Dữ liệu quy hoạch đô thị của các quận huyện sẽ được tích hợp vào kho dữ liệu dùng chung của TP.HCM. Trong ảnh: Người dân truy cập bản đồ số về quy hoạch đô thị ở UBND quận 8, TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Một khi TP đã bấm nút triển khai đề án thì bắt buộc mọi sở ngành, đơn vị phải dùng bản đồ số chung, tất cả ứng dụng phải quy về một mối.
Bà Võ Thị Trung Trinh
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Võ Thị Trung Trinh, phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, xung quanh vấn đề này.
Còn tâm lý ngại chia sẻ thông tin
Bà Trinh cho biết việc xây dựng kho dữ liệu chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở là một trong những nội dung cụ thể của đề án "Xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025". Mục đích nhằm tích hợp các lớp cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các sở, ban ngành, quận huyện, làm cơ sở triển khai thống nhất các ứng dụng phục vụ công tác quản lý và khai thác thông tin.
* Như vậy, cần phải có bản đồ số dùng chung, thưa bà?
- TP đang trong quá trình chuyển đổi số hóa, để xây dựng chính quyền số thì phải giải quyết triệt để vấn đề cơ sở dữ liệu. Nếu không xong khâu này thì không làm được gì tiếp theo. Thực tế nhiều sở ngành, đơn vị đã có bước xây dựng, lưu trữ, quản lý hệ thống dữ liệu chuyên ngành. Tuy nhiên, phần lớn cơ quan, đơn vị vẫn còn tâm lý ngại chia sẻ thông tin, dữ liệu, vẫn muốn giữ riêng cho mình.
Việc cần thiết bây giờ là TP phải phá được "tảng băng" ngại chia sẻ thông tin. Tình trạng của TP hiện nay là từng nơi xây dựng cơ sở dữ liệu và ứng dụng riêng. Mỗi một ứng dụng vẫn là riêng một bản đồ. Chúng tôi muốn tiến tới xây dựng bản đồ duy nhất có tích hợp các lớp dữ liệu chồng lên nhau để thuận tiện trong quản lý, khai thác, sử dụng.
* Bà có thể nói rõ hơn về cách thức thực hiện của đề án?
- Nếu từng ngành đều làm bản đồ số, điều đó buộc TP phải đầu tư cho mỗi ngành một ứng dụng về bản đồ. Và từng ngành tự làm thì dĩ nhiên không thể tích hợp với nhau. Đó là chưa kể mỗi ngành làm mỗi cách và có khả năng việc cập nhật dữ liệu cũng không chính xác.
Trên thực tế, các thực thể dữ liệu có hai trục tham chiếu quan trọng là thời gian và không gian. Chẳng hạn như cơ sở dữ liệu về thông tin người dân (sinh ra, lớn lên, công việc...); dữ liệu tài sản, nhà đất, giao thông, về giấy chứng nhận, giấy phép, các dữ liệu sự kiện... đều cần xác định thời gian khai khi nào và tại đâu.
Dịch vụ bản đồ số nền dùng chung là giải pháp để cung cấp một hệ thống dịch vụ bản đồ nền thống nhất, làm cơ sở tham chiếu chiều không gian cho các phần mềm ứng dụng. Ngoài ra, nó cũng cung cấp các dịch vụ tích hợp, lưu trữ, chia sẻ các lớp dữ liệu bản đồ theo yêu cầu.
Bà Võ Thị Trung Trinh
Người dân không phải trả phí khai thác
* Bà có thể cho biết khi nào người dân có thể tiếp cận các thông tin trong kho dữ liệu dùng chung?
- Theo kế hoạch, đến tháng 6-2020 TP sẽ bắt đầu cho khai thác kho dữ liệu dùng chung. Quan điểm của chúng tôi là dữ liệu phải được khai thác sử dụng mới có giá trị và có cơ sở để hoàn thiện. Ngành nào cũng nói dữ liệu của mình rất hay mà không cho ai khai thác, tiếp cận, sử dụng thì không còn ý nghĩa nữa.
Về nguyên tắc, tiếp cận hệ sinh thái dữ liệu mở của TP không phải trả phí. Hiện tại, cổng dữ liệu mở https://data.hochiminhcity.gov.vn đã công khai danh sách các cơ sở khám chữa bệnh của TP. Sắp tới, TP sẽ công bố luôn các cơ sở giáo dục kể cả công lập và dân lập trên địa bàn. Quan điểm của TP là tích hợp dữ liệu được tới đâu sẽ đưa ra khai thác sử dụng đến đó. Đặc biệt là những thông tin thiết thực phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân.
* Những ai sẽ được quyền tiếp cận, khai thác thông tin từ kho dữ liệu của bản đồ số dùng chung?
- Có hai nhóm đối tượng được khai thác. Nhóm một là các sở ngành, quận huyện khai thác thông tin để phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước. Nhóm thứ hai là người dân, doanh nghiệp. Người dùng sẽ sử dụng bản đồ số này theo hướng truy cập qua app.
* Liệu ai cũng có thể khai thác tất cả thông tin có trên bản đồ số dùng chung, thưa bà?
- Dĩ nhiên khi khai thác phải tuân thủ quy chế: quyền được khai thác của anh đến đâu? Ví dụ tôi làm việc ở Sở Thông tin và truyền thông thì có quyền được khai thác dữ liệu của Sở Xây dựng hay không? Hay như anh cán bộ cấp phép xây dựng có quyền xem dữ liệu về những dự án công nghệ thông tin của TP không? Cái này cần có một quy định cụ thể.
Hai giai đoạn xây dựng
* Quá trình xây dựng bản đồ số dùng chung sẽ tốn bao nhiêu thời gian, thưa bà?
- Về phương án, sẽ triển khai theo hình thức thuê dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ bản đồ chuyên nghiệp. Tại sao phải thuê mà không để các sở ngành tự làm? Lý do vì nhà cung cấp đã có kinh nghiệm cung cấp dịch vụ thực tế và đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu kế hoạch đề ra của TP mà không phải mất quá nhiều thời gian. Nhà cung cấp cho chạy thử nghiệm, mình dùng thử, đánh giá rồi mới quyết định có thuê hay không.
Còn tự đầu tư xây dựng sẽ rủi ro vì thiếu nguồn lực nhân sự trong cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm vận hành, quản trị, duy trì, đảm bảo dịch vụ cho hệ thống. Trước mắt, Sở Thông tin và truyền thông đề xuất hai giai đoạn thực hiện.
Giai đoạn 1 sẽ thuê dịch vụ bản đồ nền của nhà cung cấp dịch vụ bản đồ. Trên cơ sở đó biên tập, bổ sung các lớp, trường thông tin đã được các sở chuyên ngành phê duyệt và cung cấp. Từ đó chia sẻ cho dịch vụ bản đồ số dùng chung làm cơ sở dữ liệu ban đầu phục vụ triển khai dịch vụ.
Giai đoạn 2, sau khi Sở Tài nguyên và môi trường TP hoàn thành hai dự án "Chỉnh lý biến động bản đồ địa chính, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai TP" và "Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỉ lệ 1/2000, 1/5000 khu vực TP.HCM", Sở Thông tin - truyền thông sẽ tham mưu UBND TP phương án xây dựng bản đồ số dùng chung cho toàn TP.
Từ nay đến cuối năm 2019, Sở Thông tin và truyền thông sẽ phải tham mưu giải pháp cụ thể để UBND TP xem xét, quyết định cho đề án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận