29/04/2017 10:07 GMT+7

'Người đặc biệt' Dương Quang Đông

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG

TTO - 102 năm tuổi đời, 82 năm hoạt động cách mạng, 72 năm tuổi Đảng, nghỉ hưu ở tuổi 75, kiêm thêm công tác hội hưu trí đến tận tuổi 100, làm việc đến những ngày cuối cùng, ngần đó con số tưởng như đã đủ ấn tượng về cuộc đời ông Dương Quang Đông...

Sách viết về cuộc đời người cộng sản Dương Quang Đông luôn kiên trung tận tụy suốt đời vì dân, vì Đảng - Ảnh: TỰ TRUNG
Sách viết về cuộc đời người cộng sản Dương Quang Đông luôn kiên trung tận tụy suốt đời vì dân, vì Đảng - Ảnh: TỰ TRUNG

Ấy thế mà trong cuộc hội thảo khoa học Thành ủy TP.HCM tổ chức kỷ niệm lần thứ 115 năm ngày sinh, bác Năm Đông được nhắc đến với những ấn tượng còn sâu đậm hơn nữa...

Ấn tượng “người đặc biệt”

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Viện Lịch sử Đảng, tỏ ra hào hứng khi nhắc về những ấn tượng trong quá trình ông nghiên cứu lịch sử: “Bác Năm Đông đúng là một người ĐẶC BIỆT theo nguyên nghĩa viết hoa. Ông là người đầu tiên tham gia Công hội đỏ của Tôn Đức Thắng từ năm 1920, là người chỉ huy nổ phát súng đầu tiên bắt đầu cuộc Nam Bộ kháng chiến, là người đầu tiên kết nối mở con đường biển xuyên Tây chở vũ khí từ Thái Lan về tiếp tế cho cuộc kháng chiến, là người mở bến Lộc An, tổ chức cho con tàu không số vẽ nên đường Hồ Chí Minh trên biển...”.

Quả là những công việc quá đặc biệt của người đứng ở đầu sóng ngọn gió trong những thời điểm hiểm nghèo của đất nước, những lựa chọn sinh tử của cả đời người, nhưng trong tập hồi ký được chính tay bác Năm Đông ghi lại khi tròn trăm tuổi, những sự kiện ấy lại được kể một cách thật giản dị như là lẽ đương nhiên phải thế.

Hãy nghe ông kể chuyện về phát súng mở màn Nam Bộ kháng chiến: “21h đêm 22-9, anh em gác chạy vào báo là lính Nhật gác vòng ngoài đã rút hết, tôi biết bọn Pháp sẽ đến đánh chiếm dinh Xã Tây. Đầu óc tôi căng thẳng, lòng rối như tơ vò vì chưa biết ý kiến của Xứ ủy về vấn đề “đánh hay không?”.

Lệnh của Xứ ủy là tôi phải ở lại bảo vệ dinh Xã Tây đến phút cuối cùng. Tôi tự hỏi giờ phút ấy đã tới rồi chăng? Nếu địch đến chiếm mà bỏ chạy thì nhục này biết rửa mấy sông? Nếu đánh thì phải chăng chính tôi là người gây ra chiến tranh, không khí trong nhân dân đã ở mức không thể kiềm chế nữa. 22h đêm, Pháp đổ quân trước dinh, có cả xe bọc thép.

Anh em đòi đánh ngay không thể chờ đợi. Tôi nói lớn “Không ai được nổ súng, phải chờ lệnh của tôi”. Càng nói lớn mình càng bối rối. Tây tràn tới. Tôi giật cây súng ở một anh đứng gần tôi nhất, nhắm thẳng bóp cò. Tức thì tiếng súng nổ rộ lên... Bên ngoài, nhân dân vui mừng la vang dội: Dinh Xã Tây đã nổ súng, dinh Xã Tây đã đánh, mình đánh đi anh em...”.

Ông kể việc đi tìm bến để vận chuyển vũ khí: “Chúng tôi đi tìm con sông nào mà tàu có thể vô được. Chúng tôi đi Hồ Cốc, Bình Châu, La Gi, Kê Gà... Đêm ra bãi biển, ngày ẩn trong rừng, hết gạo thì đào củ chụp, củ mài, bột cây thiên tuế, bột lá buông và muối. Thật đúng như Tam Tạng đi thỉnh kinh...”.

Khi chọn được bến Lộc An, ông tổ chức cải tạo rồi tính đến chuyện mua tàu thì lại tiếp tục rắc rối: “Trung ương Cục không có. Tôi sang Khu 7, anh Mai Chí Thọ trút hết quỹ chỉ được 100.000 đồng. Tôi vẫn cứ lãnh và lên đường với tinh thần tự lực cánh sinh...”.

Tinh thần tự lực cánh sinh ấy là những gì còn lưu giữ trong trí nhớ mẫn tiệp tuổi 97 của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Thọ Chân. Ông kể: “Khi từ miền Bắc trở về miền Nam năm 1950 qua ngả Lào, Thái Lan, tôi đã được tiếp xúc với đội vận chuyển vũ khí của anh Năm Đông. Thiên nan vạn nan mà tinh thần cao vút”.

“Tiếng xấu tràn đồng thì nghỉ đi”

“Bác Năm là con người hiền hậu, mềm mỏng nhưng lại rất kiên quyết trong bảo vệ lợi ích nhân dân - ông Lê Quang Thành, nguyên bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo, kể lại một kỷ niệm đặc biệt - Một lần bác đến gặp tôi để góp ý về trọng trách quản lý nhà đất, tỏ ra rất không hài lòng về việc cơ quan lãnh đạo đặc khu dùng quyền lực không có căn cứ pháp lý để tịch thu tất cả nhà nghỉ, biệt thự tư nhân của khu du lịch Lam Sơn, dành cho Xí nghiệp liên doanh dầu khí Vietsovpetro làm nơi ăn ở, và cũng để đảm bảo an toàn cho căn cứ quân sự đặc khu trên Núi Lớn...”.

Ông cũng nhắc lại ấn tượng ở Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986 mà ông là đại biểu. Ông Dương Quang Đông khi ấy ngoài 80 tuổi, cũng là đại biểu chính thức của TP.HCM. Tại diễn đàn, ông Năm Đông đã lên phát biểu hết sức tâm huyết về tình hình đất nước, về những trì trệ, những khuyết điểm, sai lầm mà Đảng và Nhà nước đã mắc phải trong giai đoạn vừa qua. Cả hội trường đã hoan nghênh nồng nhiệt.

Những người đi sau cũng được nghe về tính trung thực, thẳng thắn rất Nam Bộ của ông Năm Đông. PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhắc lại một câu chuyện mà ông thu thập được trong quá trình nghiên cứu: “Ông Dương Quang Đông luôn bày tỏ thái độ rất kiên quyết với những cán bộ có hành động sai trái, nêu tấm gương xấu cho mọi người. Ông có lần nói thẳng với một cán bộ cao cấp: “Đồng chí nghỉ đi. Làm lãnh đạo mà tiếng xấu tràn đồng, nếu có làm thêm cũng chỉ có hại cho uy tín của Đảng mà thôi”...”.

Bác Năm Đông đã sống như vậy. Tuổi 100 vẫn còn viết những lời tâm huyết để lại. Tuổi 100, ông bán căn nhà, dành 40 cây vàng ủng hộ bà con miền Trung đang điêu đứng vì cơn đại hồng thủy năm 1999.

Nghĩ đến ngày ra đi, ông cùng các cán bộ lão thành ký tên vào lời tâm nguyện: “Xin các đồng chí, bạn bè, thân bằng quyến thuộc có lòng đến viếng vui lòng không đi vòng hoa, trái cây mà có thể chuyển thành tiền để góp phần cứu giúp hàng trăm người mù nghèo...”. Đám tang của ông là đám tang không có vòng hoa và hơn 200 người mù nghèo đã được mổ thay thủy tinh thể, thấy lại được ánh sáng từ số tiền phúng viếng.

“Một người đồng chí, một người anh tận tụy, chân thành mà tôi khó tìm lại được ở người khác” - ông Nguyễn Thọ Chân nhắc nhớ về ông Năm Đông như vậy...

Dòng cuối cùng để lại

Ngày 28-4, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Dương Quang Đông - Người cộng sản kiên trung tận tụy suốt đời vì dân, vì Đảng”. Tham dự có Ủy viên Trung ương Đảng - Phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải, các bậc lão thành cách mạng, các nhà nghiên cứu, những bạn bè, đồng chí từng có thời gian cùng công tác, gặp gỡ ông Dương Quang Đông.

Phát biểu tại hội thảo, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Thân Thị Thư bày tỏ: “Nói về đồng chí Dương Quang Đông - bác Năm Đông - là nói về một cuộc đời trải dài hai thế kỷ với 80 năm hoạt động cách mạng. Bác Năm đã gắn trọn đời mình với lý tưởng cộng sản, với sự nghiệp của Đảng, của nhân dân. Suốt đời ông cống hiến không gợn một chút lợi danh, không màng một chút quyền lực. Ông luôn khiêm tốn, chan hòa, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế”.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang xúc động khi nhắc về những dòng hồi ký của bác Năm Đông: “Những lúc tình hình cách mạng vô cùng khó khăn, hoạt động tại Sài Gòn, ông đã nghĩ đến việc sẽ phải hi sinh nhưng rồi lại tự nhủ: Nếu có bị bắn, có chết, tôi cũng quyết giữ sao cho trọn nghĩa với Đảng, với dân chứ không chịu bỏ cuộc giữa chừng”.

Ông Tất Thành Cang đọc lại những dòng cuối trong cuốn hồi ký tuổi 100 ông Dương Quang Đông để lại: “Là một đảng viên sống trên đời tròn một thế kỷ, tôi rất mong các đồng chí mình hết lòng hết dạ thực hiện di chúc Bác Hồ, để Đảng tin yêu, nhân dân kính trọng. Chỉ có thế mới xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong của giai cấp công nhân, mới xứng đáng với lòng tin của đồng bào, đồng chí. Và chỉ có thế nước ta mới được trường tồn, giàu mạnh. Dân ta mới được hạnh phúc trong độc lập và tự do”.

Không nghĩ đến quyền lợi của mình

Ông Võ Anh Tuấn, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, lại nhắc mãi về đức tính khiêm tốn, tất cả vì sự nghiệp chung của ông Năm Đông. Những ngày tăm tối sau khởi nghĩa Nam Kỳ, máu nhuộm đỏ đất vì những cuộc khủng bố, truy tìm người cách mạng. Ông Dương Quang Đông vượt ngục Tà Lài, về mướn chiếc xe kéo chạy khắp Sài Gòn, cặm cụi tìm từng đồng chí, gây dựng lại từng cơ sở.

Đảng bộ Nam Kỳ hồi phục mau chóng, tổ chức đại hội thành lập Xứ ủy. Được số phiếu cao nhất bầu làm bí thư, ông Năm Đông nhận với một đề nghị: “Tôi chỉ nhận tạm thời chức vụ bí thư Xứ ủy, chờ khi tìm được đồng chí Trần Văn Giàu sẽ trao lại vì Giàu mới là người đủ tài trí và bản lãnh để đảm nhận chức vụ này”.

“Anh Năm Đông không bao giờ nghĩ đến quyền lợi của mình, chỉ nghĩ đến lợi ích chung, kể cả khi việc được giao cho anh không xứng tầm với chức vụ anh đang giữ” - ông Võ Anh Tuấn nhắc lại. Hồi ký của ông Năm Đông có chép lại một chuyện: “Năm 1965, tình hình chiến sự miền Nam vô cùng căng thẳng, biệt kích Mỹ ngày đêm chặn đường, đón truông, đường giao liên du kích không đi được. Tài liệu của Trung ương Cục bị ứ đọng, cán bộ các khu và tỉnh không về cứ được.

Đồng chí Phạm Hùng gọi tôi: “Anh từng làm giao liên từ thời Bác Tôn ở miền Nam, anh chuyên môn dùng tàu xe và phương tiện của đối phương đi công tác. Anh lại là Xứ ủy Nam Kỳ. Nay nếu đưa anh làm giao liên, anh có nghĩ gì không?”. Tôi nói: “Tôi cũng như anh, việc nào có lợi cho Đảng, cho dân thì mình làm chớ có gì đâu”. Thế là tôi được phân công làm phó ban giao liên phụ trách giao thông công khai...”.

PHẠM VŨ - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên