05/08/2021 19:30 GMT+7

'Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất'

K.H
K.H

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, việc áp dụng mô hình '3 tại chỗ' của Chính phủ là phương án tối ưu và đúng đắn nhất trong giai đoạn hiện nay.

Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất - Ảnh 1.

Nhà máy đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai - Ảnh: P.T

Thời điểm này, công ty Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai với ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh các sản phẩm đường mía, gần như là nhà máy duy nhất hoạt động quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ cây mía.

Nhà máy vẫn đang hoạt động để cung ứng các sản phẩm đường túi, đường bao 50kg và các loại đường tiêu dùng khác cho toàn thị trường, đặc biệt là thị trường phía Nam.

Đường là loại gia vị cung cấp năng lượng khó có thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày, và là mặt hàng được phân vào nhóm hàng hóa thiết yếu. 

Lúc này, sức mua thị trường lớn, vượt quá tồn kho, do đó đại diện công ty TNHH MTV Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai (thành viên của Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, TTC Sugar) cho biết đơn vị này buộc phải tăng ca "2 ca 3 kíp", công nhân phải choàng việc để đáp ứng dây chuyền máy móc hoạt động xuyên suốt liên tục 24/24 giờ… 

"Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất", bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch TTC Sugar cho biết đây là quyết tâm của bà khi thực hiện mô hình "3 tại chỗ" nhằm đáp ứng chuỗi cung ứng để nguồn cung không bị thiếu hụt.

"Từ 14-7 đến nay, chúng tôi đã bố trí cho 338 cán bộ nhân viên (CBNV) thường trực nhà máy thực hiện "sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ" trên tổng số 636 CBNV của toàn công ty. Trước đó, do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, chúng tôi cũng đã chủ động cho tình huống xấu nhất bằng cách kích hoạt và xây dựng phương án phòng dịch nghiêm ngặt, tổ chức cho công nhân ở lại nhà máy duy trì sản xuất từ ngày 1-6", vị này chia sẻ.

Anh H., một công nhân Vận hành máy đóng đường túi, cho biết, ngay khi dịch bệnh bùng phát, điều mà anh lo lắng đầu tiên là sợ mất việc làm, không có thu nhập. Do đó, khi Công ty thông báo thực hiện phương án "3 tại chỗ", anh đã đăng ký làm việc ngay. "Sinh hoạt và làm việc ở đây, tôi còn cảm thấy an tâm hơn ở bên ngoài. Công ty đã bố trí cho chúng tôi được ăn, ở, làm việc tại chỗ với những điều kiện rất tốt", anh nói.

Đại diện đơn vị này cũng cho biết, việc "cắm trại" sản xuất vừa đảm bảo duy trì số lượng nhân sự, vừa giảm nguy cơ nhân viên bị nhiễm bệnh từ cộng đồng sau đó mang vào nhà máy. Với phương án này, CBNV sẽ ở lại Công ty và được xét nghiệm COVID theo đúng quy định 7 ngày/1 lần. 

Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ thêm chi phí ngoài lương là 150.000 đồng/1 ngày, kèm chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mỗi ngày 3 bữa. "Chúng tôi bố trí khu nghỉ ngơi tươm tất cho các CBNV, khu thể dục thể thao như cầu lông, bóng bàn để có nơi rèn luyện thể chất. Đồng thời, mỗi CBNV còn được công ty bổ sung thêm các loại thuốc bổ tăng sức đề kháng, trang bị vật tư bảo hộ… để đảm bảo an toàn sức khỏe ở mức cao nhất", vị này cho hay.

Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất - Ảnh 2.

Khu vực nhà ăn tập thể được sắp xếp theo quy định giãn cách, là nơi phục vụ miễn phí 3 bữa ăn hàng ngày cho người lao động trong thời gian “cắm chốt” tại Công ty - Ảnh: P.T

Dĩ nhiên, theo đại diện đơn vị này, cũng như nhiều doanh nghiệp khác khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ", việc duy trì và đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho 338 CBNV cùng một lúc khiến khối lượng công việc tăng nhiều lần. 

"Điểm khó khăn là làm sao để huy động đủ lực lượng bốc xếp để tiếp nhận và xuất - lưu trữ đường tại nhà máy. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng, kho bãi cũng bị ảnh hưởng lớn với quy định giãn cách; tài xế phải kiểm tra COVID 3 ngày/lần; phương tiện vận tải, quy định nhận hàng và kiểm soát xe lưu thông hàng hóa mỗi địa phương cũng khác nhau; chưa kể việc tuyển dụng bổ sung nhân sự có tay nghề cao để tăng cường đứng máy sản xuất 24/24… cũng là áp lực lớn với chúng tôi", vị này nói thêm.

"Tuy nhiên, nhờ sớm xây dựng kế hoạch dự phòng theo hướng "3 tại chỗ", chúng tôi vẫn đảm bảo duy trì công suất 365 - 380 tấn đường thành phẩm/ngày, khoảng 11.000 tấn đường/tháng. 

Sản phẩm đường túi các loại với mức sản xuất cao điểm cung cấp cho thị trường hơn 200 - 210 tấn đường túi/ngày và đường bao 50kg với mức 165 - 180 tấn/ngày cũng xuất xưởng liên tục để phục vụ nhu cầu tiêu thụ tăng đột biến của thị trường TP.HCM và các tỉnh lân cận. Đây là nỗ lực lớn của đơn vị bởi trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, thiếu thốn trăm bề vẫn duy trì sản xuất như trong điều kiện bình thường".

Người dân còn cần đường, chúng tôi còn sản xuất - Ảnh 3.

Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch TTC Sugar - Ảnh: P.T

Cũng theo bà Huỳnh Bích Ngọc, trách nhiệm đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm với giá cả ổn định đến người dân trong bối cảnh dịch bệnh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của toàn xã hội, trong đó có trách nhiệm rất lớn của những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm như TTC Sugar và Đường TTC Biên Hòa - Đồng Nai.

K.H
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên