Ông , người áo đen, đeo kính ở bìa phải, trong buổi tiễn đưa chuyên gia kinh tế Trần Bá Tước về nơi an nghỉ cuối cùng ngày 27-6-2013. Người ở giữa là ông Huỳnh Bửu Sơn, kế đó là ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: TỰ TRUNG
Khi gặp một vấn đề, anh sẵn sàng nói hết, nói đến tận cùng những điều mình nghĩ với một suy nghĩ của nhà khoa học, logic và uyên bác. Sự thành thật, thẳng thắn này đã tạo nên một con người thanh liêm đến tận cuối cuộc đời, đáng trân trọng.
Với tôi, những lần hai anh em ra Hà Nội để cùng góp ý cho quá trình xây dựng pháp lệnh ngân hàng theo lời mời của ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) là những kỷ niệm đẹp khó phai.
Đó là khoảng thời gian khá dài, từ tháng 3-1989 đến tháng 4-1990, khi Dự thảo Pháp lệnh ngân hàng bắt đầu được xây dựng và hoàn thiện.
Với tính cách thẳng thắn, bộc trực, anh Hoàng không phải là tuýp người dễ khuất phục, nhưng khi gặp ông Sáu Dân lần đầu, anh như gặp tri kỷ.
Anh nói hết suy nghĩ của mình về tình hình Việt Nam, về những việc cần phải làm, thậm chí chấp nhận "anh nói xong bị giữ lại, không được về nhà cũng được".
Tôi còn nhớ buổi làm việc hôm đó, thay vì 12h nghỉ thì đã kéo dài sang tận 2h chiều, mọi người đều đói bụng nhưng vẫn ngồi lại để lắng nghe ý kiến tâm huyết của anh Hoàng.
Mong ước của những con người từng làm cho hệ thống ngân hàng quốc tế lúc đó là làm sao Việt Nam có thể xây dựng được một hệ thống ngân hàng thích ứng ngay với kinh tế thị trường, với sự thay đổi cơ chế, vững mạnh hơn.
Nhưng khoảng cách giữa mong muốn và thực tế là có vì quá nhiều thứ mới mẻ khó có thể được hấp thu cùng một lúc.
Tôi còn nhớ anh Hoàng đã có một ví von rất thú vị về hoàn cảnh lúc đó: "Chúng ta đẻ một đứa con trai hi vọng nó trở thành bác sĩ, kỹ sư nhưng sau này lớn lên, nó có thể chưa được như kỳ vọng thì ít ra mình vẫn cảm thấy may mắn đứa trẻ đó lành lặn, đầy đủ bộ phận để có thể sinh sôi, phát triển thế hệ kế tiếp, vậy là vui rồi".
Anh em lúc đó đều cười và nhớ mãi.
Pháp lệnh ngân hàng Việt Nam ra đời từ nền tảng đó đã dần dần hoàn thiện hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay, đủ sức hội nhập với hệ thống tài chính quốc tế, mặc dù vẫn còn đâu đó những khiếm khuyết.
Anh luôn là người đặt ra các đòi hỏi "phải làm", vẫn muốn làm những điều người khác chưa làm được bằng cách chỉ ra những bất cập.
Trong cuộc đời anh Hoàng, không hiếm lần nổ ra những cuộc tranh luận với người khác, nhưng ai cũng hiểu và quý đức tính bộc trực của anh vì những tranh luận đó đều xuất phát từ mong muốn một Việt Nam tốt hơn.
Chuyên gia ngân hàng Lâm Võ Hoàng qua đời
Ông Lâm Võ Hoàng (áo đen, trái), người nhiều tuổi nhất Nhóm Thứ Sáu, và ông Lê Trọng Nhi, thành viên trẻ nhất của nhóm. Hai người bạn nay chỉ còn một - Ảnh: TỰ TRUNG
Chuyên gia ngân hàng Lâm Võ Hoàng vừa qua đời sáng 28-3 tại TP.HCM, thọ 86 tuổi.
Trước năm 1975, Lâm Võ Hoàng là cái tên được giới ngân hàng, tài chính, kinh tế kính trọng. Ông từng giữ chức thứ trưởng Bộ Thương mại (1965) phụ trách ngoại thương và phó tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (1968), ngân hàng lớn nhất của chính quyền miền Nam.
Sau năm 1975, ông Hoàng ở lại Việt Nam, gia nhập Câu lạc bộ Cholimex, tiền thân của Nhóm Thứ Sáu, tham gia thảo luận, nghiên cứu các vấn đề về chính sách kinh tế, tài chính.
Một trong những đóng góp lớn của ông Hoàng cùng với chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn là pháp lệnh ngân hàng, cải cách hệ thống ngân hàng Việt Nam thành 2 cấp và một thay đổi quan trọng là chức danh tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam được thay bằng thống đốc Ngân hàng Việt Nam.
Ngoài ra, ông Lâm Võ Hoàng còn là một cây bút sắc sảo, từng đóng góp nhiều bài viết trên Tuổi Trẻ ở các lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng như vấn đề dân sinh.
PHI TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận