Sáng 19-2 (mùng 10 tháng giêng), lễ hội chùa Ông lần 9 năm 2024 chính thức bắt đầu bằng lễ Nghinh thần dọc các tuyến sông và các tuyến phố ở TP Biên Hòa, thu hút hàng ngàn người dân, tiểu thương tham gia.
Lễ Nghinh thần là hoạt động đưa các vị thần dân gian, người có công khai hoang mở cõi, xây dựng vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xuất du theo đường thủy và đường bộ.
Theo đó, đoàn thứ nhất xuất phát từ bến chùa Ông (còn gọi Thất phủ Cổ Miếu, phường Hiệp Hòa), và miếu Phụng Sơn Tự (phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa), diễu hành ngược sông Đồng Nai với quãng đường khoảng 5km.
Sau đó, đoàn lên bờ tập kết với các đội hình khác tại miếu Phụng Sơn Tự, rồi tiếp tục diễu hành đường bộ qua nhiều tuyến đường quanh chợ Biên Hòa, với quãng đường hơn 3km trước khi quay về chùa an vị.
Các đoàn nghinh thần trang hoàng cờ xí lộng lẫy, hóa trang thần tướng mới lạ, trang phục truyền thống dân gian, các đội lân - sư - rồng, nhạc cổ truyền… tạo nên lễ hội đường phố đầy màu sắc và hết sức náo nhiệt.
Những năm trước đây, lễ hội chùa Ông do cộng đồng người Hoa tổ chức, nhưng năm nay lễ hội giao thoa văn hóa Hoa - Việt. Các hoạt động lễ hội vừa mang nét truyền thống của người Hoa vừa mang đậm bản sắc văn hóa của người Việt.
Cũng như mọi năm, lễ Nghinh thần được đông đảo người dân dọc hai bên đường hào hứng đón nhận, thưởng ngoạn, chụp ảnh, livestream chia sẻ cùng người thân và bạn bè.
Trong đó, nhiều gia đình, tiểu thương ở chợ Biên Hòa và dọc đường bày bàn thờ, hương án nghinh Đức Ông cùng các vị thần nhằm cầu chúc một năm mới bình an, làm ăn thuận lợi.
Để đảm bảo an toàn cho dòng người tham gia lễ Nghinh thần, ban tổ chức lễ hội chùa Ông cùng các ngành chức năng địa phương đã lên kế hoạch cụ thể điều tiết giao thông, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không nâng giá các dịch vụ; không bắn pháo hoa kim tuyến tại các khu vực đoàn diễu hành đi qua…
Ông Huỳnh Hữu Nghĩa, quyền trưởng ban trị sự Thất phủ Cổ Miếu, phó trưởng ban tổ chức lễ hội chùa Ông, cho biết lễ hội chùa Ông được tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của cộng đồng, từng bước hình thành sản phẩm du lịch văn hóa ở địa phương.
Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai về bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống của dân tộc; tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng, vui chơi giải trí lành mạnh của người dân.
Qua tám lần tổ chức, lễ hội chùa Ông đã trở thành hoạt động văn hóa nổi bật trong những ngày đầu xuân. Lễ hội gồm chuỗi hoạt động nhằm tạo dấu ấn nhân kỷ niệm 340 năm hình thành di tích chùa Ông, đón mừng lễ hội chùa Ông được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, lễ hội chùa Ông năm 2024 có sự tham gia của đoàn đại biểu đến từ Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Singapore, và các miếu thờ Quan Công các tỉnh thành như Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, TP.HCM...
Chùa Ông (còn gọi Thất phủ Cổ Miếu) được xây dựng năm 1684 tại cù lao Phố (nay là phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa), tiếp giáp sông Đồng Nai.
Đây là ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Nam Bộ, đánh dấu mốc lịch sử quá trình chung sống của cộng đồng người Việt và người Hoa trong công cuộc khẩn hoang, lập nghiệp, bảo vệ vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Lễ hội chùa Ông hoạt động xuyên suốt trong 5 ngày, từ ngày 18 đến 22-2 (tức mùng 9 đến 13 tháng giêng năm Giáp Thìn) với rất nhiều chương trình đặc sắc.
Ngoài lễ Nghinh thần, lễ hội còn có nhiều tiết mục biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, chương trình biểu diễn lân sư rồng, hoạt động triển lãm và giao lưu thư pháp - thư họa; lễ thả phúc khí cầu và thả hoa đăng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận