23/07/2017 10:01 GMT+7

Người đàn bà lang thang khắp các nghĩa trang

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Gần 20 năm qua, bà Trần Thị Yến (52 tuổi, ngụ xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) vẫn lặng lẽ đi khắp các nghĩa trang lớn nhỏ với mong muốn giúp gia đình liệt sĩ tìm được mộ con cháu, anh em của mình.

Dù nắng hay mưa, bà Yến vẫn lặn lội đi khắp các nghĩa trang để tìm thân nhân cho liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Dù nắng hay mưa, bà Yến vẫn lặn lội đi khắp các nghĩa trang để tìm thân nhân cho liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

“Tôi viết thư này với hi vọng gia đình đọc được để đưa liệt sĩ ấy về với xứ sở, quê hương...”. Hàng ngàn lá thư tay với lời nguyện ước như thế đã được gửi đến mọi miền đất nước trong nỗi mong ngóng của “người đàn bà lang thang”.

Từ hành trình tìm hài cốt của cha

Thắp nén nhang trước di ảnh cha mình, bà Yến xúc động nhớ lại hành trình tìm cha. Ký ức của bà chỉ hiện lên qua lời kể của mẹ. Lúc bà Yến tròn 2 tháng tuổi, cha của bà đi bộ đội rồi hi sinh. Gia đình chỉ nhận được giấy báo tử rồi đặt di ảnh ông ở bàn thờ vọng.

Hơn 30 năm sau, bà con họ hàng ai nấy đều kinh ngạc khi thấy bà Yến một mình với chiếc xe đạp cà tàng lên đường tìm hài cốt của cha. Hành trang bà mang theo khi ấy chỉ vẻn vẹn có lời trăng trối cuối cùng của bà nội: “Ráng tìm được ba con. Bức thư cuối cùng ba con gửi về nhà từ K54 Nam Vang, chợ Lào”.

Lúc bấy giờ, các địa danh đã thay đổi khá nhiều nên việc tìm nơi cha hi sinh là vô cùng khó khăn. Từ Đà Nẵng bà đến Quảng Nam và sang tận đất Lào. Cứ nghe người dân chỉ ở đâu, bà lặn lội tìm đến đó. Với hai bàn tay trắng, bà đến từng nhà dân mua ve chai bán lại để kiếm lộ phí đi đường, phần để hỏi thăm thông tin đến đơn vị K54 thời chiến.

Đến đầu năm 2000, bà tìm được đồn biên phòng ADizh (huyện Tây Giang, Quảng Nam). Nhờ các chiến sĩ biên phòng nơi đây, bà tiếp tục lần tìm ra nơi chôn cất cha mình với đầy đủ giấy tờ còn nguyên vẹn. Sau hơn ba năm lặn lội khắp núi rừng biên giới, ngày tìm thấy hài cốt của cha, bà Yến ngất lịm đi vì xúc động.

Ngày trở về, bà Yến mang theo cuốn sổ ghi chép cẩn thận tên tuổi, quê quán của hàng trăm liệt sĩ trên những con đường bà đã đi qua. Bà cẩn trọng ghi thông tin trong đó vào từng lá thư tay, với nguyện vọng thiết tha tìm thân nhân của những ngôi mộ chưa có gia đình đến nhận.

Bà Yến hằng ngày thắp nhang lên bàn thờ cha mình là liệt sĩ Trần Thái - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Bà Yến hằng ngày thắp nhang lên bàn thờ cha mình là liệt sĩ Trần Thái - Ảnh: ĐOÀN NHẠN


Yến lang thang

Ít lâu sau, bà lại tiếp tục lên đường. Cứ như thế, bà lại buôn ve chai kiếm tiền đi hết ngày này đến tháng nọ. Người dân trong thôn Cẩm Toại Tây (xã Hòa Phong) bảo bà là người đàn bà lang thang. Có người còn cho rằng bà bị khùng bởi ngày ngày cứ thấy bà một mình đến ngồi hàng giờ trước các nấm mộ ở nghĩa trang.

“Tôi từng tìm ba mình cực khổ thế nào thì những gia đình liệt sĩ khác cũng vậy. Nghĩ thế nên giúp được ai thì tôi giúp. Còn mạnh khỏe ngày nào, tôi vẫn sẽ tiếp tục đi ngày ấy” - bà Yến nói chắc nịch.

Bà Nguyễn Thị Đãi (mẹ bà Yến) là người hết lòng ủng hộ bà. “Bà con làng xóm họ nói ghê lắm, mà tui một mực động viên, ủng hộ con. Vì tui hiểu hơn ai hết nỗi day dứt, trông ngóng của những người có người thân nằm lại nơi chiến trường”.

Nhận được những phản hồi đầu tiên từ thân nhân liệt sĩ, bà Yến mừng rớt nước mắt. “Chính đó là động lực để tôi tiếp tục đi” - bà Yến nói. Rồi bà lại cùng chiếc xe đạp đi đến những nghĩa trang xa hơn. Không kể ngày nắng ngày mưa, một mình bà với cuốn sổ vẫn cặm cụi trước từng phần mộ chưa “gặp” được thân nhân. 

“Có hàng trăm mộ phần vô danh hoặc thông tin mờ nhạt. Trước những phần mộ ấy, tôi lại đứng hàng giờ cầu nguyện, với chút ít thông tin tôi đăng lên các báo đài hi vọng thân nhân các liệt sĩ tìm được họ” - bà Yến ngậm ngùi.

Đến nay, bà đã đi qua hàng trăm nghĩa trang lớn nhỏ. Những nơi đặt chân đến, bà đều ghi chép cẩn thận tên tuổi, quê quán, đơn vị chiến đấu... để tối về lại lặng lẽ biên vào từng dòng thư. Hàng ngàn lá thư được gửi về cho phòng thương binh - xã hội, đài truyền hình các tỉnh, thành. Xấp phong bì cứ vơi rồi lại đầy.

Bà có vô số hành trình lặn lội cùng gia đình liệt sĩ để đưa được cha, anh em họ về quê hương. Sau các lá thư gửi đi mang tên các liệt sĩ, những lần sau đó bà nhận được những lá thư về, những lá thư cảm ơn, hỏi thăm sức khỏe của những người nhờ bà mà hoàn thành tâm nguyện đưa được chồng, cha, anh của mình về sau hàng chục năm lặn lội.

Biến nguyện vọng thành hiện thực

Nhờ những lá thư của bà, không ít người đã tìm lại được chồng, cha, anh của mình trong nghẹn ngào, xúc động.

Ông Hoàng Văn Sính (Hà Nội) cho biết: “Tôi nhận được lá thư của bà Yến với thông tin về anh trai mình ngay khi cả gia đình hết hi vọng sau thời gian dài tìm kiếm. Bà đã giúp đỡ nhiệt tình gia đình tôi trong quá trình xác nhận thông tin, thủ tục để đưa hài cốt anh trai tôi về quê nhà”.

Ông Sính còn nhớ như in những lời thư của người phụ nữ xa lạ 10 năm trước: “Tôi đã có hành trình tìm cha của mình hơn ba năm ròng rã. Tôi nghĩ chắc gia đình cũng ngày đêm mong tìm được bác. Bác đã rời quê hương vào đất Quảng rồi hi sinh anh dũng ở đây nhưng bao nhiêu năm qua chưa tìm được thân nhân. Tôi gửi vào đây thông tin của mình và thông tin về nghĩa trang nơi bác yên nghỉ. Cầu mong gia đình nhận được thư này, liên lạc để đưa bác về với xứ sở, quê hương”.

Ông Sính kể đã đọc bức thư trước đại gia đình, ai nấy đều rơi nước mắt. Phần vì vui mừng, phần vì cảm kích trước tấm lòng của một người dưng. Ngay lập tức mấy anh em ông lên đường vào Đà Nẵng tìm đến bà Yến rồi nhờ bà cùng đưa đến tận nơi. Khi gặp được mộ cha, cả bà Yến và mấy anh em ông đều bật khóc trong niềm hạnh phúc.

Ông Tán Kim (cán bộ Phòng thương binh - xã hội xã Hòa Phong) cho biết: “Tuy điều kiện kinh tế gia đình khá khó khăn song bà Yến vẫn vô tư làm công việc thầm lặng không tên này suốt mấy chục năm trời. Việc làm đáng trân trọng của bà đã giúp rất nhiều gia đình hoàn thành tâm nguyện đưa các liệt sĩ về với quê cha đất tổ”.

Bà Yến cần mẫn viết những lá thư tay gửi thân nhân liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Bà Yến cần mẫn viết những lá thư tay gửi thân nhân liệt sĩ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

 

Những trường hợp trăn trở

Dù đã giúp tìm ra thân nhân cho hàng trăm mộ liệt sĩ nhưng bà Yến vẫn luôn trăn trở trước những hoàn cảnh khó khăn, khi tìm được mộ liệt sĩ nhưng chưa chắc chắn vì không có điều kiện xét nghiệm ADN.

Cách đây 5 năm, ông Nguyễn Đình Vinh (quê Hưng Yên, hiện ngụ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) nhận được lá thư gửi từ Đà Nẵng. Lá thư được bà Yến gửi về Bắc, rồi chuyển vào miền Nam đến với gia đình ông sau mấy năm trời. 

Bức thư viết: “Trên đường đi tìm hài cốt cha mình, tôi được biết có ba mộ phần ở nghĩa trang xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, trong đó có một liệt sĩ là Nguyễn Văn Báu nhưng không xác định được phần mộ nào. Bác hi sinh ở Bệnh viện 79 huyện Đại Lộc, rồi được chôn cất cùng hai đồng đội nữa. Thư này tôi gửi đi với hi vọng mong manh lắm, nhưng tôi vẫn có niềm tin gia đình sẽ nhận được để vào gặp, xác nhận cho bác an lòng yên nghỉ”.

Nhận được lá thư khi gia cảnh khó khăn, nhưng ông Vinh cũng quyết vay mượn tiền tìm ra Đà Nẵng. Dù bà Yến đã kêu gọi giúp đỡ từ nhiều nơi nhưng vẫn chưa đủ chi phí cho ông xét nghiệm ADN. Và đến nay, hành trình vẫn còn bỏ ngỏ. 

Bà Yến nói rằng trường hợp ông Vinh là một trong nhiều hoàn cảnh khiến bà trăn trở. Cùng với việc liên hệ thân nhân liệt sĩ, bà đã nhờ các cán bộ phòng thương binh - xã hội xã, huyện ủng hộ giúp đỡ họ có điều kiện xác minh.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên