Phóng to |
Chung cư Nguyễn Đình Chính, Q.Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Tôi mong có dịp nói rõ về việc này nhưng trong mấy ngày qua, vừa phải tập trung vào việc hoàn thiện dự thảo nghị định về thi hành Luật đất đai để trình Chính phủ ban hành, vừa phải trả lời nhiều ý kiến hỏi về việc thi hành Luật đất đai mới (đến nay vẫn còn nợ trả lời một số câu hỏi qua điện thoại hoặc qua thư điện tử đã gửi đến cho tôi) nên chưa thực hiện được.
Trước hết, tôi tán thành ý kiến anh Viễn đã nêu chung quanh các vấn đề sau đây:
Một là, nhà chung cư là con đường tất yếu để giải quyết nhu cầu nhà ở tại các đô thị và khu dân cư tập trung vì không những tiết kiệm đất (đối với một nước đất chật người đông như nước ta thì sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả là vấn đề hàng đầu trong quản lý đất đai) mà còn có lợi về nhiều mặt như môi trường tốt hơn, việc bố trí các dịch vụ phục vụ đời sống thuận lợi hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có các chính sách, qui định để khuyến khích xây dựng và sử dụng chung cư, nhất là chung cư cao tầng.
Hai là, người sở hữu căn hộ chung cư dưới bất cứ hình thức nào (mua, kể cả mua của công ty nhà nước hoặc công ty tư nhân, được tặng cho, được để thừa kế, được đền bù bằng nhà ở do giải tỏa mặt bằng...) cũng đều có quyền sở hữu đối với căn hộ và quyền sử dụng đất để xây dựng căn hộ chung cư đó; dù căn hộ chung cư vì lý do gì đó mà không còn ( sập, cháy như anh Viễn đã nêu) thì người sở hữu căn hộ chung cư vẫn còn quyền sử dụng đối với đất xây dựng căn hộ chung cư đó.
Luật đất đai năm 2003 và dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành không những không làm mất đi quyền sử dụng đất mà còn làm rõ hơn quyền sử dụng đất của người sở hữu căn hộ chung cư.
Ba là, căn hộ chung cư là tài sản kiến trúc gắn liền với đất nên tất nhiên đó là bất động sản và người sở hữu căn hộ chung cư phải có giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận quyền sở hữu căn hộ và quyền sử dụng đất để xây dựng căn hộ chung cư. Hơn nữa, giấy tờ xác nhận đó đang rất cần thiết để người sở hữu căn hộ chung cư thực hiện các quyền đối với bất động sản đã được pháp luật qui định, kể cả quyền thế chấp để vay vốn ngân hàng. Thủ tục hành chính về đất đai, nhà ở dù có thay đổi như thế nào cũng không thể bỏ việc cấp giấy cho người sở hữu căn hộ chung cư.
Chính vì phải bảo đảm quyền sử dụng đất của người sở hữu căn hộ chung cư nên trong dự thảo nghị định về thi hành Luật đất đai đã được hoàn thiện và tôi vừa trình Thủ tướng Chính phủ ngày 26-7, tại khoản 1 điều 44 đã nêu rõ: “Đất xây dựng nhà chung cư và các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư thuộc chế độ đồng quyền sử dụng của những người sở hữu căn hộ chung cư”.
Điều đó có nghĩa là những người sở hữu các căn hộ thuộc nhà chung cư có quyền sử dụng lâu dài (không thời hạn) đối với đất xây dựng nhà chung cư và các công trình trực tiếp phục vụ nhà chung cư. Nếu sau này nhà chung cư được xây dựng lại nhiều tầng hơn, có nhiều căn hộ hơn thì những người sở hữu căn hộ chung cư trước đó được hưởng lợi ích tương ứng do việc tăng diện tích nhà chung cư đem lại. Tất nhiên là còn tương ứng với diện tích rộng hẹp, tầng cao thấp khác nhau của từng chủ sở hữu căn hộ chung cư trước đó.
Tôi xin chúc anh Viễn và bà con trong cùng chung cư với anh Viễn mạnh khỏe và yên tâm với căn hộ mà mình sở hữu. Bản thân tôi ở Hà Nội và con gái tôi ở TP.HCM cũng đang ở nhà chung cư.
Nhân đây, qua báo Tuổi Trẻ, tôi xin cảm ơn và chia sẻ ý kiến của anh Trần Hồng Quang gửi qua thư điện tử ngày 27-7 góp ý chung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ chung cư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận