09/03/2008 03:45 GMT+7

Người đàn bà viết văn

HỒ ANH THÁI
HỒ ANH THÁI

TT - Với tuyển tập Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông, nhà văn Lê Minh Khuê (ảnh) đã trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng văn học quốc tế Byeong Ju Lee lần thứ nhất (mỗi năm trao giải cho một nhà văn duy nhất).

s4WZOToK.jpgPhóng to
TT - Với tuyển tập Những ngôi sao, Trái đất, dòng sông, nhà văn Lê Minh Khuê (ảnh) đã trở thành người đầu tiên nhận Giải thưởng văn học quốc tế Byeong Ju Lee lần thứ nhất (mỗi năm trao giải cho một nhà văn duy nhất).

Một trong những truyện ngắn đầu tiên của Lê Minh Khuê là Những ngôi sao xa xôi, viết năm 1971. Ba cô gái Hà Nội đi thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, và khi vào đến đơn vị thì: "Tôi ngạc nhiên khi người ta bảo tôi đi gánh đất - Thanh niên xung phong như thế này à? Gánh đất? (Tôi không tưởng tượng thế. Thanh niên xung phong phải vác súng kia, đi rầm rộ dưới những cánh rừng không trăng sao. Nói với nhau phải mạnh và gọn như những câu khẩu hiệu...)".

Cô thanh niên xung phong Lê Minh Khuê cũng lãng mạn như thế trong những năm chiến tranh ác liệt. Năm 1965, 16 tuổi, chị lên đường, và ngay lập tức ở giữa túi bom với những công việc thường nhật cận kề cái chết của thanh niên xung phong. Sau thời kỳ này, chị trở thành phóng viên chiến trường của báo Tiền Phong, rồi Đài phát thanh Giải Phóng. Năm 1975 chị có mặt trong cánh quân đầu tiên tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Một thời tuổi trẻ đi và đi, rồi viết và viết.

Bây giờ thì Lê Minh Khuê đã trở thành một người đàn bà ngại đi. Khó ai rủ được chị đi đâu ra khỏi Hà Nội. Có hai điều chị sợ nhất, đó là nhắc đến chiến tranh và đi xa. Chị không nói ra, nhưng bạn bè cảm thấy có thể vì tuổi thanh niên của chị đã có thừa hai điều ấy. Nếu có việc phải đi, chị thường chọn đi ôtô hoặc tàu hỏa. Chị tránh đi máy bay. Nhưng giờ thì khó tránh rồi. Cuối tháng 4-2008 chị "phải" đi lĩnh giải thưởng tận Hàn Quốc.

Nhận được thông báo từ Hội đồng giải thưởng văn học quốc tế mang tên văn hào Hàn Quốc Byeong Ju Lee, tôi gọi điện thoại báo ngay cho Lê Minh Khuê. Chị đang ở trên tàu từ Huế ra Hà Nội. Chị về Huế thăm song thân và gia đình lớn. Tôi cứ hình dung người đàn bà không có dáng vẻ là nhà văn, đang chật vật với cái điện thoại di động vừa mới biết dùng, hở hả vào máy trong khi tàu chạy sầm sập. Cũng giống như chị hằng ngày đến cơ quan, không đi xe máy xe đạp, chỉ có đi xe buýt, rồi xuống xe thong thả đi bộ như là ngày rộng tháng dài.

Chị bảo đi xe buýt biết được nhiều chuyện của hành khách, của lái xe. Rồi lại bảo các em thanh niên bây giờ văn minh, thấy người như mình lên xe buýt, bao giờ cũng có em đứng dậy nhường ghế. Chị thường tay xách nách mang, chiều tối là vội vàng trở về với gia đình, dáng vẻ đúng là của một bà nội trợ, người ta nhường chỗ là phải.

Chặng đường viết văn của Lê Minh Khuê không phải lúc nào cũng suôn sẻ, như bất cứ một nhà văn nào có nội lực và thật sự ưu tư trước thời thế. Năm 19 tuổi, chị xuất hiện trong làng văn với truyện ngắn đầu tiên, trong trẻo, lãng mạn, đậm đặc không khí tuổi xuân ra trận.

Những ngôi sao xa xôi, Cao điểm mùa hạ, Mẹ, Nơi bắt đầu của những bức tranh... Nhưng rồi lại có đồn đại rằng "con bé” ấy không biết viết văn, có những ông những bà không được viết phải đứng đằng sau mượn tên nó để viết. Một vài câu đối thoại, một chi tiết các cô thanh niên xung phong phát hiện một bộ xương trong hang đá... cũng bị suy diễn gây lo ngại. Thì cũng là chuyện ấu trĩ một thời.

Sau chiến tranh, tác phẩm của Lê Minh Khuê khi chạm đến và mổ xẻ sự suy thoái về tinh thần đã trở nên quyết liệt, thậm chí rùng rợn. Cơn mưa cuối mùa, Anh lính Tony D, Bi kịch nhỏ, Cuộc chơi, Đồng đôla vĩ đại... Người ta nhìn thấy trong ấy sự cảnh báo gay gắt về một thực trạng xã hội, sự thương xót cho những số phận người luẩn quẩn làm nô lệ cho dục vọng của mình, và sự ước mơ mang tính không tưởng trở về một thời khốc liệt mà cũng rất lãng mạn.

Nhiều người đọc tâm đắc với mảng truyện này của Lê Minh Khuê, đồng thời cũng rất ngạc nhiên. Phương pháp tiếp cận đời sống và khả năng xử lý hiện thực nào, khả năng hư cấu nào, trí tưởng tượng nào khiến một người đàn bà thùy mị, bao giờ cũng nghĩ tốt về mọi người lại có thể trở nên sắc sảo và dữ dội đến thế trong văn chương?

Rồi ta sẽ còn phải ngạc nhiên về những tác phẩm sắp tới của người đàn bà viết văn này.

HỒ ANH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên