26/04/2023 10:14 GMT+7

Người dân, doanh nghiệp được tiếp sức

Việc được lùi hạn trả nợ tối đa 12 tháng trong bối cảnh khó khăn hiện nay được xem là chiếc "phao cứu sinh" để doanh nghiệp, người dân giảm bớt nỗi lo bị nhảy sang nhóm nợ xấu, có thể tiếp cận nguồn vốn vay mới để duy trì hoạt động kinh doanh.

Người dân, doanh nghiệp được tiếp sức - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp muốn tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất kinh doanh tốt hơn - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhiều người dân và doanh nghiệp đều khẳng định như vậy khi trao đổi với chúng tôi xung quanh thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng. 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn cụ thể, các ngân hàng thương mại cũng cần thực thi chính sách một cách linh hoạt nhằm hỗ trợ tối đa cho người dân, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về dòng tiền.

Người vay mua nhà, mua xe chờ được giãn nợ

Vào tháng 2-2023, sau khi một chủ đầu tư thông báo gặp khó khăn về dòng tiền, không thể trả lãi vay thay cho khách mua sản phẩm như đã cam kết trước đó, bà H.T.Th. (Tân Bình, TP.HCM) "bỗng dưng" phải đứng ra trả số tiền lãi vay lên hàng chục triệu đồng mỗi tháng. 

"Việc phải trả số lãi khá lớn trong khi đang gặp khó khăn khiến tôi bị động hoàn toàn", bà Th. nói và cho biết do không thể xoay ra tiền để trả nên khoản nợ của bà đã nhảy sang nhóm 2.

Sau khi có thông tin về việc giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, bà Th. băn khoăn không biết bản thân có được hưởng chính sách này hay không, bởi phía ngân hàng cho vay cho biết vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào từ Ngân hàng Nhà nước. "Tôi là một khách hàng chưa từng có lịch sử tín dụng xấu, nhưng đột nhiên phải trả khoản lãi khá lớn mỗi tháng khiến mọi việc bị đảo lộn. Hy vọng Ngân hàng Nhà nước sớm có hướng dẫn để ngân hàng thương mại hỗ trợ khách hàng", bà Th. nói.

Tương tự, ông H. (Bình Thạnh, TP.HCM) - đã bị xếp vào nhóm nợ xấu 2 vì chưa xoay ra tiền để trả lãi vay mua nhà - cũng đang "đau đầu" vì bị ngân hàng liên tục gửi tin nhắn, thông báo đòi nợ từ sáng tới tối thời gian gần đây. 

"Tôi rất mong được giãn nợ hoặc giữ nguyên nhóm nợ chứ bản thân đang rất khó khăn, không thể tiếp tục xoay ra khoản tiền gần 36 triệu mỗi tháng để trả lãi vay cho ngân hàng. Nếu bị nhảy nhóm nợ, sắp tới sẽ khó vay vốn, chưa kể ngày nào cũng bị ngân hàng gọi đòi tiền", ông lo lắng.

Vay hơn 700 triệu từ năm 2022 với thời gian trả góp 7 năm để mua xe chạy taxi, anh Thanh Phước - tài xế xe thương quyền taxi truyền thống hoạt động tại TP.HCM - cũng ngóng chính sách giãn nợ. Sau dịch COVID-19, công ty "đóng cửa", anh Phước cũng như nhiều đồng nghiệp khác vay tiền mua xe để chuyển sang chạy taxi. Do số lượng khách chưa nhiều, anh phải hoạt động ít nhất 10 tiếng mỗi ngày mới có doanh thu hơn 2-2,3 triệu đồng, trừ chi phí xăng, chi phí hợp tác với taxi, số tiền còn lại chắt chiu mới đủ sinh hoạt gia đình và trả lãi ngân hàng.

Khi hay thông tin người dân gặp khó khăn sẽ được giãn nợ một năm, anh Phước đã gọi lên tổng đài công ty hỏi trường hợp của anh được khoanh nợ không. Tuy nhiên, phía công ty cũng cho hay mới nhận thông tin đang nghiên cứu, sẽ ghi nhận trường hợp của anh, sau khi có quy định rõ ràng sẽ thông báo cụ thể. "Nếu được khoanh lại, tôi dành khoản tiền này để đi chữa bệnh" - anh Phước nói.

Doanh nghiệp hy vọng được "cứu"

Ông Phạm Văn Việt - tổng giám đốc Việt Thắng Jeans - cho biết trong số hàng loạt những khó khăn hiện nay, điều khiến các doanh nghiệp "ám ảnh" nhất đó là các khoản nợ cũ đã sắp đáo hạn. Không ít doanh nghiệp canh cánh nỗi lo nhảy nhóm nợ, rơi vào diện nợ xấu và sau này rất khó để tiếp cận vốn. "Do đó, chính sách giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp mà NHNN vừa ban hành là một quyết định rất kịp thời và tác động đến mọi ngành nghề, trong đó có ngành dệt may", ông Việt nói.

Theo ông Việt, nếu được giãn nợ tối đa 12 tháng, các doanh nghiệp ngành dệt may sẽ không còn phải loay hoay đi lo "xoay tiền ngoài" để đáo hạn. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ tập trung để tìm kiếm đơn hàng mới, duy trì sản xuất và chăm lo cho người lao động. Tương tự, ông Đoàn Võ Khang Duy - giám đốc Công ty CP công nghiệp Ameco - cho biết do đơn hàng suy giảm, thời gian qua không ít doanh nghiệp cũng ách tắc về dòng tiền. Khi những khoản nợ sắp đáo hạn, doanh nghiệp phải chạy đôn chạy đáo để có được tiền, thậm chí đi vay ngoài xã hội.

"Các doanh nghiệp không phải không có tiền nhưng tiền về không đúng thời điểm khiến việc đáo hạn trở thành một áp lực lớn. Do đó, chính sách giãn, hoãn nợ thời điểm này tác động cực kỳ tốt với các doanh nghiệp", ông Duy nói và cho biết chính sách này giúp doanh nghiệp giảm áp lực về dòng tiền, không lo bị nhảy nhóm nợ và tác động lớn về mặt tinh thần đối với người đi vay.

Ông Đinh Hồng Kỳ - chủ tịch HĐQT Công ty CP Secoin, phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam - cũng cho rằng việc giãn, hoãn nợ là một chính sách rất phù hợp trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, giúp doanh nghiệp giảm áp lực tài chính và có nguồn vốn duy trì sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo một nhà thầu lớn cho biết đã có không ít doanh nghiệp phải chấp nhận nhận thầu với lợi nhuận thấp, thậm chí lỗ để có dòng tiền quay vòng, tránh nợ xấu. Do đó, nếu được giãn nợ, các doanh nghiệp sẽ giảm được áp lực xoay tiền trả nợ vay.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hữu Nghĩa - tổng giám đốc Công ty Lê Thành, khách hàng được gia hạn nhưng ngân hàng phải trích lập dự phòng, vì vậy các ngân hàng cũng sẽ xem xét, đánh giá rất kỹ nên không dễ để các doanh nghiệp giãn, hoãn nợ nếu không đáp ứng đủ các điều kiện cụ thể.

"Do đó, ngân hàng cần tạo điều kiện, hỗ trợ với các doanh nghiệp chứng minh được khó khăn tạm thời, có hàng hóa nhưng chưa tiêu thụ được, chưa thu hồi dòng tiền và khả năng thu hồi nợ...", ông Nghĩa đề xuất.

Có thêm thời gian tìm đơn hàng mới

Ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch Hội Dệt may - thêu đan TP.HCM, cho rằng các doanh nghiệp ngành dệt may đang rất đau đầu, lo nhất là việc làm cho người lao động rồi đến đơn hàng. Khi được giãn nợ 12 tháng, các doanh nghiệp khỏi phải chạy đôn chạy đáo để xoay tiền trả nợ.

"Thay vào đó, doanh nghiệp có thêm thời gian để lo những chuyện khác như tìm kiếm đơn hàng mới, tìm kiếm khách hàng mới...", ông Hồng nói.

Theo ông Trần Như Phương - phó giám đốc đại lý Ford Suối Tiên (TP.HCM), khoảng 50-60% khách mua xe có vay ngân hàng, chủ yếu là mua xe để chạy dịch vụ vận tải, chở hàng. Nếu được giãn nợ một năm với khoản vay trả góp, người mua xe đỡ áp lực trả nợ gốc và lãi vay, do tình hình kinh doanh vận tải thời gian qua cũng rơi vào tình cảnh khó khăn chung. Trong khi đó, ông Nguyễn Kim Thanh - giám đốc Công ty vận tải Kim Phát (quận 12, TP.HCM) - cho biết nhiều doanh nghiệp cũng mong các ngân hàng thương mại sớm giảm lãi suất cho vay thay vì neo cao như hiện nay.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa (chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Phải linh hoạt xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp

Việc thực thi chính sách này còn phụ thuộc vào sự đánh giá của các ngân hàng về khả năng trả nợ, rủi ro của các khách hàng. Do đó, nếu ngân hàng quan tâm, đánh giá một cách linh hoạt sẽ hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp. Nhưng nếu ngân hàng quá "phòng thủ", đánh giá quá khắt khe, việc thực thi cũng sẽ có nhiều hạn chế.

Nhiều ngành đang gặp khó do thị trường, tồn kho nhiều, dòng tiền về không kịp nên ngân hàng cần đánh giá khách quan, chịu ảnh hưởng chung của thị trường toàn cầu, chứ không phải doanh nghiệp làm hàng không phù hợp hay doanh nghiệp không có tiền hoặc có tiền nhưng chần chừ trả nợ. Và nếu được, cần duy trì chính sách hỗ trợ này cho đến khi thị trường hồi phục, nhu cầu quay trở lại, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Chánh Phương (phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM):

Doanh nghiệp có điều kiện quay vòng vốn

Do thị trường thế giới gặp khó, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đồ gỗ vẫn được các đối tác yêu cầu sản xuất hàng nhưng không lấy ngay, nên thời gian lưu kho kéo dài, ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Thực tế chỉ cần chậm vài tháng thôi, doanh nghiệp đã đối diện với nguy cơ nhảy nhóm nợ.

Do đó, việc cho phép giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ là chính sách rất kịp thời, giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay vòng vốn. Thời gian giãn nợ tối đa 12 tháng là hợp lý. Doanh nghiệp rất kỳ vọng và cũng chờ đợi cụ thể các điều kiện, tránh trường hợp điều kiện khó quá cũng như không...

N.HIỂN

Người dân, doanh nghiệp được tiếp sức - Ảnh 4.

Giao dịch tại một ngân hàng trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tháo gỡ khó khăn về dòng tiền

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Lệnh, phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho rằng việc ban hành thông tư 02 trong bối cảnh hiện nay, cùng với các chính sách về lãi suất, về tín dụng ưu đãi sẽ trực tiếp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ông Lệnh, việc cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ là chính sách không mới, song rất ý nghĩa ở thời điểm doanh nghiệp "khó chồng khó" như hiện nay.

"Điểm thuận lợi lần này là các ngân hàng vừa mới hoàn thành chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên việc triển khai thực hiện thông tư 02 sẽ nhanh chóng và mất ít thời gian hơn trong khâu xây dựng quy định nội bộ; quy trình tác nghiệp; công tác hướng dẫn, ban hành và thực thi", ông Lệnh nói.

Trong khi đó, theo TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, thông tư 02 và 03 là những quyết sách mạnh, được doanh nghiệp, người dân và các ngân hàng kỳ vọng. Theo đó, thông tư 02 sẽ giúp các doanh nghiệp, bên vay (gồm cả vay tiêu dùng) giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ và nợ xấu khi được cơ cấu lại và không phải chuyển nhóm nợ, đồng thời tiếp tục được tiếp cận vốn vay mới, giúp doanh nghiệp có nguồn vốn duy trì sản xuất kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế.

"Như khi thực hiện các thông tư về cơ cấu lại nợ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2021, nhiều ngân hàng sẽ chủ động đánh giá nợ, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro từ trước và mức độ bao phủ nợ xấu của hệ thống ngân hàng khá tốt. Điểm khác biệt lớn là lần này nợ cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng, nên quy mô cơ cấu lại có thể lớn hơn giai đoạn dịch COVID-19", TS Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số ngân hàng cho biết ngay trong tuần này sẽ hoàn thiện quy chế để triển khai trên toàn hệ thống. Tuy nhiên quan điểm là sẽ có sự chọn lọc.

Tại đại hội cổ đông thường niên được tổ chức ngày 25-4, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, tổng giám đốc Sacombank, cho biết ngân hàng này sẽ trình để ra quy chế tái cơ cấu nợ cho khách hàng có nguồn trả nợ trong tương lai, cơ cấu nợ có điều kiện.

ÁNH HỒNG

Giảm áp lực trả nợ, mở cơ hội vay vốn: Khơi thông kênh vay tiêu dùng cho người nghèoGiảm áp lực trả nợ, mở cơ hội vay vốn: Khơi thông kênh vay tiêu dùng cho người nghèo

Với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp và người vay tiêu dùng ở ngân hàng được giảm áp lực trả nợ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên