Một quán cà phê tại Hà Nội phục vụ 100% công suất, kê thêm bàn ghế ra vỉa hè để phục vụ khách hàng, không yêu cầu người dân quét mã QR code - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tình hình dịch COVID-19 ở Hà Nội đang diễn biến phức tạp, những ngày qua liên tục gia tăng về số ca nhiễm mới ghi nhận trong một ngày.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành công điện khẩn, yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra ngay việc chấp hành các quy định 5K, các quy định phòng dịch...
Lơ là phòng dịch
Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online ngày 27-11, nhiều hàng quán vẫn phục vụ 100% khách hàng, không đảm bảo giãn cách, một số cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR code khi vào sử dụng dịch vụ, phớt lờ những quy định từ TP Hà Nội.
Tại các hàng quán cà phê trên đường Nguyễn Đình Thi (quận Tây Hồ), nhiều điểm đông đúc khách, một số quán phục vụ kín khách, còn kê thêm bàn ghế ngoài vỉa hè.
Quán cà phê này có 5 tầng, phục vụ 100% công suất - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại một quán cà phê 5 tầng (4 tầng phục vụ trong nhà và 1 tầng thượng) trên địa bàn đường Trích Sài (quận Tây Hồ), theo ghi nhận, quán này phục vụ 100% công suất, không đảm bảo giãn cách, khách hàng cởi bỏ khẩu trang, thoải mái trò chuyện.
Theo yêu cầu của TP Hà Nội, tất cả hàng quán hoạt động phải dán mã QR code trước cửa để khách hàng quét mã khai báo y tế. Nhưng điểm chung của nhiều cửa hàng là không hoặc ít yêu cầu khách quét mã khi vào cửa.
Các cửa hàng đều treo mã quét khai báo y tế bằng QR code trước cổng, nhưng thi thoảng mới nhắc khách hàng quét mã - Ảnh: PHẠM TUẤN
Tại một số chuỗi cửa hàng cà phê lớn, việc phòng dịch được tuân thủ nghiêm ngặt hơn.
Quan sát một quán cà phê chuỗi nằm trên đường Trung Hòa (Cầu Giấy), trước khi vào quán, nhân viên cửa hàng yêu cầu khách phải sát khuẩn bằng nước rửa tay, quét mã QR code khai báo y tế, sau đó mới đồng ý phục vụ.
Ngoài ra, cửa hàng kể trên còn dán dòng chữ "vui lòng không ngồi ở bàn này" tại những bàn không phục vụ để đảm bảo giãn cách.
Tại một chuỗi cửa hàng cà phê lớn, việc phòng dịch được tuân thủ nghiêm ngặt hơn - Ảnh: PHẠM TUẤN
Ngoài những quán cà phê, khá nhiều cửa hàng ăn uống tại Hà Nội cũng chung tình trạng lơ là phòng dịch, không yêu cầu khách khai báo y tế, đặc biệt đa số các hàng quán đều hoạt động 100% công suất.
Tại các trung tâm thương mại, siêu thị... công tác phòng dịch được tuân thủ nghiêm ngặt hơn.
Ghi nhận tại siêu thị Big C Thăng Long (đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy), người dân đến mua sắm đều được yêu cầu quét mã QR code tại lối vào, đồng thời kiểm tra thân nhiệt, sau đó mới được vào mua sắm.
Người dân xếp hàng quét mã QR code trước khi vào siêu thị - Ảnh: PHẠM TUẤN
Những người không quét mã sẽ không được vào mua sắm - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đi mua sắm tại Big C Thăng Long trong trưa 27-11, bạn Nguyễn Thị Thùy Văn (22 tuổi, Hà Nội) cho biết, siêu thị yêu cầu các biện pháp phòng dịch rất đầy đủ, tuy nhiên khi vào trong siêu thị thì người mua sắm khá đông, không đảm bảo giãn cách.
"Ngoài đi siêu thị thì em còn hay đi cà phê, ăn uống cùng bạn bè, tuy nhiên em chỉ thấy một số hàng quán có thương hiệu yêu cầu quét mã khai báo y tế, còn những hàng quán khác dù có mã QR nhưng họ không yêu cầu quét nên rất khó kiểm soát việc người dân ra vào cửa hàng".
Thùy Văn cho biết, so với thời điểm trước đây, người dân thủ đô bắt đầu lơ là phòng dịch, người dân bắt đầu "thoáng" hơn".
Văn nói: "Em thấy bây giờ tuân thủ 5K rất quan trọng, việc tiêm vắc xin chỉ giảm ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đối với cơ thể con người, nhưng để ngăn chặn dịch thì cũng chỉ một phần thôi. Vì vậy em nghĩ người dân vẫn cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định phòng dịch".
Sẽ xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Đình Khuyến - chủ tịch UBND quận Tây Hồ - cho biết thời gian qua có tình trạng người dân và hàng quán chủ quan lơ là phòng dịch, quận sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt mạnh tay các trường hợp vi phạm.
"Chúng tôi sẽ không nương nhẹ các trường hợp vi phạm, chúng tôi đã thành lập 2 đoàn thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân.
Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là trong cộng đồng với nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây. Nếu người dân lơ là, chủ quan, nhất là trong việc các cửa hàng không yêu cầu khách quét mã QR code, không khẩu trang, khoảng cách thì không thể kiểm soát được dịch bệnh. Nguy cơ đóng cửa hoặc mở cửa cầm chừng thì rất khó khăn cho người dân, vì vậy quận khuyến cáo, yêu cầu người dân trên địa bàn nên nâng cao công tác chấp hành phòng dịch", ông Khuyến nói.
Một bạn trẻ "khoe" việc mình đã quét mã khai báo y tế thành công khi vào mua sắm tại một trung tâm thương mại - Ảnh: PHẠM TUẤN
Trao đổi với Tuổi Trẻ Onine, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, chủ tịch Hội Huyết học truyền máu Việt Nam, cho rằng "để phòng chống dịch tốt nhất trong tình hình hiện tại, là phải kích hoạt ngay vắc xin xã hội, nghĩa là ý thức trách nhiệm của mỗi người đối với cộng đồng".
Ông nói: "Bây giờ người dân chủ quan quá, tôi vừa đi dọc một đoạn đường, có một số người không đeo khẩu trang, đi với nhau thành từng đoàn lớn, ngoài ra các hàng quán cũng đông đúc người... rất không nên như thế.
Bây giờ dịch đã chuyển qua giai đoạn khác, F0 rất nhiều ngoài cộng đồng, chống dịch bây giờ cũng chuyển qua giai đoạn khác, giai đoạn ý thức trách nhiệm của người dân. Người dân nên tuân thủ 5K, trong đó 'K" khai báo y tế là phải trung thực".
Bà Rịa - Vũng Tàu: nhà hàng, quán ăn, quán cà phê chưa phục vụ tại chỗ
Kiểm soát người dân vào xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu khi xã này thành "vùng đỏ" từ ngày 23-11 - Ảnh: Đ.H.
Những ngày qua, số ca nhiễm COVID-19 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cao với trung bình mỗi ngày từ 400-700 ca. Việc này đã được Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự báo và xác định từ trước, nhất là từ sau khi thực hiện nghị quyết 128 vào giữa tháng 10-2021.
Đến ngày 27-11, dựa theo các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu được xác định là "vùng vàng", tức ở mức nguy cơ trung bình. Đối với cấp xã, tỉnh này có 31 xã, phường, thị trấn là vùng xanh, 25 xã vùng vàng, 25 xã vùng cam và 2 xã vùng đỏ.
Từ khi thực hiện nghị quyết 128 của Chính phủ đến nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa cho phép các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê được phục vụ tại chỗ. Các khách sạn vẫn chưa được đón du khách.
Theo đánh giá của một lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vẫn còn có một bộ phận người dân lơ là, chủ quan và không thực hiện triệt để "5K".
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, trong những ngày đầu tiên thực hiện nghị quyết 128, tâm lý và ý thức chống dịch của người dân có phần lơ là, chủ quan. Lý do là bởi sau một thời gian dài giãn cách bí bách nên khi được nới lỏng và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin đã nảy sinh tâm lý này.
Tuy nhiên, những ngày gần đây, khi số ca nhiễm mới tại tỉnh này tăng cao thì người dân đã có ý thức tự bảo vệ mình hơn.
Ngày 27-11, dạo quanh các con đường buôn bán sầm uất của Vũng Tàu, nhiều cửa hàng kinh doanh, buôn bán đã bắt đầu thực hiện lại việc mua bán có khoảng cách bằng cách giăng dây và nhận, trả tiền đều qua vật trung gian.
Những cửa tiệm thuốc tây là chấp hành nghiêm chỉnh nhất việc mua bán có khoảng cách và xếp hàng. Tuy nhiên, số những cửa tiệm thực hiện đúng chuẩn 5K như trên còn ít so với tổng thể.
Trong khi đó từ ngày 23-11, xã đảo Long Sơn, TP Vũng Tàu đã thực hiện áp dụng phòng chống dịch theo cấp độ của vùng đỏ vì các ca nhiễm tăng cao.
Trên đường vào xã này, chính quyền đã lập các chốt kiểm soát y tế. Ông Trương Ngọc Long - chủ tịch UBND xã Long Sơn - cho biết những ngày qua, người dân trong xã thực hiện nghiêm và đúng những quy định về phòng dịch vì "ai cũng sợ, ai cũng đã thấy được sự lây lan của dịch bệnh".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận