Ông Phạm Trọng Đạt, cục trưởng Cục chống tham nhũng - Ảnh: V.V.T |
Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2014 chúng tôi nhận được khoảng 60 nguồn tin, qua phân loại thì có hơn một nửa thuộc thẩm quyền cơ quan khác, còn lại chuyển địa phương xử lý, chỉ có khoảng hơn 10 nguồn tin để lại trên này chúng tôi trực tiếp xem xét, nắm tình hình và xử lý theo quy định pháp luật. |
Trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Phạm Trọng Đạt (Cục trưởng Cục chống tham nhũng) cho biết: Thực ra việc công bố đường dây nóng (080.48228, 0902.386.999 và 0125.698.6688) đã thực hiện từ năm 2014. Chúng tôi đã có sơ kết và năm nay tiếp tục làm.
Trong nửa tháng qua, chúng tôi tiếp nhận được khoảng 200 cuộc điện thoại, tin nhắn phản ánh đến đường dây nóng.
Trong ba số điện thoại đã công bố, có lẽ vì tâm lý muốn gọi trực tiếp cho cục trưởng nên người dân thường gọi vào hai số điện thoại di động. Gọi cho tôi cũng được (số 0902.386.999), nhưng do công việc nên không phải lúc nào tôi cũng có thể nghe máy ngay.
* Nội dung chính của khoảng 200 cuộc điện thoại mà Cục đã tiếp nhận tập trung vào những vấn đề nào?
Người dân phản ánh nhiều nhất về lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Gần như tỉnh nào cũng có, như vì sao cấp đất chỗ này, chỗ khác trong khi người dân không có đất canh tác, rồi cấp sổ đỏ thì phải tiền thế nào…
Thứ hai là phản ánh liên quan đến các lực lượng làm nhiệm vụ trên đường phố, tình trạng “mãi lộ” của cảnh sát giao thông nơi này, nơi khác mà người dân chứng kiến, rồi phản ánh liên quan đến lực lượng giữ trật tự vỉa hè, gần đây có cả những phản ánh liên quan đến cảnh sát phòng cháy, chữa cháy…
Thứ ba là những nội dung liên quan đến buôn lậu.
Thứ tư là phản ánh về các dự án mà đứng sau đó là “nhóm lợi ích”.
* Sau khi báo chí đưa tin về việc công bố đường dây nóng, có một số bạn đọc băn khoăn về tính hiệu quả của cách thức này. Ông nghĩ sao?
Chúng tôi cũng thấy rằng không phải mọi người dân đều có sự am hiểu đầy đủ về pháp luật. Cho nên có những thông tin mà họ phản ánh đến chúng tôi, cho rằng đó là tiêu cực, tham nhũng, nhưng khi tiếp cận thông tin thì chúng tôi thấy không phải như vậy mà thuộc về lĩnh vực khác.
Có thể nói khoảng 2/3 thông tin mà chúng tôi tiếp nhận được, qua phân loại thì thuộc về cơ quan chức năng khác giải quyết.
* Khi người dân gọi điện đến thì đích thân ông là Cục trưởng nghe và xử lý thông tin?
Đúng vậy.
Ví dụ người dân gọi điện đến phản ánh về tình trạng “mãi lộ”, trước hết chúng tôi tập hợp các thông tin, các phản ánh rồi trao đổi với Bộ Công an để Bộ Công an có giải pháp. Trong tuần này cán bộ của Bộ Công an sẽ làm việc với chúng tôi về các vấn đề liên quan.
Chúng ta hiểu rằng đối với vụ việc cụ thể, cơ quan chức năng phải điều tra, xác minh, hoặc là bắt quả tang thì mới có thể xử lý.
Có người dân nói là mời tôi đi xe từ bắc vào nam để chứng kiến. Tất nhiên đây là phản ánh một chiều của người dân, sự việc có như thế không thì chúng tôi nghiêm túc tiếp nhận thông tin để xử lý theo quy định.
Rồi có cả những phản ánh liên quan đến lực lượng kiểm lâm. Chúng tôi suy nghĩ rằng làm sao để tập hợp các phản ánh này, từ đó có giải pháp cần thiết.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng thì quan trọng đầu tiên là phòng ngừa, nắm được tình hình để đề ra biện pháp phòng ngừa, nhất là phục vụ cho công tác sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới đây.
Có phản ánh mà tôi nghe rất buồn. Đó là có cả người Việt Nam gọi điện từ nước ngoài về phản ánh với tôi rằng tiêu cực, rằng “mãi lộ”, rằng “xin tiền” ở chỗ này, chỗ kia…
* Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của các nội dung thông tin, phản ánh đã tiếp nhận được?
Khoảng 1/4 thông tin, phản ánh là có cơ sở để có thể tiến hành làm sâu một số biện pháp nghiệp vụ. Chúng tôi đề nghị người phản ánh cung cấp thêm tài liệu nếu có, rồi chúng tôi tổ chức nắm tình hình, nếu đáng thanh tra thì đề xuất thanh tra, nếu cần chuyển cơ quan khác xử lý thì chuyển.
Có những việc mà chúng tôi đang tiến hành, chưa thể công khai ngay, sau này thanh tra xong có kết luận rồi thì sẽ công khai.
* Đường dây nóng này cũng tiếp nhận cả những thông tin về quà biếu trái quy định trong dip Tết?
Chúng tôi đang chuẩn bị công văn để gửi các bộ ngành và các địa phương về việc này, đề nghị chú ý kiểm soát việc dùng xe công trái quy định trong ngày Tết, rồi việc tặng quà, nhận quà không đúng quy định pháp luật…
Có người hỏi tôi là bản thân tôi có được tặng quà trong dịp Tết không? Tôi trả lời “có chứ”, đó là anh em bà con ở quê biếu tôi mấy con gà, mấy cân gạo nếp ăn Tết thì đó là việc bình thường.
Vấn đề là quà cáp không được có động cơ tiêu cực.
* Giả sử ông nhận được thông tin, phản ánh liên quan đến một lãnh đạo cấp cao thì sao?
Việc tiếp nhận thông tin, xử lý theo quy định pháp luật đối với các hành vi tiêu cực, trái pháp luật là không có vùng cấm. Chỉ có vấn đề là các đối tượng khác nhau thì chúng tôi phải áp dụng quy trình khác nhau.
Ví dụ có người phản ánh là có quà đến nhà ông cán bộ cao cấp này, thì chúng tôi ghi nhận nhưng phải bằng nhiều nguồn khác nữa để đánh giá, xử lý theo đúng quy trình.
Xin cảm ơn ông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận