Cậu con trai đầu mới lên 5 tuổi của Kaly Tran cũng là thành viên của nhóm nhạc làng Kon Klor - Ảnh: B.D. |
Kaly và nhóm nhạc của anh ấy đã làm nức lòng những người làm văn hóa như chúng tôi. Đó là câu chuyện gầy dựng âm nhạc, văn hóa truyền thống mà không dùng đến tiền |
Tại Liên hoan văn hóa nghệ thuật dân gian các dân tộc Tây nguyên được tổ chức ở TP Kon Tum gần đây, trong hàng chục tiết mục đậm màu sắc của Tây nguyên, nhiều người tò mò về đội nhạc cụ của Kaly Tran - chàng trai Ba Na ở làng Kon Klor, TP Kon Tum.
Làm sống lại nhạc cụ truyền thống Ba Na
Kaly Tran năm nay 29 tuổi, vừa tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội TP.HCM, hiện đang đi diễn tại TP.HCM, khi có dịp lại tất tả chạy về làng phục vụ bà con yêu âm nhạc Tây nguyên. Tran nói niềm đam mê âm nhạc đã có từ “trong máu của mỗi người Ba Na”.
“Người Ba Na mình là một trong những dân tộc nghệ sĩ nhất ở Tây nguyên, năng khiếu cảm thụ âm nhạc hầu như sinh ra đã... có sẵn. Riêng mình thì mê mấy thứ này từ nhỏ, không dứt ra được” - Kaly Tran vừa “chỉ huy” người làng tập dượt cho một tiết mục, vừa say mê giới thiệu các bộ đàn mà mình tự tay chế tác.
Kaly Tran nói do hoàn cảnh gia đình nên từ nhỏ được gửi vào cô nhi viện. Năng khiếu âm nhạc được ươm ủ từ những buổi phục vụ trong cô nhi viện.
Kỳ thi năm 2006, Tran quyết định đăng ký vào học Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội tại TP.HCM, ôm giấc mơ đi theo con đường âm nhạc dân tộc, sau khi tốt nghiệp sẽ trở về gầy dựng lại đội nhạc ở làng mình, vừa kết hợp truyền dạy cho những người có đam mê.
Tran nói rằng thời ông bà mình, người Ba Na thiếu ăn nhưng trong nhà ai cũng có đàn t'rưng, có một bộ chiêng, có k’long put... Ngày làng ăn lúa mới hay dịp lễ lạt, người làng chơi đàn và uống rượu cần đến nghiêng ngả. Tran từng được lớn lên trong những quãng thời gian ngắn ngủi như thế.
“Từ khi mình lên học cấp III, thấy thanh niên, người làng ít chơi đàn hẳn. Nhiều nhà có đàn nhưng để trong góc nhà, lâu lâu mới đưa ra dùng, có nhà thì đem đi bán, cả cồng chiêng cũng bán. Mình buồn lắm mà không biết phải làm sao” - Tran nói.
Năm 2015, khi rời Trường Văn hóa nghệ thuật quân đội, Kaly Tran quyết định sẽ dành thời gian để về lại làng mình, dạy trẻ con chơi đàn, gọi người lớn vào nhóm nhạc của mình. Để có chi phí phục vụ đam mê, Tran đi hát ở các phòng trà, các sô hát tại TP.HCM, lúc rảnh rỗi lại bắt xe đò về lại Kon Tum.
Tran nói rằng ngày mới ra trường về, trong buổi đêm ngồi lại với già làng, những người lớn tuổi và đám thanh niên trong làng, khi nghe anh nói mình muốn gầy dựng lại đội nhạc truyền thống, rồi tự tay làm đàn, kêu gọi người làng vào đội nhạc, nhiều người lắc đầu bảo: “Hát làm sao được, tụi tao quen cái chân đi nương đi rẫy rồi, mà hát phải có năng khiếu, đâu phải ai hát cũng được”.
Nghe Tran giải thích rằng chỉ cần có đam mê và tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc Ba Na, Tran sẽ hướng dẫn người làng làm được, mọi người ngồi gật đầu, xuôi ý.
Kaly Tran (người ôm trống) cùng đội nhạc của mình biểu diễn tại Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây nguyên tháng 3-2016 - Ảnh: B.D. |
Ngày đi làm rẫy, tối về đi hát
Tran tập hợp được gần 30 người. Công việc ban đầu là làm nhạc cụ. Tran kéo người làng ngược lên các cánh rừng để tìm cây lồ ô, chọn những cây tre nứa lớn về phơi sấy, đục đẽo. Những cây đàn t'rưng được dựng lên, trống Ba Na được lấy từ góc nhà ra. Các loại đàn vốn là nhạc cụ không thiếu của người Ba Na một thời như k’long put, ting ning, bông bỗh... được làm nên từ bàn tay khéo léo, đam mê bỏng cháy của Tran và nhiều người làng.
Thấy Tran quyết tâm, nhiều già làng, những người biết chơi nhạc cụ cũng góp sức. Đến nay nhóm nhạc của Kaly Tran đã lên tới 70 thành viên, khi cần Tran có thể huy động cả hàng trăm người đi biểu diễn. “Kaly và mọi người trong nhóm chỉ muốn hát, chỉ muốn cho người ta thấy âm nhạc Ba Na thú vị và hoang dại đến thế nào. Chỉ thế là đủ. Còn catsê thì có thêm cũng vui, vừa có kinh phí tập dượt, vừa đỡ đi rẫy, bà con bớt vất vả” - Kaly Tran nói.
Ở Kon Tum bây giờ, làng Kon Klor của Tran không chỉ nổi tiếng vì là ngôi làng ven thành phố có những ngôi nhà cổ mộc mạc, ngôi nhà rông truyền thống bên dòng Đắk Bla chảy qua trung tâm TP Kon Tum, mà còn được nhiều người biết đến bởi đội nghệ nhân do Tran hướng dẫn.
Điều khá thú vị là hầu hết các nghệ nhân trong đội của Tran đều là người dân nghèo, công việc chính là nương rẫy, sau khi được Tran “lôi kéo” thì quyết tâm tập dượt và trở thành những tay trống, tay đàn điệu nghệ.
Ngoài ra Tran cũng có một đội “pram” nhí, tập hợp những học sinh chuyên đóng hình nhân, mang những mặt nạ, bộ trang phục bằng lá, vỏ cây kỳ dị.
A Rưng - thành viên của nhóm nhạc làng Kon Klor - gãi đầu bảo: “Mình học hết lớp 9 thì nghỉ, ở nhà đi làm rẫy, thấy Kaly về gọi vào đội nhạc ban đầu mình hơi ngại nhưng sau thấy... vui nên cũng đi. Giờ một tuần mà không được đánh trống, không được hát thì buồn lắm” - Rưng nói.
Ông A Bưu - 60 tuổi, là người chú của Kaly Tran và cũng là thành viên “máu mê” nhất của đội nhạc - bảo: “Người Ba Na chúng mình ham chơi mà cũng thích âm nhạc lắm, trước đây ông bà mình sống không thể thiếu cái đàn, cái trống, giờ ít hơn xưa rồi. Tran về hướng dẫn bà con chơi nhạc, làm đàn, rồi đưa đi diễn mình mừng lắm chớ”.
“Tài sản” của ngành văn hóa Giám đốc Sở VH-TT&DL Kon Tum Phạm Thị Trung nói rằng khi được thấy đội nhạc của Kaly biểu diễn, bà đã “mê say” như chính gặp lại linh hồn nghệ thuật âm nhạc Tây nguyên tự sâu trong đời sống người dân. Kaly đã truyền thụ được cảm giác âm nhạc, gầy dựng đội nhạc và phong cách biểu diễn hoàn toàn từ bản năng hoang dã vốn có của dân tộc Ba Na. Chính vì thế, nhiều người coi Kaly và nhóm nhạc của anh như “tài sản” mới được “khai quật” của ngành văn hóa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận