Tàu cứu thương là một trong các mục tiêu quan trọng được nêu trong đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện theo hướng chuyên nghiệp tại TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2030 vừa được Sở Y tế trình UBND TP.HCM phê duyệt.
Đây cũng chính là giấc mơ bao đời nay của người dân xã đảo Thạnh An và huyện Cần Giờ. Với người dân sông nước, mỗi lần cấp cứu là một lần thót tim và không ít người ra đi vì không thể kịp cấp cứu...
Giấc mơ tàu cứu thương có đầy đủ trang thiết bị
Tờ trình của Sở Y tế TP.HCM nhận định việc đa dạng hóa các loại hình vận chuyển (đường bộ, đường thủy, đường sông), nhằm đáp ứng nhu cầu cấp cứu ngày càng đa dạng của người dân, cũng như phù hợp với đặc điểm địa lý của TP.HCM.
Theo đó, giai đoạn từ năm 2023 - 2025, TP.HCM dự kiến sẽ triển khai hoạt động cấp cứu đường thủy tại huyện Cần Giờ với vị trí bến đỗ là cảng đóng quân của Bộ đội biên phòng Cần Giờ.
Đặc biệt, kế hoạch sẽ đầu tư một tàu cứu thương với trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng. Đồng thời, tuyển chọn và đào tạo nguồn nhân lực cấp cứu đường thủy đảm bảo các điều kiện sức khỏe và năng lực chuyên nhận cấp cứu phù hợp.
Song song đó sẽ xây dựng và ban hành quy chế phối hợp cấp cứu bằng đường thủy, trong đó Trung tâm cấp cứu 115 đảm bảo nhiệm vụ chuyên môn y tế, còn Bộ đội biên phòng Cần Giờ đảm nhận nhiệm vụ vận hành, bảo trì, sửa chữa phương tiện cấp cứu.
Từ sau năm 2025, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 1, ngành y tế TP.HCM sẽ đề xuất mở rộng mô hình cấp cứu đường thủy tại khu vực trung tâm TP với bến đỗ tại bến Bạch Đằng (quận 1).
Cấp cứu trong tình huống khẩn cấp
Theo Sở Y tế TP.HCM, việc cấp cứu khẩn cấp trên đường thủy nội địa, vùng giáp biển, đảo, vùng sâu và vùng xa… đang vượt quá khả năng của các cơ sở y tế. Với các tình huống đe dọa tính mạng, việc phải chuyển ngay đến các bệnh viện tuyến trên các phương tiện cấp cứu đường bộ, hàng không không thể đáp ứng.
Do đó, việc triển khai mô hình cấp cứu bằng đường thủy (trong đó trang bị tàu cứu thương) là rất cần thiết nhằm cung cấp dịch vụ cấp cứu kịp thời cho người dân khu vực huyện Cần Giờ và các vùng lân cận.
Tàu cứu thương kết cấu bằng hợp kim
Sở Y tế TP.HCM cho biết tàu cứu thương có thân kết cấu bằng hợp kim nhôm chuyên dùng cho tàu thủy. Vật liệu nội thất trong các phòng được lắp đặt tấm hợp kim nhôm ba lớp có độ bền cao, không dẫn cháy, được phun xốp cách nhiệt, cách âm tại các khu vực sử dụng.
Mục đích giảm tiếng ồn và rung động, được bọc chống cháy khu vực buồng máy và có hệ thống điện năng lượng và pin nguồn.
Trong tàu được trang bị hai băng ca đặc thù, hệ thống oxy, monitor theo dõi; các loại máy thở di động, hút đàm, sốc điện, ép tim tự động và các túi dùng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với môi trường công tác.
Đặc biệt tàu được trang bị phương tiện thông tin liên lạc để phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bằng đường thủy.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận