18/08/2019 11:35 GMT+7

Người 'cưu mang' chim trời

CHÍ CÔNG
CHÍ CÔNG

TTO - Ở xã Long Bình, thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, hơn 40 năm qua người dân luôn tỉ tê về cách làm "quái lạ" của một người vì đã dày công trồng cây lập vườn cưu mang hàng trăm ngàn con cò, con vạc...

Người cưu mang chim trời - Ảnh 1.

Một góc vườn cò ở của gia đình ông Mười Thỏ

Ông là Huỳnh Mười Thỏ, năm nay đã 84 tuổi nhưng sáng hay chiều đều đi thăm vườn. Hôm nào cò, vạc đi ăn rồi lũ lượt bay về thì ông vui. Ngược lại, ông buồn. Cứ thế, mỗi ngày một ít, đến nay tình cảm của ông dành cho lũ chim trời càng thêm sâu đậm.

Nhường đất cho chim ở

Ngồi bệt xuống chiếc ghế đá, ông Mười Thỏ đưa đôi mắt nhìn mảnh vườn mà lũ chim cò đang đậu trên cây rồi hồi tưởng những ngày đã qua của một thời trai trẻ. 

Những năm 1960, ông cùng vợ là bà Nguyễn Thị Tòng đến vùng đất lung ở ấp Tân Bình (hay gọi xã Tân Long cũ) sinh sống. Thời điểm này, mảnh đất của vợ chồng ông ở cũng bị bom đạn cày xới tan tành. Tuy nhiên, với đôi bàn tay cần cù lao động, vợ chồng ông đã biến đất hoang thành đất lành bội thu. Đặc biệt, chim cò từng đàn lũ lượt kéo về làm tổ trú ngụ.

"Khi tiếp nhận thì mảnh đất rộng hơn 10 công của tôi dường như nát vụn, lổm chổm lổ loang. Vợ chồng tôi mới tính toán dưới đào ao nuôi cá, trên trồng cây lâu năm, lấy gỗ để sau này con cái đứa nào muốn xài gì thì xài. Đột nhiên, không biết từ đâu chim cò bay về xây tổ ngày một đông và chúng sinh sôi nảy nở đến tận bây giờ" - ông Mười Thỏ nói.

Theo ông Mười Thỏ, kể từ năm 1977, hàng ngàn con cò ốc, cò nhạn, cò mỏ vàng, cò xám, vạc, diệc... về đậu đầy vườn tre của gia đình ông trong khi ở địa phương vườn hoang thì rộng bao la, lại có thêm khu rừng tràm Mỹ Phước cách chỗ ông ở không xa nhưng chúng không ở. Vì vậy, ông Mười Thỏ nhủ rằng: "Đó là duyên trời cho". 

Và để giữ cái duyên này, ông Mười Thỏ quyết định để hoang phần đất vườn rồi đi làm mướn, giữ trâu, cấy lúa... đến nuôi heo, nuôi vịt kiếm sống, chứ quyết tâm không khai phá đất vườn nhà vì phải nhường cho lũ chim.

Để tránh những người trộm chim, một mặt ông bà Mười Thỏ gặp họ khuyên bảo, mặt khác không ngần ngại bỏ tiền ra mua dây chì gai bao quanh khu vườn. Đồng thời, ông Mười Thỏ cũng biến thành "vệ sĩ" của lũ chim trời khi bất kể khuya sớm thế nào cũng đốt đèn đi kiểm tra. Bởi vì đối với vợ chồng ông, lũ chim không khác gì đám con cái trong gia đình.

Người cưu mang chim trời - Ảnh 2.

Vợ chồng ông Mười Thỏ bên vườn cò của gia đình

Niềm vui tuổi già

Vườn cò của gia đình ông bà Mười Thỏ nằm trên tỉnh lộ về thị xã Ngã Năm. Bao quanh vườn cò ở là những cánh đồng lúa xanh mướt chạy hút cả tầm mắt. Mỗi khi nắng ngả xế tà, hàng trăm ngàn con cò, con vạc... bay về đậu trắng xóa trên vườn để tô điểm cho cả một vùng quê nghèo hẻo lánh. "Hồi đó, mỗi khi chiều về, vợ chồng con cái trải chiếu ra đất ngồi ngắm chúng bay về tổ ngủ. Nghe âm thanh chúng kêu mà thấy ấm áp, hạnh phúc" - bà Tòng nói.

Có lẽ "dàn nhạc giao hưởng" của chim ấy vợ chồng ông bà Mười Thỏ đã nghe quen tai. Vì thế, dù tuổi đã cao nhưng thói quen ngóng chờ cò về vẫn còn mãi. Bà Tòng bảo bao nhiêu thế hệ chim cò ra đời là ngần ấy thời gian chúng gắn chặt với ký ức vui, buồn về những ngày đã cũ của vợ chồng bà. Nhớ nhất mỗi khi cực ăn, cả gia đình ông bà không ít lần "ăn hôi" cá, tép của cò, của vạc mang về rơi vương vãi trên mảnh vườn.

Hơn 10 năm nay, vợ chồng ông Mười Thỏ bán vé tham quan vườn cò với giá 5.000 đồng/người. "Chủ yếu chúng tôi lấy số tiền ít ỏi đó giúp đỡ người nghèo. Ai ốm đau bệnh hoạn cũng có cái để cho" - bà Tòng nói.

Chủ tịch UBND xã Long Bình Lê Văn Mau nhìn nhận đến nay, ở địa phương thì vườn cò của gia đình ông Mười Thỏ vẫn còn giữ nguyên nét hoang sơ. Chim cò ở đông và thỉnh thoảng cũng có khách du lịch ở những địa phương khác ghé tham quan.

"Dự kiến nếu xây dựng du lịch sinh thái địa phương thì chúng tôi sẽ gắn liền với địa điểm tham quan vườn cò của gia đình ông Mười Thỏ. Một mặt, chúng tôi muốn gìn giữ và bảo vệ động vật hoang dã. Mặt khác, có thể phát triển đa dạng sản phẩm và địa điểm tham quan của ngành du lịch sinh thái miệt vườn sở tại" - ông Mau cho biết thêm.

Người nuôi chim trời giữa lòng  thành phố

TTO - Có một người không vợ con, mưu sinh vất vả bằng nghề bán cây kiểng dạo. Ấy vậy mà lúc nào ông cũng dành tiền để mua lúa gạo, bánh cho hàng trăm con chim bồ câu và se sẻ. Đó là ông Nguyễn Văn Chương, 56 tuổi, ngụ phường An Bình, TP Cần Thơ...

CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên