình Bảng - Ảnh: V.C.L. |
Thật ra, báng là tên một loài cây, ta phải viết bằng chữ thường như thông lệ. Nhưng trong bài báo này, cây Báng có một ý nghĩ đặc biệt, nên tôi xin phép được viết chữ hoa, như tên riêng của một người, một địa phương.
Đình Bảng là một địa danh nổi tiếng. Ít người biết hơn: vùng đất này xưa có tên là Kẻ Báng (làng Báng), gọi theo tên cây trong một khu rừng rộng hơn 1.600 mẫu đất (cỡ 576ha). Tháng 2 năm Canh Tuất (1010), sau khi lên ngôi ít lâu, Lý Thái Tổ từ kinh đô Hoa Lư về thăm quê hương Cổ Pháp, khi đến khu rừng Báng “trông thấy cây cối xanh tốt, muôn loài chim bay liệng cảm động rớt nước mắt, sai đo mười dặm đất chọn làm cấm địa Sơn Lăng” và lấy đây làm nơi yên nghỉ của mình. Các vua Lý sau khi mất đều an táng ở đó. Khu di tích Đền Đô hiện nay cũng nằm trên khu rừng Báng nổi tiếng này. Cho nên, nói như ông Nguyễn Thế Chín, chủ tịch UBND phường Đình Bảng, thì “cây Báng là nét đặc trưng của Đình Bảng, nói đến Đình Bảng là nói đến rừng Báng”. Và cũng bởi thế, trong kế hoạch tái tạo những danh thắng có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và tâm linh, khôi phục dòng Tiêu Tương và phục hồi rừng Báng được nêu lên như những mục tiêu hàng đầu.
Người Đình Bảng đi tìm cây Báng
Thiếu tướng NGUYỄN QUANG BẮC sinh tháng 12-1952, tốt nghiệp tiến sĩ năm 1983. Tiến sĩ khoa học năm 1989 tại Học viện Engels, CHDC Đức. Hiện là phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng. Các kết quả khoa học chủ yếu: Chủ trì các dự án xây dựng mạng truyền dữ liệu trên bờ và biển (Vietsovpetro, 1991-1993), Mạng CNTT toàn quốc của Văn phòng T.Ư Đảng (1998), Hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu quản lý, cấp phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (2004-2005) |
Người Đình Bảng rất vui vì đã tìm ra cây Báng, đã trồng lại 60 cây Báng ở Văn Chỉ (9 cây), Võ Chỉ (8 cây) và Nhà Bia (8 cây), ở lăng vua Lý Thái Tổ (23 cây) và Lý Thái Tông (8 cây), ở chùa Ứng Tâm - nơi Lý Công Uẩn sinh ra (4 cây) trong mùa xuân năm Nhâm Thìn 2012. Lại càng vui hơn vì người tìm ra cây Báng là một người con của quê hương Đình Bảng: thiếu tướng, TSKH Nguyễn Quang Bắc, con trai của nguyên chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (Nguyễn Đức Nguyện).
Khi còn nhỏ, Bắc thường được bố đưa về quê thăm ông bà nội và hầu như năm nào cũng ở lại Đình Bảng suốt cả mùa hè. Trong những câu chuyện bà kể, có chuyện về cây Báng, dáng cao và rất đẹp, lá to như lá bàng. Bắc cũng nhớ rất nhiều câu ca dao, mà lạ là cả chục câu có một bắt đầu như nhau: “Bao giờ rừng Báng hết cây”... Đến năm 14 tuổi, Bắc vào thiếu sinh quân, 17 tuổi nhập ngũ. Trong những ngày đóng quân ở Sơn Tây, Thái Nguyên... khi hành quân qua những cánh rừng, những quả đồi, hằng năm ở trong những làng sơ tán, bao giờ Bắc cũng có ý tìm cây Báng. Chưa bao giờ thấy, và tuổi trẻ cũng dần qua đi.
Mãi đến năm 2005, tướng Bắc kể lại: “Không hiểu tại sao tự nhiên tôi lại cảm thấy cồn cào, nảy sinh ý định đi tìm cây Báng”. Anh không nói ra nhưng ai cũng hiểu: đấy là sự thôi thúc của quê hương, là tiếng gọi của truyền thống và văn hóa. Khởi đầu bao giờ cũng nhầm lẫn. Ở Cao Bằng, những tưởng đã thành công ngay từ năm 2005, nhưng hóa ra đấy lại là cây “búng báng”, một cây họ cau, lá xẻ lông chim trông như lá dừa, thân chứa tinh bột có thể ăn được. Ở TP.HCM lại nhầm đây là cây “báng súng” (năm 2006). Nhầm nhiều nên cũng có lúc thất vọng. Cả ở nhà lẫn ở đơn vị, ai cũng đùa là “Bắc đã chuyển sang giai đoạn mộng mị, lúc nào cũng báng, báng và báng...”. Cứ thế, trời gian trôi đi thêm năm năm nữa.
Rồi thành công đến một cách ngẫu nhiên. Vào một ngày tháng 8-2011, nhân duyên đã đến. Tướng Bắc thăm trang trại Đồng Quê (Vân Hòa, Ba Vì) và được ăn một món rau lạ, rất ngon. TS Ngô Kiều Oanh, chủ trang trại, giới thiệu: đấy là “rau páng”, một món ăn của người Mường. Rau này là lá non hái từ cây páng, một loại cây thân gỗ cao to. Sau này tướng Bắc nhớ lại: “Tôi giật nẩy mình. Và linh tính báo rằng đây chính là cây Báng của tôi”. Sau này tìm ra, loài cây này có rải rác ở Hòa Bình, Hà Nội (vùng Sơn Tây cũ), Nghệ An, Huế, TP. HCM...
Có cây rồi nhưng còn phải chứng minh. Đó là những tìm tòi náo nức, khẩn trương về khoa học bao gồm cả sinh học, ngôn ngữ và lịch sử, địa lý, là những hội thảo tranh cãi và chứng minh, là xin ý kiến các cấp lãnh đạo địa phương, là xin ý kiến các cụ phụ lão... Để rồi cuối cùng được phép nói về một cây Báng - Đình Bảng, có tên gọi khác nhau theo từng địa phương (gùa, đa gáo, đa chai, xung báng, Báng, páng, co pảng, nùa, xộp, bốp...), nhưng cùng tên khoa học (Ficus callosa), thuộc họ dâu tằm, bộ gai, lớp cây gỗ trung bình. Điều thú vị là đã tìm thấy những cây Báng rất đẹp, rất cao, đứng trang trọng và uy nghi ở khu K9 (Đá Chông), đền Trung (Ba Vì), ở chùa Thiên Mụ và lăng Khải Định (Huế) cũng như ở Thảo Cầm Viên (TP.HCM)...
Đến đây, vấn đề tiếp theo là tìm cây giống và đưa về trồng ở Đình Bảng.
Mở đầu cho một cánh rừng Báng
Cụ Nguyễn Thế Phú (70 tuổi), trưởng ban quản lý Đền Đô, phấn khởi thốt lên: “Đến bây giờ có thể nói rằng cây Báng đã thật sự trở về với Đình Bảng. Nhiều người đã đến đây xem cây Báng thế nào. Dân rất phấn khởi”.
Hiện nay chưa có rừng Báng tập trung nên 60 cây giống phải thu thập ở nhiều thôn xóm khác nhau thuộc hai huyện Thạch Thất (Hà Nội, Sơn Tây cũ) và Kỳ Sơn (Hòa Bình) trong một khu vực mà bề ngang lên tới 20km, bề rộng có chỗ tới 10km. Yêu cầu cây giống lại nghiêm ngặt: chu vi cây 25-35cm, không được ngắt ngọn hay ngọn phân đôi, cây phải mọc từ hạt chứ không phải là cây ghép, phải có nhiều nhóm cây đồng nhất để trồng cạnh nhau... khiến công tác chọn giống càng phức tạp. Mặc dù vậy, có hơn 20 cây cao khoảng 10m, một số cây cao tới 12-13m nên phải dùng xe đầu kéo dài 10m, không thể vào tận chỗ, công tác bốc vác, vận chuyển bằng tay khá nhọc mệt. Hơn nữa, ngày
11-2-2012 mưa gió dầm dề, rét lạnh và bẩn, bùn trên đường có chỗ lên tới 5-10cm. Thế nhưng, nhiều cán bộ cao cấp quân đội, các nhà khoa học tuổi đã 55-65 vẫn hăng hái hòa mình lao động cùng anh em thanh niên địa phương, suốt từ 5g sáng - lúc rời Hà Nội, tới 17g - khi xe chở cây giống về tới Đình Bảng.
Khi đoàn xe chở cây giống lăn bánh qua cổng Đền Đô, cụ Nguyễn Đức Thìn - anh hùng lao động, nhà giáo nhân dân - đứng trân trọng chụp ảnh từng bánh xe lăn, chụp từng nhóm cây giống. Cụ bảo rằng đây sẽ là những tài liệu quý, thậm chí là tài liệu có ý nghĩa lịch sử. Sáng 12-2, trong lễ dâng hương trước lúc trồng cây, cụ Thìn chính là người viết và đọc chúc văn, bằng một giọng sang sảng trẻ trung, thanh thoát và có sức cuốn hút đến lạ lùng. Trong chúc văn có đoạn: “Chúng con hôm nay - Những tấm lòng thảo ngay - Dâng hương - Thắp lên ngọn lửa - Phát động tết trồng cây Báng trên đất cội nguồn Kẻ Báng - Cố Phát, Đình Bảng - Quê hương nhà Lý anh hùng”.
Người phát biểu cuối cùng trong buổi lễ trồng cây Báng là em Nguyễn Thị Phương Mai - lớp trưởng lớp 8A, liên đội trưởng liên đội Lê Quang Đạo, Trường THCS Đình Bảng: “Khi lớp con cháu chúng cháu ra đời dường như những cây Báng đã không còn nữa. Sau một cuộc hành trình gian lao, vất vả đi tìm lại cội nguồn xưa của thiếu tướng Nguyễn Quang Bắc cùng các cộng sự, những cây Báng sau 100 năm mất dấu đã trở lại quê hương Đình Bảng. Là những người con của quê hương Đình Bảng, là những mầm non tương lai của đất nước, chúng cháu hứa sẽ giữ gìn, chăm sóc và bảo vệ thật tốt rừng Báng để nó từ giờ sẽ gắn bó mãi với con dân Đình Bảng cho tới nghìn đời sau”.
Khi đó, anh Bắc và chị Hà, vợ anh, ngồi nghe với cặp mắt ngấn lệ.
PGS.TS Lê Xuân Cảnh, viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh học thuộc Viện KH-CN VN, là người rất có công trong quá trình khẳng định kết quả tìm cây Báng của tướng Bắc. Ông phát biểu: ”Cây Báng có một giá trị đặc biệt. Mọc và phát triển nhanh. Thân hình trụ rất thẳng, cao đến 40m, đường kính 80-200cm. Đây là một loài đa có hình thái đặc trưng, khác với loài đa khác là không có rễ phụ, tạo tán gọn hình trứng. Chính vì thế, Báng có thể trồng tạo rừng sinh thái, tạo công viên trong thành phố”.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận