12/01/2016 11:30 GMT+7

Người đảo trưởng ở Trường Sa

YẾN TRINH - NGỌC HIỂN
YẾN TRINH - NGỌC HIỂN

TT - Trong hành lý rời đảo khi kết thúc nhiệm kỳ đảo trưởng đảo Trường Sa, thượng tá Phạm Văn Hòa (55 tuổi) mang về một lá cờ sờn cũ.

 

Đảo trưởng Phạm Văn Hòa và các cháu thiếu nhi ở Trường Sa - Ảnh: N.Hiển
Đảo trưởng Phạm Văn Hòa và các cháu thiếu nhi ở Trường Sa - Ảnh: N.Hiển

Tôi mong Trường Sa sớm phát triển du lịch bởi điều kiện du lịch của đảo này có thể đáp ứng được, du khách ra đây có thể lặn biển, ngồi thuyền buồm, ngư dân cũng biết làm hoa ốc, quà lưu niệm từ san hô... Như vậy, người dân mình sẽ được biết và hiểu về Trường Sa nhiều hơn

Thượng tá PHẠM VĂN HÒA

Đây là lá cờ duy nhất ông cất giữ sau gần mười năm làm đảo trưởng ở các đảo Trường Sa, như cất giữ một phần linh hồn mình.

Ngày cuối cùng còn tại ngũ, người thượng tá già dạo một vòng quanh đảo. Sau khi ghé từ biệt các đơn vị đóng quân nơi này, ông rẽ qua nhà các hộ dân. Vừa nghe tiếng ông, mấy đứa trẻ đã chạy ùa ra chào. Cha mẹ chúng biếu ông những chiếc bánh tự làm, siết tay ông bịn rịn như sắp xa một người thân.

Anh Tô Hoài - một hộ dân - nói với chúng tôi: “Thiệt tình là dân đảo muốn chú Hòa ở lại, ai cũng tin tưởng và thương chú, coi chú như chỗ dựa tinh thần”.

Đời chiến chinh

Nheo nheo đôi mắt, thượng tá Hòa kể về đời mình với giọng bình thản nhưng ánh mắt chất chứa nhiều điều. Đời binh ngũ của ông có quá nhiều ký ức.

Năm 1980, khi học xong phổ thông, chàng trai tuổi đôi mươi từ quê nhà Đức Thọ (Hà Tĩnh) thi vào Trường Sĩ quan lục quân 3 ở tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa). Học xong, ông sang Nam Lào trong vai trò quân tình nguyện giúp cách mạng Lào trừ phỉ, làm dân vận.

Sau khi về lại đơn vị ở Quảng Trị, ông tiếp tục vào Học viện Lục quân Đà Lạt. Sau đó, ông về làm việc ở Vùng 4 hải quân và bắt đầu những tháng ngày công tác trên các đảo đến giờ.

Ông chính là người từng giữ chức đảo trưởng ở nhiều đảo và thời gian công tác trên các đảo lâu nhất trong số những đảo trưởng ở quần đảo Trường Sa. Từng hòn đảo chìm, đảo nổi ở khắp quần đảo Trường Sa đều có dấu chân ông. Cũng vì thế mà nhiều người thân mật gọi ông là “chúa đảo”.

Đảo đầu tiên thượng tá Hòa làm chỉ huy là Trường Sa Lớn. “Cách đây hơn 10 năm, đảo nổi Trường Sa chưa có nhiều nhà cửa, nơi làm việc cũng chưa khang trang như bây giờ. Điện mỗi ngày chỉ phát vài giờ, rau xanh tuy trồng được nhưng cũng là của hiếm” - ông nói.

Lúc này, ghe tàu đánh cá của ngư dân thi thoảng neo đậu nên bà con ngư dân thường ghé vào đảo xin nước, chữa bệnh, trú bão... Vì vậy, là đảo trưởng, ngoài nhiệm vụ bảo vệ đảo ông còn có trách nhiệm hỗ trợ ngư dân trong tình huống khẩn cấp bất kể ngày hay đêm.

Thượng tá Hòa làm đảo trưởng đảo Trường Sa Lớn hai lần, sau khi rời Trường Sa cách đây gần 10 năm, ông qua công tác ở các đảo Nam Yết, Song Tử rồi sau đó lại tiếp tục trở lại làm đảo trưởng Trường Sa Lớn. Vì vậy, đảo Trường Sa đối với ông không đơn thuần chỉ là nhiệm vụ mà còn là mảnh đất trĩu nặng ân tình.

Không chỉ là người chỉ huy đảo kiêm nhiệm chức chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, ông còn biết đến với vai trò “kiến trúc sư” tạo mảng xanh cho đảo. Tự tay ông đã ươm mầm từng cây bàng vuông, từng cây tra để nơi này phủ kín màu xanh.

Dẫn chúng tôi dạo một vòng trước khi rời đảo, thượng tá Hòa tự hào nói đảo Trường Sa bây giờ đã khoác lên mình một chiếc áo mới với những công trình trụ sở ủy ban, trường học, bưu điện, nhà khách, chùa Trường Sa hay nhà tưởng niệm Hồ Chí Minh...

Vị đảo trưởng này nhớ như in thời gian hoàn thành mỗi công trình bởi hơn ai hết ông chính là người chứng kiến những chuyến tàu vượt phong ba bão táp để góp từng viên gạch xây Trường Sa từ ngày này qua tháng khác.

“Mừng lắm! Trước đây các cháu nhỏ chỉ chơi với trái bàng vuông, vỏ ốc nhưng giờ đã có trường mẫu giáo, cầu trượt, đồ chơi đủ thứ. Người dân thì được dùng điện, trữ đồ lạnh, tàu bè ra vào cung ứng thực phẩm nhiều hơn và đất liền cũng đỡ “mỏi cánh thư về từ đảo xa” bởi đảo có bưu điện, sóng điện thoại” - ông nói.

Các hộ dân ở đảo Trường Sa coi ông như người nhà. Ông kể rằng những ngày họ mới chuyển ra đảo sống, có gia đình do ngỡ ngàng nên sống khép kín, đôi khi có xích mích với hộ kế bên. Vậy làm sao ông kéo họ lại gần nhau?

Ông cười: “Tôi tranh thủ hằng ngày ghé qua trò chuyện, hỏi han. Để ý thấy nhà này ít nói chuyện với nhà kia hay không đoái hoài chi nhau là biết có chuyện rồi. Khi đó mình phải lựa lời nhẹ nhàng và kiếm cớ cho họ ngồi lại với nhau để nối lại mối dây gắn kết”.

Từ đó, ông hướng dẫn phụ nữ trên đảo sinh hoạt hội phụ nữ, giúp đỡ nhau nuôi gà, trồng rau rồi tham gia tập văn nghệ, làm thơ khiến ai cũng trở nên dạn dĩ. Năm nào ông cũng tổ chức làm báo tường như một cách để họ giãi bày nỗi lòng khi sống nơi đảo xa.

Gửi tâm hồn cho đảo

Thượng tá Hòa gắn với nhiều kỷ niệm của từng gia đình trên đảo, cả khi chia sớt niềm vui và trong những giờ phút khó khăn. Ông xứng đáng với sự kính trọng của người dân dành cho mình. Chị Phương Ái (30 tuổi) kể với chúng tôi về ngày bệnh xá đảo Trường Sa quyết định sinh mổ cho con gái chị do bị đa ối.

Trước đó, thượng tá Hòa thường xuyên hỏi han thăm nom gia đình chị, dặn dò có việc gì phải nói ngay để đảo giúp đỡ. Một ngày cuối tháng 11-2015, y bác sĩ của Bệnh viện 175 đã trực tiếp ra đảo mổ cho chị Ái. Mẹ tròn con vuông.

“Cả tháng sau đó, chú Hòa ngày nào cũng ghé qua xem tình hình đứa nhỏ, ân cần như một người ông. Xa nhà, vợ chồng tôi được chú đối đãi như vậy cũng an ủi nhiều lắm” - chị chia sẻ. Còn gia đình anh Tô Hoài cứ nhắc mãi những ngày mới ra đảo, được ông Hòa khuyên nhủ động viên từng việc nhỏ.

“Chú đi rồi ai cũng nhớ. Thôi thì hẹn ngày chúng tôi về lại đất liền, dẫn con đi thăm chú cho khuây khỏa” - anh nói.

Ngoài Trường Sa Lớn, ký ức của ông cũng gắn liền với những hòn đảo khác. Đảo Nam Yết là đảo chìm, không có dân sinh sống nên đằng sau vẻ cứng rắn của một người lính hải quân, thượng tá Hòa cũng có những tâm tư của một người chồng, người cha.

Có những đêm nhìn khắp bốn bề là biển cả mênh mông, đơn vị chỉ nổi lên trơ trọi như một dấu chấm giữa trùng khơi, ông phải ghìm lại nỗi nhớ đất liền, nơi có người vợ yêu và hai người con trai ngoan hiền.

Thư cho vợ ông vẫn viết đều đặn, nhưng theo tàu cấp hàng có khi 4-5 tháng trời ông mới nhận được hồi âm. Những lá thư dài 6-7 mặt giấy kể về cuộc sống trên đảo, sự sẻ chia về nhiệm vụ với gia đình... đã giúp người chỉ huy này vững lòng nơi đầu sóng ngọn gió.

Đối với đảo Song Tử, điều kiện sinh sống khá tương đồng với Trường Sa, ông cũng để lại nhiều ân tình với người dân trên đảo. Đây cũng là khoảng thời gian đảo được xây dựng khang trang với các công trình nhà cửa, sân bóng, nhà sinh hoạt tập thể...

Sau hai năm, ông về lại Vùng 4, đến năm 2011 lại ra Song Tử làm đảo trưởng một năm. Rồi năm 2013 ông tiếp tục là đảo trưởng Trường Sa Lớn đến bây giờ.

Buổi sáng trước khi lên xuồng CQ rời đảo, ông ngoái lại vẫy tay chào các chiến sĩ, người dân đảo Trường Sa với đôi mắt rưng rưng vì hòn đảo này khi ông rời đi đã hóa thành tâm hồn ông mất rồi...

Trên chuyến tàu HQ 561 trở về đất liền, thượng tá Hòa chia sẻ với chúng tôi những điều ông còn trăn trở: “Tôi mong Trường Sa sớm phát triển du lịch bởi điều kiện du lịch của đảo này có thể đáp ứng được, du khách ra đây có thể lặn biển, ngồi thuyền buồm, ngư dân cũng biết làm hoa ốc, quà lưu niệm từ san hô... Như vậy, người dân mình sẽ được biết và hiểu về Trường Sa nhiều hơn”.

Con trai út của ông, sau một năm tình nguyện làm chiến sĩ ở đảo Song Tử, đợt này cũng về cùng ông. Người con này cũng mong muốn được như cha mình, đó là dấn thân cho Trường Sa máu thịt.

Hôm chia tay đảo Trường Sa Lớn, nhìn hình ảnh một mình ông đứng ngắm cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trong đêm cuối còn làm đảo trưởng, chúng tôi muốn rơi nước mắt...

Bộ sưu tập của đảo trưởng

Đảo trưởng Phạm Văn Hòa thăm hỏi mẹ con chị Phương Ái trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Y.Trinh
Đảo trưởng Phạm Văn Hòa thăm hỏi mẹ con chị Phương Ái trên đảo Trường Sa Lớn - Ảnh: Y.Trinh

Hơn hàng ngàn bức ảnh và khoảng 50 bài thơ về biển đảo, về Trường Sa là “bộ sưu tập” quý giá mà tự tay thượng tá Hòa gom góp được trong thời gian ở đảo. Đến nay, ông đã dùng đến cái máy ảnh thứ năm và đây cũng là máy ảnh “xịn” nhất mà ông luôn mang theo mình để chụp từng cái cây, con gà, từng gương mặt những đứa trẻ và người dân trên đảo.

Ông tặng chúng tôi một tập thơ ông viết. Thơ ông thành thật, dễ làm người ta cảm động bởi ông “rút ruột” để trải lòng trong từng câu chữ. Thơ với vị đảo trưởng là một sự say mê nhưng cũng là món quà tình nghĩa mà ông dành tặng mỗi khi có đoàn ra thăm Trường Sa.

Đêm thượng tá Hòa rời đảo, thượng úy Nguyễn Thành Trung (trợ lý kỹ thuật đảo Trường Sa) cùng nhiều chiến sĩ khác ghé vào từ biệt, sắp xếp đồ đạc cho ông.

“Chú Hòa trong công việc rất nghiêm, nhưng sống rất tình cảm. Tôi còn nhớ có lần mình khen chú có cái đèn pin đẹp, hôm sau chú đã mang nó đến tận phòng tôi gửi tặng. Tôi vẫn trân trọng món quà đó và còn gìn giữ đến giờ” - anh Trung nói.

YẾN TRINH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên