29/11/2024 16:53 GMT+7

Người dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn?

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online thắc mắc việc đi bộ vào các nhà ga dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) ra sao để đảm bảo an toàn giao thông?

Dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn?  - Ảnh 1.

Hiện nay, cả 9 cầu đi bộ kết nối vào tuyến metro số 1 đã cơ bản xây dựng xong, nhưng lối lên xuống còn rào chắn đến ngày chính thức vận hành thương mại - Ảnh: CHÂU TUẤN

Anh Huỳnh Anh (người dân TP Thủ Đức) chia sẻ nhà anh ở gần đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức), có thể đi xe máy, xe buýt gom ra ga của metro số 1 chỉ mất tầm 10-15 phút rồi lên tàu vào trung tâm TP.HCM.

Tuy nhiên, vị trí các ga hiện nằm trên trục xa lộ Hà Nội, đường Võ Nguyên Giáp đông đúc xe cộ qua lại mỗi ngày, nhất là xe tải nặng. Vì thế, anh An rất mong được hướng dẫn đi bộ vào ga metro, tránh trường hợp người dân "bỡ ngỡ" đi băng qua đường nguy hiểm.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, có 9 cầu đi bộ kết nối trực tiếp vào các nhà ga của tuyến metro số 1 phục vụ người dân đi bộ vào ga đảm bảo an toàn, thuận tiện. 9 cầu đi bộ này đã được xây dựng hoàn thành để chuẩn bị, tiến đến vận hành thương mại tuyến metro số 1 vào ngày 22-12.

Cụ thể, vị trí 9 cây cầu bộ hành được xây dựng kết nối với các ga Tân Cảng, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Công nghệ cao, Thảo Điền, An Phú, Thủ Đức và Đại học Quốc gia. Các cây cầu đi bộ dài khoảng 80-150m (tùy vị trí), được thiết kế theo hình dạng khác nhau, phù hợp với vị trí nhà ga.

Người dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn? - Ảnh 2.

Lối đi bộ cho người dân đi vào ga được thiết kế có mái vòm che nắng mưa, lan can và kết nối vào nhà chờ xe buýt, bãi giữ xe, tăng khả năng tiếp cận - Ảnh: CHÂU TUẤN

Đặc biệt, các cầu đi bộ được thiết kế theo dạng mái vòm, chiều rộng mặt cầu 3,5m, hai bên có lan can để đảm bảo an toàn cho người đi bộ. Với thiết kế này, cầu còn có thể che nắng, che mưa cho người dân khi đi vào nhà ga.

Điểm xuống của cầu đi bộ được kết nối với trạm xe buýt, bãi giữ xe... giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, an toàn.

Phóng viên Tuổi Trẻ Online ghi nhận hầu hết rào chắn ở lối lên, xuống cầu đi bộ hiện vẫn tiếp tục giữ nguyên hiện trạng, để không làm ảnh hưởng đến những phần việc còn lại, cho đến khi metro số 1 chính thức chạy thương mại.

Có 10 bãi giữ xe dọc metro số 1

Theo thiết kế, có 10 bãi giữ xe phía dưới các nhà ga trên cao và 5 bãi nối các cầu đi bộ giúp người dân có nhiều nơi gửi xe để đi metro số 1.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải TP.HCM) cho biết thành phố đã và đang hoàn thiện dự án tăng khả năng tiếp cận và tổ chức kết nối các tuyến xe buýt với nhà ga thuộc tuyến metro số 1. Trong đó có 7 bãi xe (2 bãi đậu xe buýt, còn lại để xe cá nhân).

Cụ thể, ga Văn Thánh xây dựng bãi đậu xe buýt, diện tích khoảng 1.596m2 dưới gầm cầu đường sắt; xây dựng 1 bãi để đậu xe cá nhân.

Ga Thảo Điền xây dựng 1 bãi để xe cá nhân với diện tích khoảng 1.000m2 trên dải đất ven đường Võ Nguyên Giáp và lối đi kết nối đến chân cầu đi bộ.

Tương tự, ga Rạch Chiếc xây dựng bãi để xe cá nhân diện tích khoảng 1.500m2. Ga Phước Long có bãi để xe cá nhân với diện tích 1.000m2. Ga Bình Thái có bãi xe buýt khoảng 3.000m2, bãi xe cá nhân với diện tích 1.000m2 và xây dựng lối đi đến chân cầu đi bộ.

Ngoài ra ở 3 ga ngầm khu vực trung tâm TP.HCM không có bãi gửi xe, nhưng người dân có thể tận dụng gửi ở các trung tâm thương mại, tòa nhà cao tầng, công viên…

Sau khi vận hành chính thức một thời gian, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cùng các đơn vị liên quan sẽ tính toán theo nhu cầu thực tế của người dân đi tàu metro số 1.

Dân đi bộ vào các ga metro số 1 sao cho an toàn?  - Ảnh 1.Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12

Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên