29/11/2018 10:47 GMT+7

Người đàn bà đóng tàu đi biển

LAM GIANG
LAM GIANG

TTO - Định kiến lâu nay của nhiều ngư dân là “đàn bà xui xẻo”, không cho léo hánh tới chiếc thuyền đi biển. Nhưng bà Hoàng Thị Sửu ở xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) dám vượt qua định kiến đó: mở công ty, lập xưởng đóng tàu.

Người đàn bà đóng tàu đi biển - Ảnh 1.

Bà Hoàng Thị Sửu đi qua định kiến, mở xưởng đaóng tàu - Ảnh: L.GIANG

Nằm bên chân cầu Nhật Lệ 2, Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh của bà Sửu luôn có những con tàu nằm trên đà, chiếc đóng mới, chiếc sửa chữa. Ngày nào người ta cũng thấy bà cặm cụi trên xưởng hay cùng với thợ đóng tàu bàn thảo kỹ thuật.

Phần đời buồn

Bà lớn lên trong gia đình theo nghề biển lâu đời, hình ảnh những con tàu ngày ngày ầm ì chạy qua khúc sông trước nhà để ra với biển xa là ký ức không phai trong bà.

Xã ở xa những xưởng tàu lớn, mỗi khi tàu hư hỏng, ngư dân phải tìm nơi sửa chữa rất xa, mất nhiều ngày mới ra lại biển được. Mỗi lần thấy cha và bạn nghề đưa tàu đi sửa khó khăn, nên trong cô gái mới lớn nung nấu ý định mở một cơ sở sửa chữa và đóng tàu biển ngay trong xã.

Rồi cô gái nhỏ đó lớn lên, lấy chồng, đi xuất khẩu lao động. Sau bảy năm mưu sinh nhọc nhằn nơi quê người, Sửu trở về nhà thì người chồng đã đi tìm hạnh phúc mới, cô một mình nuôi con. Những tháng ngày đau buồn rồi cũng qua.

Ý định mở cơ sở đóng tàu lại sống dậy. Sửu lúc này đã là người đàn bà có sức chịu đựng giỏi hơn sau những thăng trầm cuộc đời.

Bà tìm đến các xưởng sửa chữa và đóng tàu ở Đồng Hới, ở các huyện lân cận trong tỉnh như Bố Trạch, Quảng Trạch tìm hiểu kỹ thuật tàu biển.

Lân la ở các xưởng ngày này qua ngày khác, bà không cho ai biết mình có ý định mở cơ sở đóng tàu, vì nếu biết họ sẽ xua đuổi bởi định kiến đàn bà dính đến tàu biển là... xui xẻo vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức nhiều ngư dân.

Khăn gói lên đường học nghề, mở xưởng

Năm 2011, bà mở xưởng. Gia đình, anh em bà phản đối kịch liệt, sợ mở xưởng ra không ai đến sẽ tốn tiền bạc, mất công sức vô ích.

Còn ngư dân nhiều người nói thẳng: "Đàn bà cũng bày đặt !? Đóng tàu người ta dốc hết vốn liếng ra, lại gắn với mạng sống trên biển cả đời, ai dám cho đóng, chỉ mang xui xẻo cho người ta ra biển thôi!".

Ban đầu, những trắc trở về kỹ thuật xảy ra thường xuyên. Khó khăn bủa vây. Dù cơ sở của bà có đủ máy móc, phương tiện và thợ lành nghề nhưng bà vẫn chưa nhận được sự ủng hộ của ngư dân.

Mọi người vẫn tỏ ra e dè với xưởng... của đàn bà, sợ xui xẻo. Hai năm đầu lỗ là chính, nhiều thợ bỏ đi nơi khác.

Không nản chí, cuối năm 2012 bà khăn gói nhảy xe đò tìm đến các cơ sở đóng tàu ở Quảng Trị, rồi vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên... xin học nghề.

Có lúc chạnh lòng, bà nói với một chủ xưởng tàu ở Bình Định: "Tui muốn học nghề ni vì nhà tui cũng theo nghề đi biển bao đời rồi. Đàn bà hay đàn ông thì đóng tàu cũng bằng gỗ, bằng sắt thép thôi, chớ bằng cái chi khác mô. Tui đã khăn gói vô tới đây là tui nằm lại đây, học cho kỳ được mới ra".

Sau gần nửa năm, khi thấy đã hòm hòm về kỹ năng đóng tàu, bà Sửu trở về với xưởng đóng tàu của mình, dốc số vốn còn lại và vay thêm tiền cải tạo xưởng, mua sắm máy móc hiện đại hơn như đã thấy ở Bình Định, Phú Yên.

Không khi nào vắng tàu trên đà

Lần nữa, người đàn bà đơn thân lại tất tả tìm thợ vì thợ cũ đã bỏ đi hết. "Thành công hay không thành công tui nghĩ mình phải chứng minh việc mình làm với mọi người, chớ nói suông mãi sẽ không được" - bà Sửu nói.

Bà cải tạo xưởng, thay thế xưởng đóng tàu bằng đà dọc truyền thống ở địa phương bằng hệ thống đà ngang hiện đại hơn, mua sắm thêm nhiều máy móc. Từ đó, việc kéo những con tàu lớn lên đà không phải tốn nhiều công sức như trước. Riêng mình, bà cũng tay búa tay cưa cùng trằn lưng làm với thợ.

Dần dà những khó khăn ban đầu qua đi. Đến năm 2015, xưởng đóng tàu của bà Sửu lên doanh nghiệp, là Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh.

Nhiều ngư dân trong xã Bảo Ninh và các xã phường lân cận như Hải Thành, Quang Phú (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch)... trước đây vốn e dè với xưởng đóng tàu của... đàn bà cũng bắt đầu đưa tàu vào sửa chữa.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, chủ tàu, cho biết: "Ban đầu cũng ngại thật đó, nhưng thấy chị Sửu kêu được nhiều thợ có tay nghề về làm thì tui tin chị sẽ mần được. Bây chừ không chỉ tui, mà bạn bè đi biển của tui cũng đã đưa tàu vô xưởng của chị Sửu. Trước đây có khi bầy tui phải đưa tàu vô tận Quảng Trị sửa đó".

Tiếng lành đồn xa, từ đó đến nay xưởng đóng tàu của bà Sửu không khi nào vắng tàu trên đà. Năm 2015, khi Quảng Bình thực hiện chương trình đóng tàu đánh bắt xa bờ theo nghị định 67 của Chính phủ, nhiều ngư dân đã tìm đến cơ sở của bà đăng ký đóng tàu vỏ gỗ lớn.

Ông Trần Đình Thủy, ở xã Bảo Ninh, là người đầu tiên tin tưởng đặt bà đóng tàu.

Ông Thủy cho biết: "Có tin tưởng tuyệt đối vào năng lực và tay nghề của cơ sở chị Sửu tui mới giao toàn bộ vốn liếng cho chị đóng tàu xa bờ. Qua mấy năm đi khơi, thấy tàu rất chắc chắn, không mấy khi bị hư hỏng".

Ở xã biển Bảo Ninh, bây giờ người dân không còn gọi cơ sở đóng tàu của bà Sửu là xưởng đóng tàu của... đàn bà nữa, mà gọi thân mật là "xưởng đóng tàu chị Sửu".

Bà Sửu bộc bạch: "Đàn ông làm nghề đóng tàu biển đã vất vả rồi, phụ nữ như tui làm càng vất vả hơn. Được cái là anh em thợ họ hiểu mình, họ thương mình nên ai cũng ủng hộ, giúp mình làm được".

Đóng mới, sửa chữa cả trăm chiếc tàu/năm

đóng tàu

Những con tàu đang được sửa chữa, đóng mới tại Công ty TNHH dịch vụ tàu biển Bảo Ninh - Ảnh: L.GIANG

Từ con tàu đóng theo nghị định 67 đầu tiên ấy, đến nay cơ sở của bà đã hoàn thành thêm 4 chiếc tàu theo nghị định này cho ngư dân Bảo Ninh.

Từ năm 2015 đến nay, cơ sở đóng tàu của bà Sửu đã đóng mới được gần 40 chiếc tàu, thuyền các loại có chất lượng cao. Số lượng tàu vào sửa chữa cũng lên tới con số hàng trăm chiếc.

Kỷ lục là năm 2017, số lượng tàu cả đóng mới lẫn sửa chữa lên tới 100 chiếc. Đội thợ hơn 40 người có tay nghề cao, được trả lương "cứng" 7-8 triệu đồng/tháng, không kể thưởng.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên