u
Đội mưa trẩy hội chùa Hương
Khai hội vào 27-1 (tức mùng 6 Tết), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) là một trong những lễ hội được người dân thủ đô và du khách thập phương mong chờ sau hai năm vắng bóng vì dịch COVID-19.
Dù trời mưa, gió to và nhiệt độ vào lúc 5h sáng 27-1 chỉ khoảng 10oC, nhưng rất đông du khách đã vượt mưa, gió đi lễ sớm để tránh chen chúc trong ngày khai hội.
Để kịp đi hội chùa Hương vào sáng sớm, gia đình bà Phan Thị Mẫn (ngụ huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đã đến huyện Mỹ Đức (Hà Nội) thuê phòng nghỉ từ chiều 26-1.
"Gia đình tôi có 4 người. Chúng tôi đi cùng đoàn hơn 60 người đều là bà con cùng làng. Trước đây năm nào nhà tôi cũng đến chùa Hương đi hội vào mùng 5 hoặc mùng 6 Tết. Nhưng trong thời gian dịch COVID-19 diễn ra, chúng tôi không đi được.
Lần trở lại chùa Hương lần này tôi rất háo hức. Mỗi lần đến đây tôi đều cầu mong cho gia đình một năm mới bình an, hạnh phúc. Đi chùa đầu năm cũng là dịp để cả gia đình thư giãn chuẩn bị bắt đầu quay trở lại guồng quay công việc", bà Mẫn chia sẻ.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, lượng du khách về thăm chùa trải đều trong suốt buổi sáng, nên không diễn ra hiện tượng chen lấn, xô đẩy.
Hơn 30.000 người tham gia khai hội chùa Hương
Trong buổi sáng khai hội chùa Hương, người dân và du khách thập phương không chỉ được tham quan, vãn cảnh chùa mà còn được sống trong không khi hân hoan của ngày hội với màn múa Long - Ly - Quy - Phụng và các màn biểu diễn nghệ thuật tại sân Thiên Trù.
Phát biểu tại lễ khai hội, ông Đặng Văn Cảnh - phó chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - cho biết lễ hội chùa Hương có mối quan hệ mật thiết là sự kết nối giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Chùa Hương không chỉ mang vẻ đẹp thơ mộng mà còn mang lại không khí thâm nghiêm của chốn thiền tu.
"Trước những giá trị đặc biệt của di tích, lễ hội chùa Hương mong rằng người dân và du khách thập phương sẽ thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia các hoạt động lễ hội.
Ban tổ chức và nhân dân Hương Sơn sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực để di tích chùa Hương trở thành điểm đến của mọi du khách trong và ngoài nước, góp phần quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Mỹ Đức", ông Cảnh chia sẻ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Hiển - trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn - cho biết tính đến 12h trưa 27-1, chùa Hương đã đón hơn 30.000 lượt khách về tham quan, vãn cảnh. Dự kiến trong ngày khai hội, khu di tích này sẽ đón trên 40.000 người dân, du khách về dự hội.
Để vào đến chùa Hương, người dân sẽ được đi đò trên dòng suối Yến thơ mộng. Tổng chiều dài quãng đường khoảng 4km.
Hiện giá vé tham quan chùa Hương là 130.000 đồng/lượt (bao gồm cả giá đi đò). Năm nay cũng là năm đầu tiên ban tổ chức ứng dụng vé QR-code trong kiểm soát vé tham quan và vé đò.
Lễ hội kéo dài trong 3 tháng (từ ngày 23-1 đến hết ngày 23-4), phục vụ nhu cầu đi lễ đầu năm của người dân và du khách thập phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận