Người dân TP.HCM, Đồng Nai có tuổi thọ trung bình đạt 76,5 tuổi - Ảnh: L.A
Đó là những thông tin vừa được Tổng cục Thống kê công bố trong báo cáo chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam, giai đoạn 2016-2020.
Theo Tổng cục Thống kê, 5 địa phương dẫn đầu cả nước về tuổi thọ trung bình của người dân trong giai đoạn 2016-2020 là: Đồng Nai 76,5 tuổi; TP.HCM 76,5 tuổi; Bà Rịa - Vũng Tàu 76,4 tuổi; Đà Nẵng 76,1 tuổi và Tiền Giang 75,9 tuổi.
Bên cạnh đó, những địa phương người dân có tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh thuộc nhóm thấp cả nước được ghi nhận là: Lai Châu 65,8 tuổi; Kon Tum 66,8 tuổi; Hà Giang, Điện Biên là 67,8 tuổi và Quảng Trị 68,2 tuổi.
Nhìn chung tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của các địa phương trong giai đoạn 2016-2020 tăng dần qua các năm, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong đó có 56 địa phương tuổi thọ trung bình năm 2020 cao hơn năm 2016, có 3 địa phương tuổi thọ người dân không thay đổi và 4 địa phương có mức tuổi thọ trung bình của người dân giảm.
Những địa phương có tuổi thọ trung bình không thay đổi hoặc giảm có nguyên nhân chủ yếu do biến động mạnh về cơ cấu dân cư trên địa bàn, thể hiện rõ ở tỉ suất nhập cư, xuất cư cao trong giai đoạn 2016 - 2020.
Hầu hết những địa phương người dân có tuổi thọ trung bình tăng cao trong giai đoạn 2016-2020 là những địa phương trước đây có tuổi thọ trung bình thấp, chủ yếu là các tỉnh miền núi, vùng cao.
Trong đó tuổi thọ trung bình của người dân Hà Giang tăng từ 67,5 tuổi vào năm 2016 lên 68,4 tuổi vào năm 2020, tăng trung bình 0,9 năm.
Cùng khoảng thời gian 2016-2020, tuổi thọ trung bình người dân ở Điện Biên tăng từ 67,5 tuổi lên 68,4 tuổi; tỉnh Đắk Nông tăng từ 70,3 tuổi lên 71 tuổi; tỉnh Lào Cai tăng từ 68,8 tuổi lên 69,3 tuổi; Lâm Đồng tăng từ 72,8 năm lên 73,3 năm; tỉnh Gia Lai tăng từ 69,6 tuổi lên 70,1 tuổi.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, do tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh tăng nên chỉ số sức khỏe người dân của các địa phương giai đoạn 2016-2020 đều đạt khá cao.
Hai địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số sức khỏe người dân giai đoạn 2016-2020 là TP.HCM và Đồng Nai đạt 0,869 điểm.
Kết quả tính toán và phân tích HDI cả nước giai đoạn 2016 - 2020 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy nhờ đạt được sự gia tăng liên tục qua các năm, Việt Nam từ nhóm các nước có chỉ số HDI trung bình đã gia nhập nhóm các nước có chỉ số HDI đạt mức cao trong những năm 2019 - 2020.
Theo đó, thứ hạng của Việt Nam trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới đã tăng từ vị trí 118 (năm 2018) lên vị trí 117 (năm 2019) và có thể còn tiếp tục cải thiện trong năm 2020, khi Cơ quan Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cập nhật bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người toàn cầu mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, chỉ số HDI của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 vẫn bộc lộ một số vấn đề cần xử lý, khắc phục. Mức độ tăng và tốc độ tăng HDI của cả nước và hầu hết các địa phương đều thấp.
Đáng lưu ý, chỉ số HDI của một số địa phương, trong đó có các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu chững lại.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số HDI của Việt Nam mới đạt mức bình quân của khu vực, xếp thứ 7/11 quốc gia Đông Nam Á.
Tổng cục Thống kê cho rằng chỉ số HDI là thước đo tổng hợp, đánh giá toàn diện kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do vậy, chỉ số HDI phải được xác định là một trong những chỉ tiêu chủ yếu trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương.
Vì vậy cần có một hệ thống các giải pháp đồng bộ để cải thiện chỉ số HDI, đặc biệt cần có các giải pháp tăng cường dịch vụ y tế, giáo dục vì các lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến phát triển con người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận