28/02/2020 09:33 GMT+7

Người dân miền Tây 'khát' nước ngọt trầm trọng

MẬU TRƯỜNG
MẬU TRƯỜNG

TTO - Những ngày này, khắp địa bàn tỉnh Bến Tre - nơi nước mặn xâm nhập gay gắt nhất miền Tây, người dân phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua nước ngọt từ các sà lan, xe bồn về sử dụng.

Người dân miền Tây khát nước ngọt trầm trọng - Ảnh 1.

Người đàn ông này cùng chiếc xe bồn chuẩn bị chở nước ngọt vào TP Bến Tre để bán cho người dân với giá từ 150.000-200.000 đồng/m3 bởi nước máy đã bị nhiễm mặn trên 3 phần ngàn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Trước đây giá nước máy chỉ khoảng 8.000 đồng/m3 nhưng nay nước bị nhiễm mặn, người dân phải mua nước ngọt từ nơi khác chở về với giá 150.000-200.000 đồng/m3. Giá nước "chát" là thế nhưng người dân không còn cách nào khác.

Nước máy mặn chát

4h30 ngày 25-2, anh Nguyễn Minh Phương, 32 tuổi, ngụ phường Phú Tân, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, dậy sớm hơn thường lệ để có thời gian đi mua nước. Mở nước máy nếm thử, anh Phương nhăn mặt: "Mặn chát, nước này chỉ để làm muối chứ tắm giặt gì được". 

Anh Phương dắt xe máy, trên xe đã buộc sẵn 3 can nhựa loại 30 lít rồi chạy thẳng ra khu vực Bến Lở, thuộc sông Bến Tre để mua nước ngọt về sử dụng. Đã hơn một tuần nay, anh Phương đều đặn phải đi mua nước ba chuyến buổi sáng, ba chuyến buổi chiều như vậy. 

"Dù xài tiết kiệm hết mức nhưng mỗi ngày gia đình tôi cũng mất 90.000 đồng tiền nước. Tính ra bây giờ tiền nước ngọt còn tốn hơn cả tiền gạo" - anh Phương nói.

Nhà anh Phương ở ngay TP Bến Tre, những năm trước nước mặn ít xâm nhập đến khu vực nhà máy nước nên có nước ngọt xài quanh năm. 

Nhưng năm nay thì khác, nước mặn đã lấn vào sâu hàng chục cây số, bao trùm gần như toàn tỉnh Bến Tre nên các nhà máy nước buộc phải lấy nước thô đã nhiễm mặn để xử lý và bán cho người dân. 

Nguồn nước từ các nhà máy cấp cho người dân hiện độ mặn đã dao động từ 3-4 phần ngàn nên không thể nấu nướng, tắm giặt gì được. 

Anh Phương chỉ là một trong số hàng trăm ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre đang khốn đốn với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Ở quê trước đây chỉ cần gợn lớp bèo là có thể lấy nước ngọt lên lóng phèn để rửa ráy, tắm giặt thì nay gia đình bà Nguyễn Thị Như, xã An Hiệp, huyện Ba Tri, phải tốn gần 200.000 đồng để mua một khối nước từ xe bồn. 

"Phải xài nhín lắm, một thau nước sau khi vo gạo thì dùng để rửa rau rồi cho bò uống chứ đâu dám xài phung phí như trước. Hạn hán đã làm mất trắng lúa vụ ba, giờ lại thêm chi phí mua nước ngọt để sử dụng nữa, rất khó khăn" - bà Như nói.

Dùng sà lan chở nước cho dân để bình ổn giá

Nhu cầu mua nước ngọt của người dân tăng nên không ít người đã dùng các phương tiện để chở nước ngọt đi bán. 

Tại khu vực sông Bến Tre, ông Trần Anh Tuấn, ngụ huyện Giồng Trôm, đang hì hục kéo ống từ sà lan lên bờ để chuẩn bị bơm nước vào bồn nhựa được buộc sẵn trên xe ba bánh. 

Ông Tuấn kể mấy ngày nay nhu cầu mua nước của người dân Bến Tre rất cao, ông phải bơm liên tục cho khách, giá 100.000 đồng/m3.

"Trước đây, sà lan của tôi dùng để chở cát nhưng giờ thấy chở nước ngọt có ăn hơn nên chuyển qua chở nước ngọt về bán. Nước có sẵn trên sông Tiền, đoạn huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Mình chạy lên đó rồi nếm, thấy chỗ nào không mặn thì hút về bán cho người dân. Mỗi chuyến như vậy tui chở hơn 100m3 nước" - ông Tuấn nói.

Tuy nhiên, đây chưa phải là giá cuối cùng đến tay người dân. Những người chạy xe bồn để bán nước ngọt "hét" giá tùy khoảng cách đường gần hay xa. Nếu gần trong khu vực TP Bến Tre thì giá mỗi khối nước là 150.000 đồng, nếu xa hơn thì 200.000 đồng hoặc có thể hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cao Văn Trọng, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, cho biết tỉnh đã nắm được tình trạng không ít người nâng giá nước ngọt lên cao vô tội vạ trong thời gian qua. 

Do đó, ông Trọng cho biết tỉnh sẽ huy động đội sà lan chở cát trước đây để chở, cung cấp nước cho người dân với giá khoảng 120.000 đồng/m3.

"Hiện tỉnh đã cho lắp đặt và đưa vào sử dụng nhà máy xử lý và cung cấp nước sạch cho riêng Khu công nghiệp Giao Long trên địa bàn tỉnh. 

Nhà máy áp dụng công nghệ xử lý để tái sử dụng nước thải công nghiệp cũng như xử lý biến nước mặn thành nước ngọt với công suất tối đa 3.000m3/ngày đêm. Đây là nguồn cung nước ngọt đảm bảo tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong khu công nghiệp lớn nhất tỉnh Bến Tre. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đầu tư một hệ thống xử lý nước mặn thành nước ngọt cho Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu để cung cấp cho việc vận hành máy móc, thiết bị trong bệnh viện" - ông Trọng nói thêm.

Sóc Trăng: đầu tư khoảng 160 tỉ đồng cấp nước sinh hoạt

Ông Nguyễn Thành Dũng - giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Sóc Trăng - cho biết cuối năm 2019 tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành khảo sát toàn diện tình hình nước sinh hoạt của hộ dân trên địa bàn. Kết quả có 26.500 hộ dân bị ảnh hưởng khô hạn, xâm nhập mặn.

Để ứng phó, ông Dũng cho biết tại những tuyến, cụm đông dân cư, tỉnh Sóc Trăng đã mở rộng được 125.000m đường ống, giải quyết nước sạch cho gần 4.000 hộ nông thôn đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt tại các xã Long Bình (thị xã Ngã Năm), Ba Trinh, Đại Hải, Trinh Phú (huyện Kế Sách) và Mỹ Tú (huyện Mỹ Tú).

Hiện tỉnh đang tiếp tục mở rộng 600km đường ống tại các xã để giải quyết nước sạch cho khoảng 20.000 hộ.

Ngoài ra, đang khẩn trương khoan 33 giếng (mỗi giếng công suất 1.000m3/ngày đêm) nhằm tạo nguồn nước sạch dự phòng cung cấp cho các trạm cấp nước tập trung.

Tỉnh cũng chuẩn bị đầu tư 3 trạm cấp nước tập trung tại các xã Trinh Phú (huyện Kế Sách), An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung) và Vĩnh Thành (huyện Thạnh Trị). Tổng kinh phí thực hiện các dự án trên khoảng 160 tỉ đồng.

KHẮC TÂM

Cà Mau: hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước sinh hoạt

Lãnh đạo UBND tỉnh Cà Mau cho biết trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 20.540 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Lê Văn Sử - phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nguyên nhân chính là do phụ thuộc vào nguồn nước ngầm, không tiếp cận được nguồn nước mặt (sông Mekong) trong khi đó nhiều vùng nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, nước trên sông thì nhiễm mặn.

Ông Sử cho biết tỉnh đã xây dựng kế hoạch nâng cấp mạng lưới cung cấp nước tập trung, bố trí vốn cung cấp trang thiết bị, vật liệu trữ, chứa nước hoặc dùng phương tiện để vận chuyển nước cấp trực tiếp cho người dân.

Ngoài ra tỉnh cũng có kế hoạch khoan giếng, bổ sung nguồn nước ngọt, kéo dài đường ống từ các nhà máy nước tập trung ở vùng nước ngọt, lắp thêm các vòi nước công cộng để cấp nước ngọt cho các hộ dân bị ảnh hưởng xâm nhập mặn sử dụng...

NGUYỄN HÙNG

Tháng 3 hạn mặn tại Nam Bộ đạt đỉnh, miền Tây thiếu nước ngọt trầm trọng Tháng 3 hạn mặn tại Nam Bộ đạt đỉnh, miền Tây thiếu nước ngọt trầm trọng

TTO - Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tháng 3 năm nay mức độ xâm mặn tại hệ thống sông ở Nam Bộ sẽ đạt đỉnh của năm, tình trạng thiếu nước ngọt, nhiễm mặn sẽ trầm trọng, gay gắt.

MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên