Bác sĩ Hoàng Thị Dung – Trạm trưởng Trạm y tế xã Kỳ Tân khám bệnh cho người dân
Xã Kỳ Tân là xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa). Thống kê thu nhập bình quân đầu người của xã Kỳ Tân chỉ đạt khoảng 19 triệu đồng/người/năm. Toàn xã có 950 hộ thì có tới 160 hộ thuộc diện hộ nghèo (chiếm 17%), hộ cận nghèo là 238 hộ chiếm hơn 25%. Nhiều hộ thuộc diện nghèo nhưng việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản, đặc biệt là y tế lại gặp khó khăn.
Chị Lương Thị Thái (36 tuổi, dân tộc Thái) ở thôn Pạt, xã Kỳ Tân, là một trong rất nhiều hộ nghèo có bảo hiểm y tế (BHYT). Chị Thái cho biết, kể từ ngày được Nhà nước cấp thẻ BHYT, khi nào ốm đau là chị lại lên trạm xá xã để bác sĩ khám, cấp thuốc.
Thế nhưng, theo chị Thái, phần đông người dân qua trạm y tế chỉ được khám chữa bệnh thông thường như hắt hơi, cảm cúm, đau đầu. Riêng với những bệnh khác thì phải lên tuyến huyện, tuyến tỉnh mới khám và điều trị được.
"Người nghèo như chúng tôi mặc dù được hỗ trợ BHYT để khám chữa bệnh, nhưng nếu phải khám ở tuyến huyện, tuyến tỉnh thì rất ngại vì phải đi xa, tốn tiền ăn, ở, đi lại… Chỉ khi nào bệnh rất nặng mới đi, còn không xin được thuốc thì về tự uống thuốc lá" - chị Thái nói.
Cuối năm 2018, mọi việc đã thay đổi khi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) tặng xã Kỳ Tân một trạm y tế mới. Với tổng mức đầu tư gần 3,9 tỉ đồng, trạm xá được xây dựng kiên cố trên diện tích gần 500m2, với 2 tầng, 13 phòng (trong đó có 5 phòng lưu trú bệnh nhân), đáp ứng được nhiều nhu cầu khám chữa bệnh tại chỗ của bà con.
Ngoài cơ sở vật chất khang trang, trạm y tế mới do Viettel tặng được trang bị thiết bị hiện đại như máy điện tim, máy siêu âm, máy đo huyết áp… phục vụ khám chữa bệnh tuyến đầu. Khi đưa vào sử dụng, trạm y tế mới làm thay đổi đáng kể điều kiện dân sinh trong vùng, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho 5.000 người dân xã Kỳ Tân và các xã lân cận.
Trong căn phòng khang trang của trạm xá mới, bà Ngân Thị Mến, 66 tuổi đang nằm điều trị bệnh. Sau phẫu thuật ruột thừa, bà Mến thường xuyên bị đau bụng. Tới trạm xá khám bệnh thì được bác sĩ chẩn đoán là bị dính ruột.
"Trước đây mỗi lần lên trạm xá khám xong là về nhà thôi vì không có giường nằm, có hôm đau quá, bác sĩ phải chuyển tuyến lên bệnh viện huyện. Từ nhà lên bệnh viện huyện mất hơn 30 km, đi xe máy thì không được, mà thuê ô tô thì tốn quá, dân nghèo như chúng tôi không có tiền. May giờ có trạm xá mới, lại có bác sĩ, nhiều trang thiết bị tốt, cả giường và phòng bệnh rất đẹp nên tôi sẽ nằm lại đây điều trị tới lúc khỏi mới về" - bà Mến nói.
Nhiều ca bệnh không còn phải lên tuyến huyện
Bác sĩ Hoàng Thị Dung - trạm trưởng Trạm Y tế xã Kỳ Tân - cho biết 15 năm gắn bó với trạm xá là 15 năm chị cùng các y tá ở đây phải đối mặt với những khó khăn chồng chất.
Bác sĩ Dung nhớ lại: "Trạm y tế cũ trước đây là ngôi nhà lá được dựng trên nền đất. Mưa thì dột, nắng thì nóng lại không có giường bệnh và thiếu thốn trang thiết bị nên chỉ có thể khám chữa bệnh ban đầu".
Trạm trưởng trạm y tế xã Kỳ Tân chia sẻ: "Giờ bà con có chỗ nằm điều trị rồi, thiết bị cũng tốt, nhiều ca bệnh không phải chuyển lên tuyến huyện nữa".
Đại tá Lê Ngọc Vinh - phó chủ nhiệm chính trị Tập đoàn Viettel - thăm hỏi bệnh nhân Ngân Thị Mến đang điều trị bệnh tại trạm xá
Trong khi đó, đại diện đơn vị tặng trạm y tế - đại tá Lê Ngọc Vinh, phó chủ nhiệm chính trị Tập đoàn Viettel - cho biết: "Giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực trọng điểm mà Viettel đầu tư trong chương trình giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Việc trao tặng trạm y tế xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân địa phương và đề xuất của chính quyền sẽ giúp tạo ra những thay đổi thiết thực cho bà con huyện nghèo Bá Thước, đóng góp vào việc giảm nghèo bền vững trên địa bàn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận