02/03/2019 11:14 GMT+7

Người dân Tây nguyên lo lắng vì hạn hán, thiếu nước

T.TÂN - H.C.ĐÔNG
T.TÂN - H.C.ĐÔNG

TTO - Mới đầu mùa khô 2019 nhưng nhiều nơi ở Tây Nguyên đã thiếu nước tưới, thiếu nước sinh hoạt.

Người dân Tây nguyên lo lắng vì hạn hán, thiếu nước - Ảnh 1.

Người dân thị xã An Khê giặt áo quần dưới chân đập thủy điện An Khê - Kanak - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Theo báo cáo của ngành thủy lợi hai tỉnh Đắk Lắk - Đắk Nông, mực nước tại các ao hồ, sông suối đã sụt giảm đáng kể. Nhiều người dân đã phải đầu tư tiền bạc để khoan thêm giếng, khơi thông ao hồ để tích nước từ bây giờ.

Tìm cách khoan thêm giếng

Nhìn cái ao sắp trơ đáy của gia đình, anh Y Tuyn Niê (thôn 3, xã Ea H’đinh, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk) gọi thợ khoan giếng để tìm nguồn nước dự phòng cho đợt tưới tiếp theo.

"Hơn 1ha cà phê và 4 sào lúa nước của mình chỉ dựa vào cái ao này và một giếng khoan. Vậy mà giờ giếng khoan cũng sắp cạn, tưới hai giờ phải nghỉ năm giờ để nước mạch chảy ra. Cái ao thì trơ đáy. Nếu không khoan được giếng mới, cây trồng của mình lại chết héo như mùa khô năm 2016" - anh Y Tuyn cho biết.

Theo ngành nông nghiệp Đắk Lắk, mực nước tại các công trình thủy lợi ở các huyện M'Đrắk, Ea Kar, Krông Búk, Krông Năng, Ea H'leo, Cư M’Gar và TP Buôn Ma Thuột đã sụt giảm và có nguy cơ không đáp ứng được nguồn nước tưới thời gian tới.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có 554 công trình thủy lợi và đến nay đã có một số hồ, đập bắt đầu kiệt nước, nhất là các huyện phía đông và đông bắc của tỉnh. Đến nay đã có 7 hồ cạn nước tại các huyện Cư M’Gar, Buôn Đôn, Krông Búk...

4 ngày không có nước sử dụng

Trong khi đó tại Gia Lai, sông Ba qua An Khê nhiều đoạn đang sắp trơ đáy.

UBND thị xã An Khê cho biết có thời điểm Nhà máy nước Sài Gòn - An Khê (được thiết kế phục vụ gần 15.000 hộ dân) buộc phải dừng hoạt động. Có khi người dân không có nước sử dụng trong 4 ngày liên tục.

Lý do mực nước trong lòng hồ thủy điện An Khê xuống quá thấp, nên không có nước thô để xử lý và cung cấp nước cho người dân.

Việc xả nước của Nhà máy thủy điện An Khê - Kanak với mức 4 m3/s xuống lưu vực sau chân đập chỉ được thực hiện sau khi chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai có văn bản yêu cầu vận hành xả nước giúp dân.

Nhiều người dân sinh sống ở lưu vực ven sông Ba đang đối mặt với tình trạng kéo dài nhiều ngày. Nguồn nước sinh hoạt bị sụt giảm nghiêm trọng. Nhiều người dân buộc phải ra bờ sông Ba để lấy nước sinh hoạt, tắm giặt ngay tại bờ sông.

Ông Trần Trung Thành, phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực , cho biết cuối tháng 2, mặc dù mùa khô chỉ mới bắt đầu nhưng tình trạng thiếu nước nghiêm trọng đã xảy ra cục bộ ở một số địa phương phía đông và đông nam tỉnh Gia Lai.

Mực nước hiện tại của hồ An Khê - Kanak, hồ chứa lớn nhất khu vực sông Ba, đang thấp hơn mực nước cho phép 22m, tức chưa đạt 10% dung tích thiết kế.

Nam Bộ nắng nóng kéo dài

Theo Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nắng nóng tiếp tục kéo dài ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiệt độ cao nhất ở mức 35 độ C, có nơi trên 35 độ C, độ ẩm thấp nhất 30-40%.

Dự báo khu vực các tỉnh miền Đông Nam Bộ nắng nóng sẽ duy trì trong những ngày tới, sau đó thu hẹp trở lại. Cụ thể tại Bình Phước nắng nóng tới 36 độ C, kéo dài đến ngày 9-3. Tại Đồng Nai nhiệt độ cũng duy trì mức 35-36 độ C. Tại Bình Dương và TP.HCM nhiệt độ ở mức 35 độ C.

Q.K.

Nhiều vùng sẽ bị hạn nghiêm trọng

Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, việc thiếu nước ngay từ đầu mùa khô dự báo tình trạng hạn hán sẽ rất nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Huấn, phó trưởng phòng dự báo của đài này, cho biết nguyên nhân chính hạn hán đến ngay từ đầu mùa khô là do mùa mưa năm 2018 kết thúc sớm, thiếu bổ sung nguồn nước ngầm, sông suối, hồ đập.

Nơi hạn nặng nhất sẽ là vùng đông nam tỉnh Gia Lai. Dự báo từ nay đến giữa tháng 4-2019, mực nước trên sông Ba xuống rất thấp mặc dù có dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện, thủy lợi.

Trong tháng 3-2019, ở Gia Lai diện tích hạn sẽ mở rộng hơn và có thể chiếm 40 - 60% diện tích toàn tỉnh này.

​Ninh Thuận: Nhiều giải pháp ứng phó hạn hán

Với lượng mưa thấp nhất nước, hạn hán tại tỉnh Ninh Thuận không còn lạ. Tuy vậy, trong năm 2016, hạn hán đang khiến nhiều nơi ở Ninh Thuận hoàn toàn không có nước sinh hoạt, nước ngầm đã cạn kiệt, người dân phải oằn mình chống chọi với hạn.

T.TÂN - H.C.ĐÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên