25/03/2014 03:57 GMT+7

Người dân đã chi tiêu hợp lý hơn

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Bình luận về câu chuyện chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3-2014 âm 0,44%, bà Trần Thị Hằng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho rằng do người dân đã chi tiêu hợp lý hơn.

AF7UFji1.jpgPhóng to
Trứng gà, trứng vịt bán chậm trong những ngày qua (ảnh chụp chiều 24-3 tại chợ Phan Văn Trị, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Bà Hằng nói: Việc chỉ số CPI giảm trong tháng 3 cũng hợp với quy luật, đó là sau khi tháng Tết Nguyên đán (thường vào tháng 1, tháng 2) tăng giá thì tháng 3 giá sẽ giảm. Chẳng hạn, tháng 3-2013 chỉ số CPI cũng giảm 0,19%, khi chúng ta kiểm soát được lạm phát.

Sáng 24-3, theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 3-2014 bị âm 0,44% so với tháng 2. Nếu so với tháng 12-2013, CPI cả nước mới tăng 0,8% và so với cùng kỳ năm trước, CPI mới tăng 4,39%.

Cũng theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, GDP quý 1-2014 của VN đã đạt mức tăng trưởng 4,96%, trong đó khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%, khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Như vậy, GDP quý 1 của VN đã tăng liên tiếp trong ba năm trở lại đây (quý 1-2012 GDP tăng 4,75%, quý 1-2013 GDP tăng 4,76%).

* Vậy đâu là lý do chính khiến CPI tháng 3 năm nay giảm nhiều hơn cùng thời điểm những năm trước?

- Có nhiều lý do khiến CPI bị giảm. Theo tôi, trước hết là lượng cung hàng hóa dồi dào. Mặt hàng hay gây xáo trộn nhiều, có ảnh hưởng quan trọng vào chỉ số CPI là nhóm hàng hóa dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực và thực phẩm) giảm khá mạnh trong tháng này. Nhóm nhà ở vật liệu xây dựng, dù các mặt hàng vật liệu xây dựng không giảm, nhưng do giá gas giảm mạnh nên kéo chỉ số này xuống. Nhìn vào giá tiêu dùng giảm, nhiều người nghĩ đến cầu yếu. Nhưng nhìn vào chỉ số thể hiện tiêu dùng là tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ thì lại thấy nó vẫn tăng. Ngay cả khi loại trừ yếu tố tăng giá thì quý 1-2014 chỉ số này vẫn tăng khoảng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Đó là mức khá, tăng cao hơn mức tăng năm 2013. Tuy nhiên, đúng là mức tăng 5,1% quý 1 năm nay so với những năm chúng ta tăng trưởng khá, thuận lợi (ở mức 6-7%) thì có thấp hơn.

* Có nghĩa người dân đã chi tiêu ít hơn, hợp lý hơn?

- Đã có nghiên cứu xã hội học cho thấy hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng VN đã thay đổi, cả về nhu cầu vật chất và dịch vụ. Tiêu dùng vật chất có giới hạn, nhất là không bị tâm lý tích trữ, nên tiêu dùng ở mức vừa phải. Điều này tác động đến cầu, nó không gây giá sốc. Tôi cho rằng người VN đã chi tiêu hợp lý hơn, chứ không phải cắt giảm quá mức. Trước chạy theo thị hiếu, vài tháng có thể mua tivi khi có mẫu mới, nhưng nay đã khác. Tất nhiên, có một bộ phận người dân thu nhập giảm do kinh tế khó khăn nhưng theo khảo sát của chúng tôi, thu nhập chung năm 2013 của cả nước vẫn tăng so với năm trước.

* Với CPI cả quý 1 mới tăng 0,8%, mức lạm phát Chính phủ đưa ra năm nay khoảng 7% sẽ có thể thấp hơn? Có ý kiến nêu là nên kích cầu, theo bà, liệu có nên?

- Khẳng định điều gì bây giờ là quá sớm. Nhưng dự báo, theo tôi, với cách kiểm soát, điều hành của Chính phủ, việc kiểm soát theo mục tiêu là có thể đạt được. Tất nhiên phải trừ khi có những cú sốc lớn về thiên tai hay giá cả tăng mạnh từ bên ngoài vào. Riêng chuyện kích cầu, theo tôi, cần cẩn trọng. Cứ hô kích, nhưng kích thế nào, cầu về tiêu dùng hay cầu cho khu vực sản xuất? Cần tính toán, không nên chung chung, có thể không hiệu quả, đôi lúc có thể tác động tâm lý đến thị trường.

* PGS.TS Ngô Trí Long (nguyên viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả):

Lo nhiều hơn vui

Nhiều ý kiến cho rằng mức giảm khá sâu của CPI tháng 3 không thể hiện sức cầu yếu, vì chỉ số tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ vẫn tăng, theo tôi, là chưa đầy đủ. Vì tổng mức bán lẻ trên chỉ thể hiện sự lưu chuyển hàng hóa, chưa thể hiện hết tiêu dùng cuối cùng, nên nó không phải tổng cầu. Người dân tiêu dùng hợp lý hơn cũng vì thu nhập giảm.

Vậy CPI giảm đáng lo và cảnh báo nhiều hơn. Giá hàng hóa thể hiện cung cầu. Cung không thay đổi, giá giảm thì phải do cầu. Dù VN chưa thể nói là giảm phát, vì như thế tăng trưởng GDP phải giảm, giá phải giảm liên tục. Nhưng cũng có vấn đề rất đáng lo, là giá giảm ở VN không phải do tăng năng suất, chất lượng. Khi hiệu quả đầu tư vẫn thấp, tham nhũng vẫn phức tạp... giá hàng hóa đang bị đội lên. Hàng hóa của ta vừa khó cạnh tranh, nếu có biến động giá thế giới thì giá hàng hóa VN sẽ bị tác động mạnh hơn, do phải chịu các “chi phí không tên” khác nữa. Vì vậy, phải rất cẩn thận khi tăng giá các loại hàng hóa đầu vào như điện.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên