TTO - Hơn 30 năm nay, có một người đàn ông nghèo ở TP Tân An, Long An thầm lặng theo đuổi và gìn giữ nghệ thuật múa bóng rỗi. Đó là , 58 tuổi.

Ngoài việc gìn giữ bộ môn văn hóa dân gian, ông còn truyền nghề cho nhiều bạn trẻ cũng ham thích Nam Bộ.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 2.
Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 3.

Suốt hơn 30 năm nay, vừa phải chật vật mưu sinh vừa bị gia đình phản đối dữ dội do theo nghề "múa bóng", nhưng ông Hùng vẫn gắng gỏi gìn giữ bộ môn múa bóng rỗi Nam Bộ.

Ngoài những ngày đi múa bóng vía bà ở các miếu thờ trong các dịp lễ, tết từ tháng 11 đến tháng 1 âm lịch, ông Hùng còn "chạy show" đám ma, hát, nhảy nhạc Tây và diễn xiếc để mưu sinh.

Nhiều năm đi hát múa bóng rỗi, ông Hùng tự hào đã đào tạo được hàng chục "cô bóng" - những học trò trẻ cũng đam mê bộ môn nghệ thuật dân gian này.

Thông thường, ngoài các lễ vía Bà ở các miễu môn, ông còn đi biểu diễn ở các chương trình nghệ thuật dân gian tại Long An và các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ, TP.HCM.


Mới đây nhất, nghệ nhân Lê Minh Hùng được đề nghị trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong bộ môn nghệ thuật múa bóng rỗi vì những cống hiến, gìn giữ bộ môn này suốt hơn 30 năm qua.
Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 4.

Nghệ nhân Lê Minh Hùng khẽ "rỗi" câu hát về "đời bóng" hơn 30 năm của mình trong buổi chiều muộn ở miễu Bà Cố - nơi thầy trò họ thường ghé tới cúng vía bà và luyện các ngón nghề múa bóng rỗi.

"18 tuổi, tôi ngày càng mê múa bóng rỗi, nhưng cha mẹ, anh chị dứt khoát không cho. Họ giao tôi giữ đứa cháu nhỏ và coi nhà để tôi không đi cúng bóng được, nhưng tôi vẫn đi và ẵm nó theo luôn. 

Đến đám múa bóng, nó được người ta cho bánh về nhà lại "khai" ra hết nên bị lộ. Mấy anh giận treo tôi lên tay đòn trên nóc nhà "oánh" dữ lắm. Đánh đến ngất xỉu mới thả xuống tưới nước cho tỉnh dậy rồi hỏi còn đi múa bóng nữa không.

Tôi không cãi nhưng vẫn theo miễu môn vía bà mỗi ngày. Tới khi mẹ tôi can ngăn, khuyên các anh để tôi được lựa chọn cuộc sống của mình, mấy ảnh mới buông nhưng từ đó coi như bỏ tôi luôn", ông kể.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 6.

Vừa xong buổi tập cùng các học trò ở miễu Bà Cố, TP Tân An, Long An, nghệ nhân Lê Minh Hùng lại tất tả đi chạy show đám ma người ta kêu.

"Có hôm đi múa bóng ở xa, phải bỏ 2 - 3 show đám ma cả triệu bạc mỗi đám xót lắm. Nhưng phải chịu thôi vì mỗi năm chỉ có mấy dịp đi vía Bà hát bóng, cũng là dịp để thầy trò luyện lại ngón nghề nên đâu thể vì tiền bạc mà bỏ bê cái ‘nghiệp’ này", ông Hùng bộc bạch.

Để lưu giữ được bộ môn múa bóng rỗi, ông Hùng còn đi hát nhạc Tây, biểu diễn múa tạp kỹ trong các đám ma. Lúc không có show đám ma hay đám múa bóng, ông phụ vợ và con gái bán ở sạp trứng trước nhà.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 7.

Ông Hùng phụ vợ bán trứng vịt ở nhà

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 8.

Hơn 30 năm làm "cô bóng", nghệ nhân Lê Minh Hùng không chỉ truyền đam mê mà còn truyền nghề cho nhiều lứa học trò trẻ.

Múa bóng rỗi không chỉ cần đam mê mà còn phải kiên trì và quyết tâm. Học hát rỗi, học múa tạp kỹ... toàn những món không dễ dàng.

"Có khi nhận được học trò có khiếu nhưng lớp vì mưu sinh, lớp vì gian nan, nhìn tụi nhỏ bỏ học mà rơi nước mắt. Nhưng biết làm sao, ai còn ở lại mới đủ tâm tư mà học cái môn này", ông nói.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 9.

Nguyễn Hữu Lợi, nghệ danh Ngọc Lợi, 23 tuổi, là một trong những học trò của ông Hùng ở TP Tân An, Long An kể chỉ một lần đi xem thầy múa bóng là "mê" và theo học luôn.

"Lúc mới học rất khó, ban đầu thầy chỉ cho tập giữ thăng bằng bằng cây huệ, sau đó là múa dao, rất nguy hiểm. Từ 2 dao, sau lên 4, rồi 6 con dao, để thăng bằng trên đầu cây trúc. Lúc đầu cũng sợ nhưng vì đam mê nên tôi quyết tâm theo nghề", Lợi kể.

Cũng thích bộ môn này khi tình cờ xem các video về nghệ nhân Lê Minh Hùng, quyết tâm học và để theo nghề, Trần Văn Thịnh (26 tuổi, ở TP Tân An) tâm sự đã phải vượt qua nhiều thử thách, bị người đời dèm pha, chọc ghẹo khi khoác lên người bộ áo dài, "bôi son, trát phấn" lên mặt…

"Nhưng cũng có người hiểu biết về bộ môn này ủng hộ. Nhất là khi nghe kể quá trình gian nan hơn 30 năm đeo đuổi và gìn giữ nghề của thầy tôi càng đồng cảm và quyết tâm. Tôi chỉ mong bộ môn bóng rỗi dân gian này được gìn giữ, lưu truyền", Thịnh nói.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 11.

Ghé chợ Tân An, có một ngôi nhà mặt tiền chợ, trên treo bảng hiệu "Nhạc Tây Minh Hùng", nhưng phía dưới là sạp bán trứng. Đó là ngôi nhà mà ông Hùng và vợ cùng cô con gái sinh sống. Những lúc rảnh rỗi, ông thường phụ vợ và con gái bán trứng.

Vợ của "cô bóng" Lê Minh Hùng năm nay mới 52 tuổi nhưng bị thoái hóa cột sống nên không thể mang vật nặng quá 5kg.

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 12.

"Cả cuộc đời chịu cay đắng để đi theo bộ môn này, cái tôi cảm thấy không hối tiếc nhất là dù bị anh em, người đời dị nghị, xa lánh, tôi vẫn phụng dưỡng mẹ già đau bệnh suốt mười mấy năm trời. Và may mắn, bên cạnh tôi luôn có người vợ tảo tần, cảm thông với đam mê của mình. Cả đứa con gái giờ đã trưởng thành nhưng hiểu và thương những nghiệt ngã "đời bóng" của cha mình", ông Hùng tâm sự.

"Không chỉ đồng cảm, bả còn giúp tôi mua quần áo, đạo cụ của cô bóng. Mẹ tôi bị tai biến nằm một chỗ gần 18 năm trời, bả bế ẵm chăm nom cho tới ngày mẹ tôi nhắm mắt. Phải ẵm bồng bà già nặng gần cả trăm ký nên bả bị thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, trị suốt mấy năm nay mà không hết.

Mới rồi, tôi đi thi "Kẻ thách thức" rồi "Người bí ẩn" trên truyền hình được mấy chục triệu, vừa về thì bả bị thoát vị đĩa đệm phải đi chữa trị hết 33 triệu. Cũng may còn có cái xoay sở", ông Hùng bùi ngùi kể về người vợ đã luôn ủng hộ ông làm "cô bóng" suốt hơn 30 năm qua.

Do mẹ nghệ nhân Lê Minh Hùng bệnh nặng, gia đình lại khó khăn nên hai vợ chồng ông chỉ có một con gái, nay cũng đã có gia đình.

Nói về chồng, bà Trần Thị Bảy cười hiền hậu bảo: "Chồng tôi đã chọn cái nghề mà người đời gọi là "cô bóng". Nhưng bóng thì mặc bóng, tôi là vợ ổng, thương, tôi vẫn thương thôi".

Người đàn ông hơn 30 năm sống đời bóng rỗi - Ảnh 13.


LÊ VÂN - HOÀNG ĐÔNG
TƯỜNG VY & PHƯƠNG THANH
BẢO SUZU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên