25/04/2019 12:17 GMT+7

Người dân TP.HCM lắp điện mặt trời sắp được trả tiền điện

Q.KHẢI - L.PHAN
Q.KHẢI - L.PHAN

TTO - Kể từ tháng 5, người dân lắp điện mặt trời trên địa bàn TP.HCM sẽ được ngành điện chi trả tiền mua điện. Hộ gia đình bán điện dưới 100 triệu đồng/năm không phải đóng thuế.

Người dân TP.HCM lắp điện mặt trời sắp được trả tiền điện - Ảnh 1.

Kể từ tháng 5-2019, người dân lắp đặt điện mặt trời bán cho ngành điện sẽ được thanh toán tiền. Trong ảnh: lắp đặt điện mặt trời tại một tòa nhà TP.HCM - Ảnh: QUANG KHẢI

Ngày 25-4, Công ty Điện lực Sài Gòn thuộc Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã tiến hành ký hợp đồng mua bán điện với các trường hợp lắp đặt áp mái trên địa bàn quận 1, quận 3.

Việc ký hợp đồng như trên làm cơ sở thanh toán cho khách hàng đã lắp đặt điện mặt trời áp mái thời gian qua.

Theo thông tin từ Tổng công ty Điện lực TP.HCM, tính đến nay trên địa bàn TP đã có 1.432 công trình lắp đặt điện mặt trời áp mái, công suất lắp là 17,46MWp. Tuy nhiên, thời gian qua lượng điện mặt trời phát lên lưới chỉ được ghi nhận chứ chưa có cơ sở thanh toán vì vướng thủ tục về thuế.

Như vậy kể từ tháng 5, lượng điện ghi nhận trước đó chưa thanh toán cũng sẽ được thanh toán trong đợt này.

Người dân TP.HCM lắp điện mặt trời sắp được trả tiền điện - Ảnh 2.

Đại diện Công ty Điện lực Sài Gòn (giữa) ký hợp đồng mua bán điện mặt trời với các khách hàng lắp đặt điện mặt trời sáng 25-4 - Ảnh: QUANG KHẢI

Theo hướng dẫn của Bộ Công thương, các hợp đồng mua bán điện mặt trời vận hành thương mại trước ngày 1-7-2019 là 9,35 Cents/kWh, thời hạn hợp đồng có giá trị 20 năm. Tuy nhiên do chênh lệch tỉ giá đôla Mỹ so với đồng Việt Nam, EVN chia các thời điểm mua điện mặt trời với mức giá khác nhau.

Cụ thể, dự án điện mặt trời vận hành trước ngày 1-1-2018 có giá mua điện là 2.086 đồng/kWh; trong năm 2018 giá mua điện là 2.096 đồng/kWh; trong năm 2019 là 2.134 đồng/kWh. Kể từ năm 2020 và các năm tiếp theo, giá mua điện tính theo sự chênh lệch tỉ giá từng năm cụ thể.

Cũng theo Tổng công ty Điện lực TP, ngành điện sẽ chi trả tiền điện thông qua hình thức chuyển khoản hằng tháng cho khách hàng. Về cách xác định thuế VAT, đối với đơn vị doanh nghiệp có phát hành hóa đơn, đơn vị lắp đặt khai thuế bằng phương pháp khấu trừ 10%. Trường hợp đơn vị lắp đặt kê khai thuế trực tiếp trên thuế VAT thì nộp 2%/doanh thu.

Riêng trường hợp hộ gia đình không phát hành hóa đơn, nếu mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm được áp dụng mức thuế 2%, còn doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì không phải chịu thuế.

Người dân TP.HCM lắp điện mặt trời sắp được trả tiền điện - Ảnh 3.

Đại diện Công ty Điện lực Sài Gòn (bìa phải) trao hợp đồng mua bán điện mặt trời với khách hàng tại hội nghị sáng 25-4 - Ảnh: QUANG KHẢI

Theo các chuyên gia, với thủ tục tháo gỡ vướng mắc cơ chế thanh toán tiền điện mặt trời như trên, hứa hẹn việc phát triển điện mặt trời áp mái sẽ bùng nổ trong thời gian tới.

Tuy nhiên ông Đặng Ngọc Quốc Bảo - đại diện Tổng công ty Điện lực TP, khuyến cáo trước khi lắp đặt khách hàng cần tìm hiểu lưới điện như thế nào, vì nếu công suất lắp đặt có thể gây quá tải hệ thống lưới điện khu vực thì ngành điện không thể mua lại điện mặt trời.

"Ngoài ra khách hàng cần làm việc với đơn vị lắp đặt về các thiết bị ban đầu, hệ thống chuyển đổi để khi điện lực kiểm tra sẽ đạt tiêu chuẩn đấu nối vào hệ thống", ông Bảo cho hay.

Miền Trung, miền Nam có nhiều tiềm năng điện mặt trời áp mái

TTO - Với số giờ nắng trung bình từ 2.000-2.600 giờ/năm, miền Trung và miền Nam được đánh giá có các điều kiện thuận lợi để phát triển điện mặt trời áp mái hộ gia đình.

Q.KHẢI - L.PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên