Rất đông du khách đứng trước khu vực nội điện sáng 3-11 chờ được gặp . - Ảnh: M. AN
Từ sáng sớm 3-11, dòng người đổ về chùa Từ Hiếu nhộn nhịp chẳng khác gì ngày lễ lớn theo nghi thức Phật giáo. Không chỉ cư dân địa phương, hòa cùng dòng người ấy phần lớn là người dân, du khách sinh sống khắp mọi miền đất nước lẫn khách Tây.
Càng đến trưa dòng người mỗi lúc mỗi đông. Nhiều người đem theo hoa mong được gặp để dâng lên thiền sư Thích Nhất Hạnh. Họ đứng ngồi ngay trước cửa nội viện, nơi mà thiền sư Thích Nhất Hạnh đang an dưỡng và hy vọng sau khi thiền sư gặp gỡ các sư huynh đệ, con cháu của môn phái sẽ ra chào mọi người.
Thế nhưng đến khoảng 12h trưa, các sư thầy cho biết thiền sư sẽ không ra như dự kiến ban đầu mà không nói rõ lý do. Tuy nhiên, theo quan sát của Tuổi Trẻ Online nhiều nhóm người vẫn nán lại để chờ. "Tôi đến Huế hai ngày nay chỉ nguyện được gặp thiền sư một lần, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa có duyên" - chị Nguyễn Thu Hoài (TP Hải Phòng) chia sẻ.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về đến Tổ đình Từ Hiếu - nơi ngài đã xuất gia năm 16 tuổi - vào chiều 28-10. Tại đây, thiền sư được các thị giả thân cận đưa dạo quanh chùa, lễ Phật ở chánh điện và thắp hương lên bàn thờ ngài sư tổ khai sơn của chùa. Dù không nói được nhưng sắc diện của ngài khá tốt, có thể giao tiếp bằng cử chỉ và ánh mắt.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh về đến Tổ đình Từ Hiếu - nơi ngài đã xuất gia năm 16 tuổi chiều 28-10. - Ảnh: M. AN
Nhà chùa cũng đã chuẩn bị cho thiền sư một thiền thất để nghỉ ngơi và được thiền sư đặt tên "Thất lắng nghe" - cũng chính là nơi mà ngài từng lưu trú những chuyến về thăm trước đây. Những ngày qua, thiền sư thường được chúng đệ tử đẩy xe dạo quanh vườn chùa vào mỗi sáng sớm.
Trước đó, trong một bức thư gửi chư vị tôn đức và con cháu Tổ đình Từ Hiếu, thiền sư Thích Nhất Hạnh để nói cuộc trở về này rằng: "…Tôi quyết định trở về Việt Nam để được sống nơi đất Tổ. Có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này.
Không những thế, giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai đó, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa...".
Hôm qua (2-11) đoàn Ban Tôn giáo Chính phủ đã đến chùa Từ Hiếu thăm thiền sư Thích Nhất Hạnh. Tại đây, ông Bùi Thanh Hà, phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã chuyển lời thăm hỏi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ông Hà mong sức khỏe của thiền sư được chăm sóc tốt, để thời gian cuối đời sống ở Việt Nam trong tình cảm ấm áp của quê hương và đồng đạo. Đáp lại, các sư đệ đã thay mặt thiền sư Thích Nhất Hạnh cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Bùi Thanh Hà, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: trở về để duy trì sự kết nối sâu sắc
"Lần trở về này của Thầy có ý nghĩa vô cùng quý báu, nó giúp cho những người học trò trong tăng thân quốc tế rộng lớn của thầy có thể duy trì sự kết nối sâu sắc, không gián đoạn với gốc rễ tâm linh của mình ở Việt Nam". Đó là ý nghĩa của hành trình trở về của thiền sư Thích Nhất Hạnh được phát đi vào chiều 3-11 qua thông cáo báo chí của .
Theo đó, sau gần 60 năm giảng dạy và truyền trao giáo lý ở nhiều nước trên thế giới, sự trở về ngôi chùa tâm linh gốc rễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh mang lại niềm bình an và hạnh phúc lớn cho các học trò, cho chùa Từ Hiếu và cho các thế hệ tiếp nối. Là người khởi xướng phong trào "Đạo Bụt dấn thân", thiền sư đã cống hiến cả cuộc đời mình để làm mới đạo Bụt với mong muốn giúp cho từng cá nhân cũng như toàn xã hội giải quyết những khó khăn, thử thách trong thời đại. Những giáo lý mà ngài trao truyền luôn bắt nguồn từ gốc rễ tâm linh mang tinh thần nhập thế của các vị Tổ Sư đã làm rạng rỡ cho đạo Bụt Việt Nam từ thời Lý Trần.
Cũng theo thông cáo báo chí này, từ khi về đến Tổ đình Từ Hiếu, sức khỏe của thiền sư vẫn còn yếu nhưng định tĩnh. Ngài đã cùng tăng thân thiền hành vào lúc bình minh, thăm mọi nơi trong ngôi chùa vốn là nhà của thầy và là nơi thầy được nuôi dưỡng khi mới bắt đầu con đường tu tập.
Thiền sư khẳng định lại điều mình đã nói trong chuyến trở về Việt Nam đầu tiên vào năm 2005: "Không có tôn giáo nào, học thuyết nào, chủ nghĩa nào cao hơn tình huynh đệ". Ngài vẫn kiên định và tràn đầy năng lượng trong việc xây dựng tăng thân, thúc đẩy quá trình trị liệu, hòa giải và chuyển hóa trong cộng đồng, xã hội và trên thế giới.
Một số hình ảnh được Tuổi Trẻ Online ghi lại vào sáng 3-11 tại chùa Từ Hiếu:
Tổ đình Từ Hiếu - nơi thiền sư Thích Nhật Hạnh trở về lưu trú, an dưỡng. - Ảnh: M. AN
Một nhóm các sư cô và đại chúng đang sinh hoạt trong lúc chờ gặp thiền sư ở bên ngoài vườn chùa Từ Hiếu. - Ảnh: M. AN
Một người dân đem theo hoa với ước nguyện sẽ dâng lên khi gặp được thiền sư Thích Nhất Hạnh. - Ảnh: M. AN
Thế nhưng đến khoảng 12h trưa, các sư thầy cho biết thiền sư sẽ không ra như dự kiến ban đầu mà không nói rõ lý do. - Ảnh: M. AN
Một nhóm du khách nước ngoài tìm đến chùa Từ Hiếu khi hay tin thiền sư Thích Nhất Hạnh ở đây. - Ảnh: M. AN
Không chỉ người dân, du khách, các thầy chùa từ nhiều nơi cũng tìm về mong được gặp thiền sư. - Ảnh: M. AN
Dù đến trưa 3-11 nhiều người vẫn chưa thể gặp được thiền sư nhưng vẫn cố nén lại chùa với tâm niệm chờ đủ duyên sẽ được hạnh ngộ. - Ảnh: M. AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận