Các bạn trẻ tình nguyện tham gia hỗ trợ phun khử khuẩn miễn phí cho các tòa nhà, hộ gia đình có F0 tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đường lối đổi mới đã giải phóng sức dân, để người dân được tự do làm ăn, kinh doanh. Chính họ đã làm nên sự phát triển của đất nước.
1. Điều quan trọng nhất giúp Việt Nam từ một nước nghèo trở thành nước có thu nhập trung bình như hiện nay trước hết nhờ đường lối đổi mới.
Sau đổi mới người dân, doanh nghiệp đã chủ động làm ăn, kinh doanh để tạo cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ và đóng góp cho đất nước.
Người dân đã làm nên sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Người dân ở đây gồm các doanh nghiệp, hộ gia đình đến những người nông dân, người lao động tự do.
Tất cả sự đóng góp của họ đã tạo ra bộ máy kinh tế - xã hội, ai cũng có vai trò, là một thành phần, mắt xích dù rất nhỏ bé trong cả nền kinh tế. Chính sự năng động, sự nỗ lực của mỗi người dân đã đưa nền kinh tế phát triển.
Vì thế, muốn trở thành nước phát triển Việt Nam phải tiếp tục đổi mới trong thời kỳ mới. Báo cáo Việt Nam 2035 đã đề cập tới cuộc đổi mới lần thứ 2.
Cuộc đổi mới lần 1 được khởi xướng vào năm 1986 đã giải phóng sức dân thì cuộc đổi mới lần 2 đòi hỏi phải tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp trong nước, phát triển.
Chính người dân, doanh nghiệp sẽ đưa đất nước phát triển ở ngưỡng cao hơn, để đạt được mục tiêu đến 2035 Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao, tạo nền tảng trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045.
2. Chính sách quan trọng nhất trong đổi mới lần 1 là khoán, giao đất nông nghiệp cho người nông dân tự quyết định sản xuất trên mảnh đất của mình.
Giải phóng nguồn lực đất đai nông nghiệp đã giúp Việt Nam từ một nước thiếu đói, trước đổi mới phải nhập 0,5 - 1 triệu tấn lương thực/năm để lo cái ăn cho dân thì đến năm 1988 (sau đổi mới 2 năm) đã trở thành nước xuất khẩu gạo, dư thừa 1 triệu tấn gạo đầu tiên để xuất khẩu. Đây là điều không ai quên được.
Sau này chính sách đất đai có những thay đổi nhưng là thay đổi không thuận. Ví dụ như coi đất đai là sở hữu toàn dân, giao cho chính quyền được phép thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là vấn đề "nóng" hiện nay, công cuộc đổi mới lần 2 cần một lần nữa bắt đầu từ đất đai để nền kinh tế có thể khơi dậy được nguồn lực lớn nhất, quan trọng nhất. Theo đó, cần sửa Luật đất đai theo hướng thiết lập thị trường đất đai sơ cấp.
Chính phủ nhiệm kỳ trước đã có chủ trương giao các bộ, ngành nghiên cứu sửa Luật đất đai nhưng vì chưa đạt đồng thuận nên chưa sửa được.
Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ này Chính phủ tiếp tục chủ trương sửa đổi để tiếp tục phát huy nguồn lực đất đai cho phát triển đất nước. Giải phóng nguồn lực đất đai thời gian tới sẽ mang lại sức sống mới cho nền nông nghiệp - một trong những thế mạnh của Việt Nam.
Đây cũng là động lực quan trọng trong quá trình đô thị hóa. Giải quyết được nút thắt về đất đai sẽ là động lực quan trọng để nền kinh tế chuyển đổi, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn, đô thị hóa.
Ngoài ra quá trình phân bổ các nguồn lực vốn, tài nguyên trong nền kinh tế cần bảo đảm công bằng, minh bạch, hiệu quả.
Chính sách phân bổ ưu tiên từ khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp FDI, sau đó mới đến khu vực tư nhân trong nước thời gian qua không mang lại hiệu quả như mong muốn. Không dành ưu tiên đủ lớn cho khu vực tư nhân trong nước, lực lượng đông đảo nhất trong nền kinh tế đã làm chậm sự phát triển của đất nước.
Cuộc đổi mới lần thứ nhất đã làm rất tốt vấn đề cải cách thể chế kinh tế trong thời gian đầu, thừa nhận quyền tự do kinh doanh của người dân. Sự ra đời của Luật doanh nghiệp năm 1999 đã chuyển đổi từ cơ chế người dân phải xin phép để được kinh doanh sang cơ chế đăng ký kinh doanh.
Quyền tự do kinh doanh của người dân cũng được củng cố thêm trong những lần sửa đổi Luật doanh nghiệp sau đó. Mạch đổi mới môi trường đầu tư kinh doanh cần được duy trì trong công cuộc đổi mới lần 2 theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân, đặc biệt là khu vực tư nhân trong nước.
3. Dịch COVID-19 cho chúng ta thấy hệ thống không chỉ "nghẽn" về thể chế kinh tế mà còn "nghẽn" trong vận hành bộ máy từ trung ương đến địa phương khi bộ máy không có khả năng thực hiện tốt những chủ trương, chính sách tốt được trung ương ban hành.
Như việc áp dụng chỉ thị 16 của Thủ tướng về thực hiện giãn cách xã hội không chủ trương ngăn sông cấm chợ nhưng trên thực tế nhiều địa phương đã cấm chợ, ngăn sông, làm tắc nghẽn các hoạt động giao thương kinh tế.
Chỗ này mở cho đi, chỗ kia cấm cho thấy bộ máy thực thi không nhất quán hoặc chính sách đưa ra không đủ minh bạch để tất cả thực hiện thống nhất.
Thực tế này gợi mở cho giai đoạn hậu COVID-19, dỡ bỏ giãn cách xã hội nhưng cách hành xử của công chức các ngành, các cấp nếu không thống nhất thì sẽ làm cho nền kinh tế rối bời, cản trở hoạt động giao thương bình thường của người dân.
Chúng ta hăng hái mở cửa, kết nối, hội nhập với thế giới bên ngoài nhưng bên trong lại dựng hàng loạt rào cản thông qua các quy định, chính sách và giải pháp thực thi đã làm cho nền kinh tế manh mún.
Đây là điều cần sớm được khắc phục trong quá trình cải cách thể chế. Tôi tin rằng với tinh thần Nhà nước thực hiện cải cách thể chế mạnh mẽ, trong đó có thể chế đất đai, phân bổ nguồn lực sẽ là hai công cụ tạo nguồn lực quan trọng nhất để kinh tế đi lên.
Việt Nam không thiếu nguồn lực, điều quan trọng là phải phân bổ nguồn lực công bằng, minh bạch và có trách nhiệm giải trình cao trong nhiều khâu thì nền kinh tế mới có thể bứt lên được.
Tinh thần đùm bọc lẫn nhau, vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19 đã được người dân thể hiện khi vượt qua hàng ngàn cây số từ các đô thị lớn về nhà tránh dịch. Tinh thần vượt khó luôn có sẵn ở trong mỗi người Việt, điều còn thiếu lúc này là một cơ chế tốt để phát huy tinh thần vượt khó vươn lên, đạt tới thịnh vượng.
"Hóa rồng" nhờ nội lực
Quá trình cải thiện thu nhập người dân từ 1986 đến nay dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài, nguồn lực bên ngoài, Việt Nam vẫn chưa phát huy được nội lực để tăng trưởng kinh tế.
So với Trung Quốc, Thái Lan, hai nước thành công trong thu hút đầu tư FDI có thể thấy họ dựa vào nội lực để tăng trưởng nhiều hơn. Tỉ lệ đóng góp của đầu tư FDI trong nền kinh tế của Trung Quốc, Thái Lan dưới 10%, trong khi Việt Nam tới mức gần 20%.
Công cuộc đổi mới lần 2 cần dựa vào nội lực nhiều hơn. Thực tế những năm đầu sau đổi mới lần thứ nhất chúng ta gần như không có viện trợ của nước ngoài nhưng vẫn tự mình làm được.
Khi đó quốc gia duy nhất viện trợ ODA cho Việt Nam là Thụy Điển, nguồn viện trợ khoảng 300 triệu USD/năm, giúp Việt Nam nhập phân bón, xơ sợi để lo cái ăn, cái mặc cho dân.
Nhưng nền kinh tế vẫn vượt lên nhờ chính sách đổi mới, khuyến khích người dân làm ăn, kinh doanh. Khu vực tư nhân trong nước sẽ làm được nhiều điều lớn lao nếu có chính sách, khuôn khổ luật pháp minh bạch, kích thích sản xuất, kinh doanh.
Nhìn vào các "con rồng" châu Á như Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Singapore, tất cả đã "hóa rồng" dựa vào nội lực chính mình. Họ khai thác ngoại lực để hỗ trợ nội lực.
Singapore là một nền kinh tế rất mở nhưng các doanh nghiệp nội địa của Singapore lớn ngang ngửa với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó cũng là con đường để Việt Nam có thể "hóa rồng" trong tương lai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận