Ngày 23-12, Tổ chức Oxfam và Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cùng các tổ chức phi chính phủ Việt Nam trong mạng lưới Hành động vì quyền của lao động di cư đã tổ chức hội thảo trình bày kết quả nghiên cứu “Rào cản pháp luật và thực tiễn đối với người lao động di cư trong tiếp cận an sinh xã hội”.
Kết quả nghiên cứu được thực hiện từ việc khảo sát 808 người lao động di cư (NLĐDC) tại bốn tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Bắc Giang ở bốn nhóm ngành nghề có đông NLĐDC làm việc là may mặc, điện tử, xây dựng và bán hàng rong cho thấy NLĐDC là một nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương tại khu vực đô thị, được tiếp cận rất ít với các chính sách an sinh xã hội.
Về việc làm, tỉ lệ thất nghiệp của NLĐDC cao gấp năm lần người lao động nói chung. Mức thu nhập cơ bản hầu hết của họ chưa đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu, và họ thường bị loại khỏi các chương trình giảm nghèo và vay vốn tạo việc làm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có tới 99% NLĐDC khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội (BHXH) do không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn hay hợp đồng miệng. Có tới 76,5% NLĐDC khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT, 71% không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy 13,2% trẻ dưới 6 tuổi là con của NLĐDC không được tiếp cận với BHYT, có tới 21,2% trẻ di cư được khảo sát trong độ tuổi từ 6-14 không được đi học.
Từ kết quả nghiên cứu trên, đơn vị tổ chức nghiên cứu đã đưa ra nhiều kiến nghị như: rà soát và loại bỏ các quy định cho đến nay vẫn còn gắn các chính sách an sinh xã hội với hộ khẩu vì đây là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc tiếp cận an sinh xã hội của NLĐDC; Nhà nước đồng chi trả BHXH tự nguyện cho lao động phi chính thức và mở rộng quyền lợi BHXH tự nguyện; có cơ chế phù hợp để đảm bảo người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đồng chi trả BHXH tự nguyện...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận