Người dân Đà Nẵng đến tiễn biệt ông Nguyễn Bá Thanh - Ảnh: Đ.Nam |
Tối qua, có thêm rất nhiều người dân đến tiễn biệt ông Thanh. Nhiều người không vào được nhà đã đặt lại bó hoa cúc tưởng nhớ trước hàng rào nhà ông Thanh.
Bà Ngô Thị Cẩm, một người đến chia sẻ với gia đình ông Thanh, cho hay bà biết ơn ông Thanh là vì trước đây ông đứng ra giải quyết cho gia đình bà một căn chung cư.
“Tôi là phụ nữ đơn thân, thu nhập lại thấp. Nhiều lần nộp đơn xin chung cư theo chính sách của thành phố nhưng không được. Tình thế khổ quá, tôi bèn xuống nhà ông trình bày hoàn cảnh. Vài tháng sau tôi được thông báo tới nhận nhà” - bà Cẩm nói.
Người kiến tạo nên Đà Nẵng
Chiều 13-2, khi chúng tôi liên lạc thì ông Huỳnh Năm, nguyên chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói như muốn khóc.
Ông Năm tâm sự rằng ông rất đau đớn khi nghe tin ông Thanh từ biệt cõi đời. “Hồi tôi làm phó chủ tịch thì anh Thanh làm chủ tịch, lúc anh Thanh lên làm bí thư thì tôi qua làm chủ tịch thành phố. Ở thành phố này bây giờ chúng ta không bao giờ có thể kể hết được công lao đóng góp của anh Thanh".
"Từ những việc lớn như xây dựng cầu đường, mở mang phố xá cho đến những việc mở con hẻm, xóa khu nhà chồ ven sông... đều có bóng dáng của anh Thanh. Còn với người nghèo, người yếu thế ở thành phố, anh Thanh luôn dành sự quan tâm yêu thương đặc biệt. Vì sao dân thương tiếc, đau xót khi anh Thanh ra đi, vì đơn giản anh đã làm được việc cho dân” - ông Năm xúc động nói.
Theo ông Năm, ông Thanh là một người tài năng, trí tuệ, dù cuộc sống, công việc có lúc còn việc này việc kia khiến ai đó chưa hài lòng, nhưng ông Thanh là người biết lo cho đại cuộc.
“Để có được một Đà Nẵng như ngày hôm nay là công lao đóng góp của tập thể lãnh đạo và nhân dân, trong đó anh Thanh là người có công lớn, đặc biệt nhất. Anh ấy là người dẫn đường, kiến tạo ra những điều mới mẻ, những quyết sách đúng đắn, táo bạo, những giá trị tốt đẹp để cho thành phố có được bộ mặt khang trang như ngày hôm nay” - ông Năm chia sẻ.
Còn về kỷ niệm của ông và ông Thanh thì ông Năm nói sẽ không bao giờ quên được. “Tôi về hưu hơn 10 năm rồi, năm nào anh Thanh cũng đến thăm tôi. Ngày 28 tết năm ngoái, anh đến thăm tôi, bước vào sân anh bảo: “Sao dạo này Năm gầy ốm rứa, cố giữ sức khỏe nghe Năm”. Vậy mà ai ngờ giờ anh đi trước tôi” - ông Năm nghẹn ngào.
Kỹ sư Phạm Phú Hòa, một người bạn của ông Thanh thời cùng là học sinh miền Nam trên đất Bắc, cũng không nói nên lời khi biết tin ông Thanh ra đi.
“Như thường lệ, cuối năm bạn bè học sinh miền Nam chúng tôi đều tổ chức gặp mặt chúc tết các thầy cô. Năm nào anh Thanh cũng có mặt, dù làm lãnh đạo nhưng anh sống chan hòa, nhiệt thành với bạn bè, thầy cô cũ. Ngày hôm qua (12-2), bạn bè thầy cô chúng tôi gặp nhau, ai cũng thương nhớ, đau buồn khi anh Thanh lâm bệnh” - ông Hòa kể.
Những dấu ấn Nguyễn Bá Thanh
Sau khi lên nắm chức chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vào năm 1997, ông Thanh đứng ra vận động người dân đóng góp tiền cùng xây cầu Sông Hàn - công trình đánh dấu bước trở mình đưa Đà Nẵng phát triển về hướng biển.
Cùng thời điểm này, ông Thanh đưa ra chủ trương xóa nhà chồ ven sông Hàn. Việc xóa toàn bộ nhà chồ là bước đi táo bạo, một cuộc vận động dân được sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân.
Sau đó, ông Thanh chủ trương mở rộng các tuyến đường trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Đống Đa, Nguyễn Văn Linh, Điện Biên Phủ... Chính ông Thanh ra kêu gọi người dân hiến đất để mở các tuyến đường này.
Từ năm 2000 trở đi, ông Thanh biến Đà Nẵng thành một đại công trình khi tiến hành mở rộng không gian đô thị. Hàng ngàn dự án, khu dân cư được triển khai, có trên 100.000 hộ dân phải di dời giải tỏa để sắp xếp lại đô thị. Công cuộc sắp xếp, mở rộng đô thị, di dời dân đôi khi vấp phải khó khăn trong công tác thu hồi đất.
Có nhiều cuộc phản đối tập thể nhưng ông Thanh luôn trực tiếp tới thuyết phục người dân và được đại đa số đồng tình. Có thể nói dưới thời ông Thanh, số người bị thu hồi đất rất lớn nhưng lại không có nhiều người đi khiếu nại, hầu hết các hộ dân sau khi giải tỏa đều có được cuộc sống tốt hơn.
Từ năm 2005 trở đi, ông Thanh đưa ra chủ trương xây hàng loạt cầu bắc qua sông Hàn gồm cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Trần Thị Lý, cầu Tuyên Sơn... Tất cả công trình này đã đưa thành phố Đà Nẵng hướng mặt ra biển, từ đó chuyển dịch hướng phát triển kinh tế du lịch, biến thương hiệu du lịch Đà Nẵng trở nên nổi tiếng.
Năm 2008, ông Thanh vận động tiền xây dựng Bệnh viện ung thư Đà Nẵng. Sau hơn ba năm vận động được hơn 1.000 tỉ đồng, bệnh viện đã xây dựng hoàn thành để chữa trị miễn phí cho người nghèo.
Đây là công trình rất nổi tiếng bởi người nghèo được chăm sóc sức khỏe bằng tiền của các nhà hảo tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận