10/12/2013 00:28 GMT+7

Người dân đã lên tiếng

NGUYỄN QUANG THÂN
NGUYỄN QUANG THÂN

TT - Cướp hoa anh đào, giẫm đạp lên nhau tranh một phần sushi, bị thương vì giành suất khuyến mãi điện máy, cướp tiền người bị nạn, thậm chí cướp lại của bọn cướp đường những đồng tiền rơi vãi... Và gần đây nhất là vụ cướp (đúng nghĩa là thế) một xe tải bị nạn với 1.500 thùng bia ở Đồng Nai là những vết nhơ khó gột rửa với nhiều người.

Những người này nghĩ gì khi rung đùi ngồi bên bàn nhậu trước mặt con cái với những lon bia cướp được?

Nhưng may mắn thay, rất nhiều người Đồng Nai không như họ. Người Đà Nẵng không như họ. Còn rất nhiều người Việt không phải như họ. Cũng xe bia bị nạn trên đường, người Đà Nẵng đã giúp tài xế thu gom lại, xếp ngăn nắp trên đường để giải tỏa giao thông. Có câu chuyện một cán bộ tập kết ra Bắc, gửi lại người quen gói giấy bạc kháng chiến và ít vàng cùng giấy tờ, hẹn hai năm trở về. 20 năm sau, người quen ấy đưa lại gói tiền, dây buộc còn nguyên. Những tấm gương ngay thẳng như thế vẫn như những con én báo hiệu rằng mùa xuân vẫn lấp ló, chờ đợi ở đằng xa.

Tấm băngrôn đang lan truyền trên mạng của một nữ sinh viên cùng gia đình đã làm một điều xưa nay chưa từng có. “Là dân Biên Hòa, là người VN, tôi thấy xấu hổ thay cho những ai đã “cướp vài lon bia” ở đây trưa ngày 4-12”. Mặc dù không được ai ủy quyền, mặc dù chưa có tiền lệ, nhưng em gái sinh viên ngay thẳng này và ba mẹ em đã làm được một điều đáng trân trọng. Xin lỗi, được tha lỗi hay không, xấu hổ hay tự hào chưa phải là vấn đề. Ít nhất thì tấm băngrôn cũng làm “những người Việt không như họ” tự cho phép mình ngẩng cao đầu sau mấy ngày buồn bực.

Chuyện có gì lớn đâu mà ầm ĩ? Thưa không, “vài lon bia” đổi một nhân cách, “vài lon bia” có thể làm trôi sông trôi biển công lao dạy dỗ con cái một đời. “Vài lon bia” có thể là mầm mống nhân giống ra những đứa trẻ trộm cướp tương lai. Đó là chuyện nhỏ chăng? “Xin đừng hỏi, chuông đang nguyện hồn ai, chuông đang nguyện hồn anh đấy!” (E. Hemingway)

Và như lời em sinh viên ngay thẳng kia, “vài lon bia” cũng có thể làm người Biên Hòa, người VN (dù không như họ) cảm thấy xấu hổ. Vì sao chúng ta lại xấu hổ khi chỉ có một số người cướp “vài lon bia”? Về mặt ngôn từ, tấm băngrôn thể hiện một tài năng ngôn ngữ. Đúng vậy, nếu có một bọn cướp dùng súng đoạt xe ngân hàng, một xe bia trên đường, tôi và bạn căm giận, muốn giúp đỡ cảnh sát bắt chúng đền tội, nhưng không thấy xấu hổ, hoàn toàn không có cảm giác xấu hổ.

Nhưng vài chai bia mà đổi nhân cách của khá nhiều người Biên Hòa vốn có tiếng hảo hán, cưu mang thì không chỉ người Biên Hòa mà tôi và bạn đều thấy xấu hổ. Bởi vì, cái số nhiều hiện hữu chiều hôm đó, vì sao người ta lại quá dễ dàng thủ tiêu nhân cách bản thân chỉ vì “vài lon bia”. Chúng ta xấu hổ bởi vì quả thật thể diện xã hội đang bị treo bởi sợi tơ mành, rất có thể rơi xuống vực sâu chỉ vì “vài lon bia”!

Người dân bắt đầu biết cất tiếng nói, đó là điều đáng mừng và khích lệ. Người ta đã biết tự bảo vệ cuộc sống, bản thân và con cái bằng cách nói lên một cách sòng phẳng suy nghĩ mà không cần tiền lệ. Hi vọng rằng nỗi xấu hổ “của người Biên Hòa và của người VN” sẽ không đọng lại lâu trong ký ức, tấm băngrôn không phải là bia đá. Nhưng bài học bia miệng của câu chuyện buồn mấy hôm nay chắc sẽ còn sống lâu...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

NGUYỄN QUANG THÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên