27/01/2019 14:06 GMT+7

Người 'cứu' nhà rường cổ

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Mấy năm nay, cái tên Lê Văn Vĩnh không còn xa lạ và được nhiều chủ đầu tư trên các nước tin tưởng đặt hàng làm nhà gỗ. Bất kỳ công trình lớn hay nhỏ ông đều tham gia đục đẽo, bố trí. Hiện ông có đội thợ hơn 300 anh em.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 1.

Ông Vĩnh và những vật dụng được trưng bày lưu giữ trong Bảo tàng Ẩm thực xứ Quảng - Ảnh: B.D.

Có cái người ta bỏ đi, từng mảnh tôi đi nhặt về, cất giữ lại rồi lắp ghép thành ngôi nhà cổ hoàn chỉnh. Phải có cơ duyên mới làm được, gặp được.

Ông

Dọc quốc lộ 1A đoạn qua thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có một khu trưng bày, trình diễn .

Vào bên trong, ngoài những gian nhà cổ làm khách choáng váng về độ tỉ mỉ, trình độ khắc tạc thì còn có cả một “bảo tàng văn hóa xứ Quảng” với đủ thứ quang gánh, bếp đất, vung nồi, xoong chảo...

Ông chủ những cơ ngơi này là Lê Văn Vĩnh - từng là nghệ nhân nhận danh hiệu sớm nhất trong làng mộc Việt Nam. Ông Vĩnh là tổng giám đốc, nhưng chính xác mà nói, ông là một người thợ, "người nhặt ve chai"...

Làm sống lại các nhà cổ bị đổ bỏ

Ông Vĩnh là tổng giám đốc Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse - người đặt dấu đục ở hầu hết công trình nhà cổ, nhà gỗ trên đất nước như Làng cà phê Trung Nguyên ở TP Buôn Ma Thuột, các biệt phủ ở Huế, khu du lịch Bà Nà ở Đà Nẵng, khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô...

Ông được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu nghệ nhân làng nghề khi mới 28 tuổi - là một trong những nghệ nhân ngành mộc trẻ nhất Việt Nam lúc đó.

Ông Vĩnh nói vị trí tổng giám đốc của mình chỉ là thủ tục để thực hiện các giao dịch hợp đồng, điều hành công việc, chứ ông vẫn được giới nhà gỗ cổ gọi là nghệ nhân.

Một nghệ nhân thứ thiệt bỏ ngang con đường học hành từ ngày học cấp III để vác đục theo nghiệp đồ gỗ của làng mộc Kim Bồng và khi thành công đã giúp làng mộc này giữ lấy nghề.

"Nhiều người gọi tôi là dân buôn đồ cổ. Tôi không thích điều đó và nếu nói như thế là không hiểu tâm huyết, công sức của tôi. Tôi là người đi nhặt ve chai, thứ gì người ta vứt đi, bỏ xó thì tôi khơi lên, rửa sạch và hướng dẫn cho chủ nhân bảo quản.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 3.

Công nhân làng nghề Kim Bồng phục chế một gian nhà cổ trong xưởng của ông Lê Văn Vĩnh - Ảnh: B.D.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 4.

Đồ dùng sinh hoạt thường ngày bị vứt bỏ nhưng ông Vĩnh đã đưa về để sưu tầm, thực hiện dự án bảo tàng văn hóa xứ Quảng - Ảnh: B.D

Khi họ quyết tâm vứt đi, tôi mang về lắp ghép lại, đặt đúng nơi đúng chỗ để giữ lại những thứ không giá trị về vật chất nhưng chứa cả một câu chuyện, bề dày văn hóa" - ông Vĩnh nói khi đứng trước một ngôi nhà cổ ông vừa hoàn thành sau nhiều năm tích cóp từng miếng gỗ, từng thanh kèo, đường đục.

Gia đình ông Vĩnh có nhiều người theo nghề mộc nhưng cha ông thì không. Vĩnh lớn lên trong ngôi làng mà ở đó người ta được nghe hằng ngày những tiếng ghè đẽo, âm thanh lách cách của tiếng đục, tiếng mài.

Khi đang học cấp III, gia đình có biến cố lớn khiến Vĩnh phải nghỉ học giữa chừng và nghề mà ông chọn để lập thân là cầm đục theo người làng đi làm mộc.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 5.

Một mái nhà đặc trưng vùng nông thôn Quảng Nam được ông Vĩnh đưa về trưng bày tại Khuôn viên Vinahouse tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: B.D

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 6.

Một mẫu vật nhà cổ được thợ làm tỉ mỉ, ông Vĩnh đã dày công sưu tầm về được trong khuôn viên trưng bày nhà cổ - Ảnh: B.D

Nghệ nhân Lê Văn Vĩnh kể rằng trên cả nước không ai không nghe danh mộc Kim Bồng của Quảng Nam. Ở làng này, cái năng khiếu bẩm sinh như gia truyền, có trong máu từng thanh niên khi lớn lên.

Bởi vậy mấy năm cầm đục đi lang thang khắp từ Nam tới Bắc để làm nhà gỗ, nhiều người mê mẩn tay đục của Vĩnh và muốn đưa anh đi khỏi Kim Bồng để tận dụng tài năng. Tuy nhiên, khi thành thạo nghề đục đẽo, Vĩnh quay về làng và mở một xưởng mộc nhỏ.

Một buổi chiều, ông về làng thì thấy một người đàn ông chở xe kéo, trên thùng xe là một mớ những cột kèo, chái nhà cũ được chất giống như củi.

"Tôi hỏi mới biết ông già đó đang chở cột gỗ để xẻ nhỏ ra. Tôi bảo ông dừng lại cho tôi xem những hàng cột đã qua trăm năm, có lẽ phải rất nhiều đời. Rồi tôi bảo ông ấy đổi cho tôi để lấy gỗ mới. Và ông đã đồng ý".

Câu chuyện ngôi nhà cổ đầu tiên của ông Vĩnh xuất phát như thế và tới nay ngôi nhà đầu tiên ấy vẫn được ông lưu giữ, đặt trong khuôn viên vườn nhà mình. Phải nói là nó đẹp một cách khó cưỡng, dường như có linh hồn, vững chãi và ấm cúng...

Khi ông làm sống lại ngôi nhà cổ, cả những nghệ nhân lão luyện của Kim Bồng cũng tấm tắc và dành những lời khen cho khả năng kết nối các tấm gỗ cũ rời rạc của ông thành một công trình mang đầy nhựa sống.

Từ những lời khen này, ông quyết tâm đi "nhặt ve chai" là những mẩu nhà cổ rời rạc để phục chế.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 7.

Với sự dày công tâm huyết của ông Vĩnh, làng Mộc Kim Bồng đã có cơ hội thêm phát triển - Ảnh: B.D

Đôi mắt chuyên nghiệp

"Đứng ở xa, chỉ cần nhìn chóp mái hoặc một thanh gỗ bắc giữa nhà tôi có thể đọc chính xác đó là ngôi nhà gỗ ở vùng nào, xứ nào, thợ Huế hay thợ Nam Định, thợ Quảng Nam đục đẽo. Một nhát đục cũng mang máu của văn hóa từng vùng.

Đó là cái hay của nhà cổ và tôi không bao giờ dứt ra được dù đã đặt chân đi hết các làng quê trên đất nước này" - ông Vĩnh nói.

Mấy năm nay, cái tên Lê Văn Vĩnh không còn xa lạ và được nhiều chủ đầu tư trên các nước tin tưởng đặt hàng làm nhà gỗ. Bất kỳ công trình lớn hay nhỏ ông đều tham gia đục đẽo, bố trí.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 8.

Một hiện vật thường dùng trong nhà cổ xưa được ông Vĩnh dày công sưu tầm - Ảnh: B.D

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 9.

Một không gian gợi nhớ hình ảnh thôn quê trong khuôn viên Vinahouse của ông Vĩnh - Ảnh: B.D

Trong tay ông hiện có đội thợ hơn 300 anh em, có người đi theo ông từ lúc cơ hàn tới nay, nhưng cũng có nhiều người ở các làng nghề Quảng Nam được ông tìm tới gọi về, trao giấy nhám, dùi gỗ, đục... để cùng ông làm nhà cổ.

Những ngôi nhà gỗ, những công trình của ông luôn tạo ra một lượng lớn công việc và đi liền đó là thu nhập lớn cho người dân làm mộc, đặc biệt là đưa tên tuổi làng mộc Kim Bồng tiến xa hơn để "đánh" nhà gỗ lấn qua các vùng vốn trước đây là lãnh địa của các làng nghề khác.

Dù sống bằng nghề làm nhà gỗ nhưng đam mê chính của ông Vĩnh vẫn là phục chế nhà cổ. Trước sự thay đổi về kiến trúc đô thị, nhiều làng quê đang "chảy máu" nhà cổ, chủ nhà thích làm nhà kiên cố, hiện đại nên phá bỏ những ngôi nhà gỗ cũ đã ở nhiều đời.

Ông Vĩnh đã tạo được một kênh kết nối để "lượm" lại các đồ gỗ cũ bị vứt đi đó, phục chế nhà cổ.

Bảo tàng nhà cổ

Tháng 4-2014, UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định công nhận "Không gian nhà Việt Nam Vinahouse" của ông Vĩnh là Bảo tàng kiến trúc nhà cổ Việt...

Bảo tàng gồm 18 nếp nhà cổ xưa độc đáo của người Việt và 15 công trình nhà gỗ từ Bắc, Trung, Nam... trên diện tích hơn 11.000m2.

Người cứu nhà rường cổ - Ảnh 10.

Một trong hàng ngàn hiện vật có giá trị phục vụ không gian nhà cổ được ông Vĩnh dày công sưu tầm - Ảnh: B.D

Tại đây, nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu được Vinahouse phục dựng nguyên vẹn như: mẫu nhà duy nhất sưu tầm theo mẫu nhà Kim Bồng, nhà tam gian tứ hạ 200 năm tuổi có số cột nhiều nhất Quảng Nam (108 cây cột), nhà chờ thuyền, nhà tranh tre một gian hai chái, khu nhà sàn Cơ Tu, nhà vọng nguyệt bát giác, nhà lục giác, nhà bát giác cung đình Huế, nhà nhất gian tứ hạ Quảng Trị, một gian hai chái Quảng Bình, nhà lá mái Bình Định, nhà tứ giác và lục giác Nam Bộ, nhà bát giác và nhà ba gian hai chái Bắc Bộ...

Bảo tàng ẩm thực xứ Quảng

Tháng 12-2018 vừa qua, một thông tin gây sự chú ý với giới làm bảo tồn, đam mê văn hóa xứ Quảng: Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam cấp phép cho một Bảo tàng Ẩm thực xứ Quảng.

Đây là bảo tàng chuyên về ẩm thực đầu tiên của Quảng Nam để tôn vinh các món ăn đặc trưng xứ Quảng, trong đó có món mì Quảng.

Nhiều người bất ngờ khi biết ông Vĩnh chính là người sở hữu bảo tàng tư nhân này.

Bước vào bảo tàng, nhiều người sẽ choáng ngợp với hơn 5.000 hiện vật có liên quan đến lịch sử ra đời, hình thành các món ăn, trong đó chủ yếu là lịch sử mì Quảng được ông Vĩnh kỳ công lượm lặt đưa về.

"Tôi đã thống kê được 10 giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm, trước đây là những nơi các thợ nấu mì Quảng lấy nước về nấu mì.

Các giếng này đã bị bồi lấp, tôi tìm lại rồi cho khai quật và đưa về trưng bày trong bảo tàng để sắp tới cho ra mắt khu Dinh trấn mì Quảng - một trong những dự án lớn trong giấc mơ sưu tầm văn hóa xứ Quảng của tôi" - ông Vĩnh nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên