Người Đà Nẵng giúp nhau lúc gian khó
Chiều 15-10, chiếc xe bán tải do tình nguyện viên Hồ Ngọc Thanh - chủ nhiệm Câu lạc bộ Chuyến xe vạn tình 0 đồng Đà Nẵng vẫn hối hả ngược xuôi chở các suất cơm ấm nóng đưa xuống phát cho người dân vùng tâm lụt dọc đường Mẹ Suốt, quận Liên Chiểu.
Theo anh Thanh, từ đêm 13-10, ngay thời điểm nước lên căng thẳng nhất ở các khu vực dân cư quận Liên Chiểu, Thanh Khê…, nhóm của anh đã cùng bạn bè trẻ lập Zalo gọi nhau tức tốc lên đường.
Nhóm huy động được nhiều xuồng phao cứu sinh, trực tiếp lội xuống những khu dân cư ngập lụt hàng mét để bồng trẻ con, người già ra nơi an toàn.
Trong những ngày căng thẳng nhất của đợt lụt, Thanh cùng bạn bè túc trực tại các điểm nóng sẵn sàng cùng lực lượng chức năng tiếp ứng hỗ trợ bà con.
Từ chiều 14-10, nhận thấy nhiều người dân không thể nhóm bếp vì nhà cửa ngập sâu, nên anh huy động nhà hảo tâm tổ chức nấu cơm rồi chèo xuồng phao đến tận nhà từng hộ dân để phát.
"Tới nay anh em đã phát cho bà con được 100 suất mì chay, 1.000 ổ bánh mì, 200 cái áo phao cứu sinh, đưa hàng chục người già và trẻ con mắc kẹt trên gác xép của nhà bị ngập đến nơi an toàn.
Công việc vẫn tiếp tục, đêm nay (15-10) anh em tình nguyện viên vẫn túc trực ở vùng ngập để ứng cứu khi nước lên" - Thanh nói.
Cả Đà Nẵng hướng về vùng ngập
Không chỉ nhóm anh Thanh, rất nhiều nhóm trẻ, bà con ở khu vực cao hơn cũng đã nấu cơm, quyên góp quần áo để đưa xuống tặng cho người dân nhiều ngày trầm mình trong nước ngập.
Anh Phan Xuân Phúc - thành viên Câu lạc bộ Máu nóng Ban Mai Xanh - cho biết đã vận động được 150 suất cơm để phân phát tận nhà cho bà con dọc đường Mẹ Suốt, đường Tôn Đức Thắng.
Tại các khu dân cư tiếp giáp vùng ngập, bà con chòm xóm đã tìm cách tương trợ nhau vượt qua những giây phút khó khăn. Nhà nào cao ráo thì mở cửa cho các gia đình bị ngập vào tránh trú. Bà con nhường nhau từng tấm áo, chiếc khăn để san sẻ lúc thiên tai.
Ông Nguyễn Văn Hành (kiệt 161 Mẹ Suốt - nơi chịu ngập sâu hơn 1m) nói cả nhà ông 6 người được một người dân trên đường Phạm Như Xương nhận vào tránh trú.
"Dân ở đây toàn phải đi sơ tán, số thì lên đơn vị quân đội, số khác thì lên phường, trường học. Nhiều gia đình đến nhà người quen hoặc như chúng tôi được người dân mời tới ở. Rất tình cảm!" - ông Hành nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận