Theo đài Al Jazeera, linh dương vốn là loài động vật hoang dã được bảo vệ ở nhiều quốc gia nhưng tại “quốc gia trẻ nhất thế giới” Nam Sudan, loài này lại là những bữa ăn thịnh soạn đối với những người dân đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và nghèo đói.
Anh Alier (28 tuổi) cho biết anh không còn lựa chọn nào khác ngoài việc săn bắt động vật hoang dã, bởi thịt bò và thịt dê được bày bán tại các cửa hàng gần nhà anh quá đắt đỏ so với mức lương 100.000 bảng Sudan (khoảng 166 USD) mỗi tháng của anh.
“Cuộc sống bắt buộc chúng tôi phải đi săn”, anh Alier nói với Al Jazeera. Thịt thú rừng mà anh săn được dùng để nuôi chín miệng ăn gồm cha mẹ, năm người anh chị em ruột và hai người anh em họ của anh.
Nếu không săn được thú hoang dã, cả gia đình anh sẽ phải nhịn ăn do nạn đói đang hoành hành. Vì vậy, anh buộc phải hành nghề thợ săn động vật hoang dã ít nhất ba lần mỗi tuần.
Tuy nhiên các chuyến đi săn đó cũng là mối nguy hiểm đối với những người dân như anh Alier, vì anh sẽ phải đối đầu với những băng đảng chuyên săn động vật hoang dã để kiếm lời được trang bị vũ trang hạng nặng.
“Tôi thà chết dưới họng súng của bọn tội phạm có vũ trang còn hơn chết đói ở quê nhà”, anh Alier cho biết.
Những tay thợ săn thịt thú rừng như anh Alier càng khiến chính quyền Nam Sudan thêm khó xử bởi họ đang phải chịu áp lực rất lớn từ các nhà hoạt động vì môi trường, những người đang nỗ lực kêu gọi xóa bỏ nạn săn bắt động vật hoang dã ở quốc gia châu Phi này.
Hồi tháng 6, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã thúc giục lực lượng an ninh quốc gia và Bộ Quản lý động vật hoang dã Nam Sudan phối hợp cùng các đối tác ưu tiên đào tạo, trang bị cho lực lượng kiểm lâm để chống lại nạn săn trộm và buôn bán động vật hoang dã.
Ông Salva Kiir cũng cho biết những người săn bắt động vật hoang dã phải bị đưa ra tòa và trừng phạt thích đáng.
Cơ quan Công viên và động vật hoang dã Zimbabwe (ZimParks) ngày 13-9 thông báo nước này sẽ xẻ thịt 200 con voi, trong bối cảnh quốc gia miền Nam châu Phi đang phải đối mặt đợt hạn hán chưa từng có.
Hôm 29-8, Namibia, quốc gia láng giềng của Zimbabwe, cho biết sẽ lấy thịt hơn 700 con vật hoang dã để giải quyết tình trạng thiếu lương thực, trong bối cảnh quốc gia này đang phải trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất 100 năm qua.
Zimbabwe và Namibia là hai trong số những quốc gia ở miền Nam châu Phi đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán.
Mặc dù vậy, quyết định săn bắn động vật để làm thực phẩm không được hoan nghênh trên diện rộng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận