Đó là cây cầu Ưng Hoong bắc qua sông Bồ dẫn vào khu tái định cư bản Cu Mực - Căn Hoa đã giúp người dân thoát khỏi cảnh bị cô lập. Ngoài tên Ưng Hoong, cây cầu này còn được người dân trìu mến gọi là "cầu bác Trọng".
Khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa nằm ở thượng nguồn con sông Bồ. Con đường nhỏ đầy sỏi đá dẫn lối từ quốc lộ 49 vào bản Cu Mực - Căn Hoa sáng 25-7 vắng lặng.
Đầu bản là căn nhà mới đổ cọc bê tông kiên cố của anh Hồ Xuân Tường (40 tuổi). Gia đình anh Tường trước đây là một trong những hộ dân nghèo nhất bản.
Là một "thợ rừng" hằng ngày chạy theo con ong con cá trên rừng dưới suối, chưa bao giờ anh nghĩ có một ngày giấc mơ dựng nhà bê tông kiên cố sẽ thành hiện thực.
"Nhờ bác Trọng cả đó. Bác giúp có cây cầu nên dân mới thoát nghèo", anh Tường nói trong nước mắt.
Bản Cu Mực - Căn Hoa là bản tái định cư theo chính sách vận động người dân đến vùng kinh tế mới. Hơn 60 hộ dân nghèo ở huyện A Lưới đã đến khu vực này khai phá đất hoang, phát triển kinh tế.
Lúc đó để vào được bản phải lội sông Bồ. Mùa khô nước cạn thì có thể đi bộ được, nhưng đến mùa lũ khi nước cuồn cuộn chảy thì bản Cu Mực - Căn Hoa bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
"Cây cầu bắc qua sông là mong ước xa vời của bà con dân bản. Mãi đến năm 2014 khi bác Trọng tới thăm, thấy đời sống bà con quá khó khăn nên đã chỉ đạo dành nguồn lực xây cầu cho dân đi lại, thoát cảnh bị chia cắt. Từ đó dân bản gọi là "cầu bác Trọng" để nhắc nhớ về ân nghĩa mà bác dành cho bà con" - anh Tường chia sẻ.
Có cây cầu, việc làm ăn của gia đình anh Tường cũng khá hơn nhờ trồng cây keo, cây tràm. Vào mùa thu hoạch, xe thu mua keo, tràm vượt cầu chạy lên đến tận nương rẫy của gia đình.
Trong trí nhớ của ông Hồ Viết Lương - chủ tịch UBND xã Hồng Hạ, người từng được vinh dự đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở chuyến thăm năm 2014 - nói rằng "cứ nghĩ là một giấc mơ".
"Bác Trọng giản dị lắm, vừa xuống xe là bác đi hỏi thăm bà con, các cháu mầm non liền. Thật tình tôi không nghĩ được trước mặt mình là một vị lãnh đạo cấp cao của Đảng bởi bác vô cùng gần gũi, thân thiện", ông Lương tâm sự.
Sau khi báo cáo tóm tắt tình hình đời sống của bà con nhân dân, ông Lương mạnh dạn kiến nghị Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng việc quan tâm xây dựng hai công trình trên.
Đó là nhà gươl truyền thống của đồng bào Cơ Tu và cầu Ưng Hoong. Nghe xong, Tổng Bí thư đồng ý ngay và chỉ đạo các bộ ngành nghiên cứu lập dự án đầu tư hai công trình.
Hai công trình trên hoàn thành đã góp phần giúp người dân xã Hồng Hạ thoát nghèo, phát triển kinh tế. Đặc biệt là với người dân bản Cu Mực - Căn Hoa đã không còn bị chia cắt khi có mưa lũ.
Nhẩm tính trên đầu ngón tay, ông Hồ Viết Lương nói rằng vào năm 2014, tổng mức thu nhập bình quân của xã Hồng Hạ là khoảng 14 triệu đồng/người thì đến năm 2023 con số này đã đạt trên 31 triệu đồng.
"Ước muốn của bà con Hồng Hạ là được đón bác Trọng quay trở lại thăm, để bác thấy được những thành quả mà nhân dân xã đã đạt được nhờ những công trình ấy. Nay tuy bác về với mây trời, nhưng nụ cười hiền của bác vẫn mãi ở trong tim chúng tôi", ông Lương nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận