Anh Hoàng Anh Tuấn với bộ sưu tập thẻ cử tri “đồ sộ” - Ảnh: HIÊN HUYỀN
Cẩn thận lật giở từng tấm thẻ đã ố vàng, tờ dày, tờ mỏng tùy theo từng thời kỳ, đại úy Hoàng Anh Tuấn (34 tuổi, Long Biên, Hà Nội) say mê kể về thú vui sưu tầm hiện vật lịch sử đã được gần chục năm nay.
Từ hàng sách báo cũ đến mua giấy vụn
Hơn 500 tấm thẻ cử tri được đại úy Tuấn tìm kiếm trong nhiều năm, từ những năm 1946 đến giai đoạn 1976 ở rất nhiều đơn vị hành chính, từ miền núi phía Bắc đến đất mũi Cà Mau. Sau này, anh còn tích cực sưu tầm các tấm thẻ cử tri sau giai đoạn 1976.
Từng tấm thẻ cử tri từ khóa I đến nay đều được anh Tuấn nâng niu gìn giữ - Ảnh: HIÊN HUYỀN
"Quá trình sưu tầm thẻ cử tri gặp khá nhiều khó khăn, cũng bởi không nhiều người dân, cơ quan còn lưu trữ thẻ cũ, đôi khi chúng lưu lạc qua những người mua giấy vụn, đồng nát tới những hàng sách báo cũ. Đặc biệt, đi tìm thẻ cử tri ở các khu vực miền núi hoặc các khu vực xa xôi thì càng khó khăn hơn", đại úy Tuấn chia sẻ.
Mở ra xem, rồi anh lại kỹ lưỡng cất từng tờ vào cuốn album để tránh mối mọt, ẩm mốc do tiết trời miền Bắc.
Vốn đam mê sưu tầm hiện vật lịch sử nhiều năm, quen biết nhiều anh em trong giới sưu tầm, anh cho biết nhiều người khi tìm thấy các nguồn có thẻ cử tri đã báo ngay cho anh.
"Có lẽ đúng như câu "Quý vật tìm quý nhân", đó là cái duyên trong việc sưu tập này", anh Tuấn cười nói.
Hơn 500 tấm thẻ cử tri được đại úy Tuấn miệt mài tìm kiếm trong nhiều năm trời - Ảnh: HIÊN HUYỀN
... Đến tem phiếu, tiền giấy các thời kỳ
9 năm sưu tầm các hiện vật lịch sử, bên cạnh những tấm thẻ cử tri, anh còn góp vào bộ sưu tập các hiện vật lịch sử khác như tem phiếu thời bao cấp, tiền giấy Việt Nam qua các thời kỳ, tranh tết, báo chí về các sự kiện lịch sử quan trọng.
Anh Tuấn cho biết tổng số lượng hiện vật anh sưu tầm được là 7.000 - 10.000 hiện vật tem phiếu, tiền Việt Nam qua các thời kỳ, tem, bì thư bưu chính... Trong đó có khoảng hơn 2.000 hiện vật tem phiếu thời bao cấp, bao gồm tem phiếu chất đốt, đường muối, gạo, thịt. Hành trình sưu tầm tem phiếu đã giúp anh Tuấn có thêm nhiều hiểu biết về một thời bao cấp mà thế hệ anh đã không còn nhớ được nhiều.
Ngoài thẻ cử tri, anh Tuấn cũng có các bộ sưu tập ảnh lịch sử, tranh, báo, tem phiếu - Ảnh: HIÊN HUYỀN
Anh nhớ khó khăn nhất là với hàng ngàn con tem, phải chia ra từng chuyên đề, có những khi thức tới 3h sáng hàn, bọc tem phiếu để bảo quản.
Anh cũng đặc biệt chuyên tâm vào chuyên đề hình ảnh Bác Hồ trên tiền giấy qua các thời kỳ. "Mỗi đợt in, chân dung Bác lại có những thay đổi nhất định, tạo nên sự đặc sắc riêng của từng tờ tiền, tìm hiểu kỹ thì thấy mê lắm", anh Tuấn say sưa nói về bộ sưu tập cả ngàn tờ tiền giấy.
Mới đầu thấy anh đam mê sưu tầm, nhiều người cho rằng đây là một thú chơi tốn kém, thậm chí vợ anh còn từng quyết liệt phản đối. Nhưng sau những lần nghe chồng chia sẻ về tình yêu đặc biệt với lịch sử và các hiện vật, vợ anh cũng dần dần ủng hộ chồng.
Không chỉ sưu tầm và lưu giữ, anh Tuấn luôn sẵn sàng trao tặng cho các bảo tàng, các đơn vị triển lãm giới thiệu đến công chúng. Riêng với bộ sưu tập thẻ cử tri, anh Tuấn đã gửi cho Bảo tàng Bắc Ninh gần 200 hiện vật để trưng bày cho dịp bầu cử sắp tới.
Hiện tại, các bộ sưu tập của anh Tuấn đang được lưu giữ tại nhà riêng và cơ quan. Thời gian tới, anh dự định mở rộng không gian lưu trữ tại nhà, đồng thời có thể phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức triển lãm có quy mô lớn để đông đảo mọi người được thưởng lãm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận