05/03/2019 08:56 GMT+7

Người dân Đà Nẵng kêu khó trả nợ tiền sử dụng đất

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG

TTO - Khi TP Đà Nẵng ban hành bảng giá đất 2019 cao hơn nhiều so với giá đất 2018 đã khiến nhiều hộ gia đình nợ tiền sử dụng đất quá hạn lo lắng.

Người dân Đà Nẵng kêu khó trả nợ tiền sử dụng đất - Ảnh 1.

Khu tái định cư làng cá Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà (Đà Nẵng) - Ảnh: HỮU KHÁ

Theo Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, tính đến 31-1-2019, tổng số hộ nợ tiền sử dụng đất đã quá hạn 5 năm ở Đà Nẵng khoảng 5.300 hộ. Với nhiều hộ dân, việc trả nợ để có sổ đỏ nhà đất ngày càng xa vời vợi.

Choáng với nợ quá hạn

Anh Phạm Phú Hậu (đường An Cư 7, P.An Hải Bắc, Q.Sơn Trà) kể nhà anh bị giải tỏa năm 2007 được TP bán lại lô đất 100m2 với giá 93 triệu đồng và cho nợ tiền sử dụng đất 10 năm. Số tiền đền bù giải tỏa, anh Hậu chỉ đủ xây dựng lại nhà cấp 4 để ở và chấp nhận nợ tiền sử dụng đất. 

"Tôi làm thợ hồ, vợ làm công nhân, thu nhập chỉ đủ nuôi con, không còn dư đồng nào để tính chuyện trả nợ dẫu biết rằng nợ quá hạn sẽ tăng lên" - anh Hậu cho biết.

Thấy khu vực đang ở có thể cho thuê nhà, giữa năm 2018 anh Hậu lên Q.Sơn Trà hỏi số tiền nợ để tính toán xem có thể trả được phần nào không thì được trả lời tiền nợ quá hạn của anh lúc này đã lên đến 720 triệu đồng.

Choáng hơn nữa là sau khi TP Đà Nẵng ban hành giá đất năm 2019 thì tiền nợ của gia đình anh Hậu lên tới 3,64 tỉ đồng! "Với số tiền nợ này thì gia đình tôi không kham nổi, không bao giờ trả được nợ" - anh Hậu giãi bày.

Anh Lê Văn Ân, làm lao động tự do, hiện ở khu dân cư Vũng Thùng 4, P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), cho biết năm 2006 gia đình anh bị giải tỏa, thu hồi 140m2 đất, được đền bù 85 triệu đồng chỉ đủ xây lại nhà để ở. 

Nhà nước bán lô đất 85m2 với giá 62 triệu đồng, anh Ân chạy vạy khắp nơi để trả trước 50% tiền SDĐ, còn hơn 30 triệu đồng được TP cho nợ 10 năm (từ 2006-2016), nhưng đến nay anh cũng chưa trả hết. 

Năm 2018, theo bảng giá đất TP, số tiền anh Ân nợ đã lên hơn 400 triệu đồng. Còn theo bảng giá đất mới TP ban hành năm 2019, số tiền anh Ân nợ đã lên đến 600 triệu đồng! Anh Ân than với số tiền nợ này, anh sẽ không bao giờ cầm được sổ đỏ nhà mình.

Ông Huỳnh Văn Hùng, chánh văn phòng HĐND và UBND Q.Sơn Trà, cho biết hiện quận có 1.336 trường hợp nợ tiền sử dụng đất tái định cư quá hạn phải áp dụng giá đất mới. 

Những gia đình này phần lớn là hộ giải tỏa, khó khăn, công ăn việc làm không ổn định nên họ mới nợ tiền đất quá hạn. Giờ tính theo giá đất mới thì số tiền nợ của họ tăng vọt. 

Các hộ này đề nghị số nợ tiền, nợ vàng quy từ tiền đất bị quá hạn thì Nhà nước có chính sách hỗ trợ, chỉ tính tiền lãi quá hạn mà thôi.

Chờ ý kiến của Thủ tướng

Ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP Đà Nẵng, cho biết theo quy định tại nghị định 45 năm 2014 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất, hộ gia đình, cá nhân được ghi nợ tiền SDĐ thì phải trả nợ dần trong thời hạn tối đa là 5 năm. Sau 5 năm kể từ ngày ghi nợ mà chưa trả hết nợ thì người sử dụng đất phải nộp tiền sử dụng đất còn lại theo giá đất tại thời điểm trả nợ.

"Từ năm 2016, UBND TP Đà Nẵng nhận thấy việc người dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư đã quá hạn 5 năm mà phải nộp theo giá đất hiện hành tuy đúng quy định nhưng đã gây khó khăn cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, UBND TP đã báo cáo Bộ Tài chính và các ngành liên quan nhằm giải quyết vướng mắc" - ông Hùng nói.

Tuy nhiên theo ông Hùng, sau đó Bộ Tài chính có công văn gửi Thủ tướng về việc giải quyết vướng mắc việc thu nợ tiền sử dụng đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất tái định cư. Về việc này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng có ý kiến chỉ đạo như sau: "Bộ Tài chính hướng dẫn TP Đà Nẵng thực hiện việc thu nợ tiền sử dụng đất theo đúng quy định tại nghị định số 45 của Chính phủ. 

Đồng thời, giao Bộ Tài chính đánh giá, rà soát toàn diện tình hình ghi nợ tiền sử dụng đất hiện nay tại các địa phương, trong đó có vướng mắc của UBND TP Đà Nẵng. 

Trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung ghi nợ tiền SDĐ vào dự thảo nghị định quy định bổ sung về thu tiền SDĐ, tiền thuê đất và tổ chức thực hiện, trình Chính phủ xem xét, quyết định".

Như vậy, giải quyết vấn đề nợ tiền sử dụng đất tái định cư phải chờ ý kiến của Thủ tướng.

Điều chỉnh bảng giá đất đúng quy định

Ông Tô Văn Hùng dẫn quy định tại khoản 1, điều 114 Luật đất đai 2013: "Bảng giá đất được UBND tỉnh xây dựng căn cứ nguyên tắc, phương pháp định giá đất và khung giá đất, được hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua trước khi ban hành.

Bảng giá đất được xây dựng theo định kỳ 5 năm 1 lần; được công bố công khai vào ngày 1 tháng 1 của năm đầu kỳ.

Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp".

Trường hợp điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Chính phủ: Khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên.

Đối với Đà Nẵng, giá đất trước đây được thực hiện theo quyết định số 46 năm 2016. Trong thời gian thực hiện quyết định số 46, đặc biệt vào thời điểm cuối năm 2017 và đầu năm 2018 thì giá giao dịch phổ biến trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng có nhiều biến động lớn, có một số khu vực biến động rất lớn.

Theo chứng thư thẩm định giá của Công ty CP đầu tư và định giá AIC-Việt Nam về giá phổ biến tại thời điểm nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất thì giá đất tại đô thị tỉ lệ tăng bình quân 4,13 lần, giá đất ở nông thôn tỉ lệ tăng bình quân 2,66 lần.

Do vậy, căn cứ theo quy định nêu trên và thực tế biến động về giá đất tại Đà Nẵng thì việc điều chỉnh bảng giá đất năm 2019 là đúng quy định.

6 yếu tố cần xem xét trong cách tính tiền sử dụng đất

Vừa qua, các doanh nghiệp Bất động sản TP.HCM đã chỉ ra 6 yếu tố cần được xem xét, giải quyết ngay để khơi thông điểm nghẽn về tiền sử dụng đất.

HỮU KHÁ - VIỆT HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên