Bà Tuyến phục hồi cho một bệnh nhân sau tai biến - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Năm tháng trôi qua, nay bà con làng Vân thời ấy đã được chuyển về sinh sống trong khu nhà liền kề ở phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng nhưng trong ký ức của những người làng Vân, bà Văn Thị Kim Tuyến như một cô tiên áo trắng đến với cuộc đời của họ.
Hồi trước tui còn bị tụt cả lưỡi, đi đứng khó khăn. Nghe người ta nói bà Tuyến châm cứu ai cũng khỏi nên tìm tới. Bả có cái tài và cả cái đức của người thầy thuốc nên biết tui khổ chẳng lấy đồng nào. Đến châm cứu xong về có gì ngon bả cũng gói cho tui mang về.
Ông Nguyễn Văn Lộc - một bệnh nhân của bà Tuyến mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo
Vì thương mà đến
Bà là y sĩ Văn Thị Kim Tuyến (54 tuổi), công tác tại trạm Y tế phường Hòa Hiệp Nam với chuyên môn chính là điều trị bệnh bằng phương pháp châm cứu. Người dân trong khu liền kề kể lại, hàng chục năm trước, khi bà con còn sống ở làng Vân biệt lập, căn bệnh phong cướp đi không biết bao nhiêu sinh mạng, để lại những di chứng, khiếm khuyết mà chẳng ai muốn nhắc đến trên thân thể những người sống sót.
Y tế lúc bấy giờ chỉ dành tập trung việc chăm sóc di chứng bệnh phong. Các bệnh khác của người già gần như không có nhân viên y tế chuyên môn đảm nhiệm. Rồi năm 2010, bà Tuyến tình nguyện nhận công tác đến làng chăm sóc sức khỏe cho bà con.
Các cụ ông cụ bà ở khu liền kề là nhân chứng rõ nhất về những ngày tháng bà Tuyến cùng bà con vật lộn với căn bệnh phong quái ác. Thời điểm ấy, làng Vân địa hình cách trở, y tế, điện nước thiếu thốn trăm bề nhưng vì thương bà con, bà Tuyến lặn lội cõng thuốc đến với làng.
Không có nhiệm vụ chính điều trị di chứng bệnh phong nhưng bà Tuyến hiểu rõ hơn ai đây là công việc cần kíp phải làm song hành với điều trị các bệnh khác. Lúc bấy giờ, nhiều người ở làng Vân tay chân vẫn còn lở loét, mưng mủ. Có những người di chứng bệnh đã lấy đi những phần cơ thể của họ. Thiếu kiến thức về y tế nên tình trạng bệnh còn tệ hơn. Không hề sợ hãi, bà Tuyến cùng với một nhân viên y tế nữa đến gõ cửa từng nhà, chăm sóc, dặn dò người dân cách vệ sinh, điều trị.
Trong gian nhà liền kề, trầm tư bên chén trà với một bàn tay cụt ngủn, ông L. một người dân làng Vân lúc ấy kể bằng chất giọng trọ trẹ: "Mấy bận càng mưa bão, là cô Tuyến lại càng ra với bà con thường xuyên hơn. Mở cửa thấy hắn ra là cũng giật mình. Tui bảo chao ôi, trời ni mà mi cũng ra chi cho cực rứa. Hắn nói mưa bão lại càng phải ra, vì trái gió trở trời thì bà con mới cần cháu".
Hỏi bà Tuyến sao ngày ấy một mình ra vào làng Vân mà không sợ. Bà bảo: "Mấy hôm bão to, thuyền bè có đi được đâu, tôi cứ lần đi bộ theo chân đèo, đi vòng vòng, có đoạn nước cuộn như thác xiết dưới chân nhìn cũng khiếp. Có khi cũng sợ chứ mà nghĩ bà con cần mình thì cứ căng mắt để nhìn chuẩn hướng mà đi".
Bà bảo sợ cơn bão đất trời một thì sợ cơn bão trong lòng người gấp mười. Hơn hai năm lui tới với bà con bệnh phong, bà cũng nhận không ít lời ra tiếng vào. Nhưng điều bà sợ nhất là dù căn bệnh quái ác đã không còn nữa, bà con làng Vân được chuyển về nơi ở mới liệu họ có cởi bỏ được sự e ngại, tai tiếng bệnh phong.
Bà Tuyến châm cứu miễn phí cho bệnh nhân - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Ngôi nhà thứ hai
Cuối năm 2012, khi bà con làng Vân chuyển vào nơi ở mới. Người dân chưa thích nghi được môi trường sống. Mỗi lần xuống thăm, thấy các cụ ngồi buồn nhìn ra, bà Tuyến lại rủ rê: "chú soạn cờ tướng ra hai chú cháu mình chơi".
Vài ba ván cờ, câu chuyện vốn không phải thế mạnh của bà nhưng là sợi dây kết nối và dần xóa bỏ sự tự ti của bà con. Cứ thế mỗi ngày, ngoài công việc ở trạm y tế, hễ có bà con nào ở khu liền kề đau ốm gì gọi là bà chạy đến. Bà đảm nhận luôn công tác chăm sóc sức khỏe cho họ và chỉ bà Tuyến được lòng bà con nơi đây nhất. Họ chia sẻ, quan tâm bà như cái cách bà đối đãi với dân làng.
Bà Tuyến cho biết chăm người bệnh đã khó, chăm người bệnh cao tuổi lại còn mang di chứng bệnh phong lại càng khó hơn. Có người bướng như trẻ con, có khi mình phải la như la cha mẹ già ấy, nhưng họ không giận bởi họ hiểu mình.
Đồng nghiệp bà Tuyến bảo rằng thời gian trực chốt kiểm soát dịch COVID-19, bản thân tự cách ly không lui tới được với bà con nhưng vài hôm bà Tuyến lại xách xe chạy ra, cứ đi vòng vòng xung quanh ngó thử bà con sống thế nào mới yên tâm về. Có lẽ chính cái tâm của bà nên hơn 60 hộ sinh sống ở khu liền kề, nhà nào cũng quý.
Bà con nơi đây ai cũng có số điện thoại bà Tuyến, có ai đau ốm đều gọi bà. Ông Đỗ Ngọc Ái, Phó Trưởng Ban công tác Mặt trận Chi bộ 11 (phường Hòa Hiệp Nam) cho biết, ở khu nhà liền kề hiện có hơn 50 người già tàn tật do di chứng của bệnh phong, thường xuyên đau ốm. "Hễ bà con ai đau ốm gọi là không kể đêm hôm mưa gió bà Tuyến có mặt ngay. Bệnh nhẹ thì bà chữa trị, bệnh nặng thì hỗ trợ chuyển đến bệnh viện. Bà con nơi đây ai cũng biết ơn bà Tuyến" - ông Ái nói.
Ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho người di chứng bệnh phong, bà Tuyến còn giúp chữa trị cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoàn toàn miễn phí. Trong những người bà Tuyến chữa bệnh miễn phí có ông Nguyễn Văn Lộc (71 tuổi) một mình ở trọ mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo. Bị thần kinh tọa lâu năm cộng với di chứng tai biến, chân đi không vững mà mới sau vài tháng chữa trị, ông đã tiếp tục đi làm.
Ông Lộc kể: "Hồi trước tui còn bị tụt cả lưỡi, đi đứng khó khăn. Nghe người ta nói bà Tuyến châm cứu ai cũng khỏi nên tìm tới. Bả có cái tài và cả cái đức của người thầy thuốc nên biết tui khổ chẳng lấy đồng nào. Đến châm cứu xong về có gì ngon bả cũng gói cho tui mang về".
"Ốc đảo Hansen"
Làng Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) là ngôi làng nhỏ, yên bình biệt lập dưới chân đèo Hải Vân có cảnh đẹp từng được ví là "ốc đảo Hansen". Từ những năm 1960, khi y học chưa phát triển, đây là ngôi làng ngụ cư của những người bệnh phong. Sau thời gian dài bệnh phong được chữa trị, đến năm 2012 TP Đà Nẵng có chủ trương di dời người dân làng Vân vào sinh sống trong khu tái định cư thuộc Phường Hòa Hiệp Nam (thường gọi khu nhà liền kề). Hiện tại khu tái định cư này có 63 hộ sinh sống với 170 nhân khẩu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận