19/11/2011 03:15 GMT+7

Người của đổi mới

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - Ông Hai Chí nay đã tuổi 84, đã mắc nhiều thứ bệnh tuổi già. Ấy vậy mà tin ông mất vẫn là một bất ngờ với bạn bè, đồng chí và cả người thân.

22NWt445.jpgPhóng to

Bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí biểu dương các em học sinh giỏi tại buổi trao học bổng trong chương trình “Vì ngày mai phát triển” do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào tháng 6-1991- Ảnh: N.C.T.

Bất ngờ là vì chỉ mới đây thôi, ông còn mời người này, người kia đến văn phòng của mình để trao đổi, chuyện trò. Mới đây thôi, những người thân thiết còn được ông gửi tặng tập sách Tư liệu tham khảo do mình tự biên soạn. Và mới chủ nhật vừa rồi, ông vẫn còn nắm tay đùa giỡn, cười vui với cô bé bốn tháng tuổi, cháu đầu tiên gọi ông bằng ông cố... Và ông cứ thế ra đi. Nhẹ nhàng. Thanh thản.

Phòng làm việc sáng đèn

Hỗ trợ bà con người Hoa

Bà Lý Kim Mai - người Hoa, chủ tịch Hội Khuyến học Q.5, TP.HCM - kể: “Khi còn làm công tác phụ nữ của Q.5, tôi có nhiều điều kiện được tiếp xúc với chú Hai Chí. Ở Q.5, người Hoa chúng tôi khá đông. Chú Hai rất quan tâm giúp đỡ và hỗ trợ bà con rất nhiều. Với bà con người Hoa, chú Hai như người cha, người anh. Chú rất bình dân, giản dị và chân tình, lúc nào cũng vui vẻ, cười thân thiện. Đi đâu mình chưa kịp hỏi thì chú đã hỏi mình trước. Dấu ấn lớn nhất của chú Hai với người Hoa là khi Công ty Xuất nhập khẩu và đầu tư Chợ Lớn (gọi tắt là Cholimex, công ty đầu tiên ở Q.5 làm kinh tế) được thành lập, quận ủy cử một đồng chí đảng viên là người Hoa làm lãnh đạo. Khi đó đất nước mình chưa đổi mới, còn bao cấp nên có rất nhiều khó khăn cho người làm kinh tế. Chú Hai Chí bảo: “Tụi bay cứ làm đi. Miễn sao làm tốt cho đất nước mình, cho dân mình, cho quận mình thì không lo gì hết”. Nhờ có sự hỗ trợ hết mình của chú Hai mà đội ngũ cán bộ, công nhân viên rất yên tâm. Và bây giờ mới có một Cholimex lớn mạnh như vậy”.

MY LĂNG ghi

Dù đã nghỉ hưu từ 15 năm nay nhưng trong trụ sở Thành ủy TP.HCM vẫn luôn có một phòng làm việc riêng dành cho ông Hai Chí, lúc trước là ở tầng 2, sau này chân ông yếu nên dời xuống tầng trệt. Phòng làm việc ấy ông vẫn đến đều đặn vào 8g sáng, vẫn chất đầy sách vở, tài liệu, vẫn luôn có những bản thảo dang dở chờ buổi làm việc kế tiếp. Một trong những bản thảo cuối cùng là phác thảo bài tiểu luận “Những tháng năm lịch sử đầy bất trắc” chi chít dấu gạch.

Ông đã đánh số tám phân đoạn lịch sử, dự định sẽ nhìn lại và phân tích những biến động lớn của đất nước từ sau ngày thống nhất năm 1975 cho đến thập niên 1990. Việc này đã có nhiều người làm, nhiều người viết, nhưng ông vẫn quả quyết: “Viết nữa, nhìn lại nữa vẫn không thừa, chỉ có lợi mà thôi. Kết thúc cuộc chiến tranh, những tưởng xã hội sẽ êm ả, yên vui, có ai ngờ lại gặp nhiều trắc trở, đau lòng đến thế. Lại chiến tranh, lại phân ly, rồi thêm suy sụp kinh tế, khủng hoảng tinh thần, mất chỗ dựa... Thêm 20 năm nữa, và chúng ta đã vượt qua một cách ngoạn mục. Nhìn lại để tự tin tiếp tục đương đầu với những khó khăn trước mắt, sắp tới nữa, không đáng để làm sao?”. Lý lẽ của ông đã thắng những lo lắng, ái ngại của người thân cho bàn tay run run tuổi 84 và ông lại lục tìm tư liệu chuẩn bị bài viết.

Luôn có thói quen cất giữ tư liệu cẩn trọng nhưng trong tập sách mới in, ông chỉ để tựa đơn giản: Tư liệu tham khảo, ghi chú khiêm tốn thay lời nói đầu: “Tôi không muốn viết hồi ký vì xét thấy không cần thiết, tôi cũng không viết sách vì bản thân không có khả năng. Tôi chỉ tập hợp một số bài phát biểu, một số bài viết qua quá trình hoạt động cách mạng mà tôi cho rằng còn có giá trị nhất dịnh, những tư liệu mà tôi tâm đắc để làm kỷ niệm và để bạn bè, đồng chí, các con cháu nếu thấy có bổ ích thì tham khảo”.

Trong tập sách ấy, đọc thấy những ưu tư, thu thập trải nghiệm của ông với quá trình đổi mới quản lý, kinh tế, những yêu cầu thẳng thắn về việc chỉnh đốn Đảng, phê bình, tự phê bình, những tâm đắc với tư tưởng Hồ Chí Minh. Và thật ngạc nhiên khi trong ấy còn có một bài báo viết về cô sinh viên người Việt “xuất sắc nhất nước Mỹ” với tâm nguyện “sẽ trở thành một doanh nhân thành đạt, thay thế được vị trí nhân sự cao cấp của người nước ngoài tại VN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng”. Cô bé không phải họ hàng, không quen biết và chắc cũng không ngờ có tên mình trong tập sách mà ông để lại.

LxILz1Kv.jpgPhóng to

Một trong những bản thảo cuối của ông Hai Chí

Đi và để lại

“Anh Hai Chí rất công tâm, lúc nào cũng chuyên chú vào công việc. Mười mấy năm làm việc cùng với anh mà giờ nhớ lại mới thấy là chưa bao giờ anh em ngồi nói chuyện riêng, gia đình hay con cái cả. Cứ gặp nhau là bày tờ báo, bàn chuyện thời sự”, ông Năm Ẩn (Nguyễn Ngọc Ẩn, nguyên thường trực thành ủy) nhắc.

Ông Ba Hùng (Phạm Văn Hùng, nguyên trưởng Ban tổ chức Thành ủy) kể một câu chuyện về đức tính biết lắng nghe của ông Hai Chí: đầu thập niên 1990, sau những năm đầu đổi mới, Thành ủy đau đầu khi nhận được báo cáo về công ty lâm sản thành phố: làm ăn không hiệu quả, năng suất không có, lỗ vốn 3 tỉ đồng, nội bộ mất đoàn kết, ban giám đốc thiếu năng lực quản lý kinh tế... Nhiều ý kiến đề nghị giải thể và bí thư là ông Võ Trần Chí cũng đã đồng ý quyết định giải thể. “Nhưng đứng về mặt tổ chức, tôi thấy nên xem lại. Ban tổ chức chúng tôi lên báo cáo lại với anh: giải thể công ty thì dễ nhưng tìm việc làm cho hơn 300 công nhân thì khó, vả lại ban giám đốc không có tiêu cực gì, chỉ là yếu trình độ, thiếu năng lực, kinh nghiệm”, ông Hùng nhớ lại. Ông Hai Chí nghe, suy nghĩ và cuối cùng đồng ý với đề xuất cho thêm sáu tháng để củng cố công ty, thay toàn bộ ban giám đốc và gần hết đảng ủy. Quả nhiên, sáu tháng sau công ty đã được vực dậy, phát triển và còn tồn tại đến tận hôm nay.

Giữa năm 1991, đến thăm 18 Thôn Vườn Trầu, Bà Điểm, thấy bà con tự tổ chức vần công, đổi công, chắt chiu cho nhau mượn cây giống, con giống, vẫn cơm rau, nhà tre vách ván như ngày nào, ra về ông không ngủ được. Những ngày sau họp Thành ủy, ông hỏi mọi người: “Khi xưa dân theo cách mạng, nhà cửa ruộng vườn tan hoang. Nay hòa bình mười mấy năm rồi mà dân vẫn nghèo thì làm sao chấp nhận được?”. Chương trình xóa đói giảm nghèo của TP ra đời từ đó.

Được mời đi dự lễ bàn giao nhà tình nghĩa của một công ty tặng gia đình chính sách, thấy căn nhà khang trang, rộng rãi, ông hỏi thăm trị giá. Nghe trả lời “50 triệu đồng (thời điểm 1990)”, ông tần ngần mãi. Về, ông lại suy nghĩ rồi mời Sở Lao động - thương binh & xã hội đến bàn. Đối tượng chính sách quá đông mà sự chăm lo chưa có chế độ cụ thể, mang tính tự phát của các đơn vị, cá nhân. Một số công ty muốn kết hợp quảng bá nên xây nhà to đẹp, nhưng như thế số lượng làm được rất ít, các mẹ thì không thể chờ. Bàn đi tính lại, cuối cùng một tiêu chuẩn xây dựng nhà tình nghĩa vừa phải, gọn đẹp đã được đưa ra và phong trào xã hội hóa nhà tình nghĩa lan rộng cả nước.

Làm bí thư Thành ủy suốt hai nhiệm kỳ đổi mới (1986-1996), dấu ấn của ông Võ Trần Chí trong kinh tế TP.HCM rất sâu đậm. Đó là quyết định táo bạo cho nhập vàng về bằng máy bay để dẹp nạn thị trường đen do tư thương độc chiếm, từ đó Công ty Vàng bạc đá quý SJC đã ra đời. Trước sự sụp đổ dây chuyền của hệ thống hợp tác xã, ông kiên quyết bảo vệ Hợp tác xã Mua bán TP và yêu cầu phải củng cố, kiện toàn bộ máy, chuyển đổi mô hình vào điều kiện cụ thể. Từ đó mà HTX mua bán đã chuyển đổi thành Sài Gòn Co.op và phát triển mạnh mẽ.

Khi biết có những nhóm nhân sĩ, trí thức hay nhóm họp vào chiều thứ sáu, trò chuyện và thảo luận, ông đã đến dự, lắng nghe, động viên, khuyến khích và hơn nữa là sử dụng các đề xuất của họ vào chủ trương của mình, kiến nghị, giới thiệu lên Chính phủ. Từ đó mà có những đổi mới trong cách nhìn, chính sách về giá - lương - tiền, cải tổ hệ thống ngân hàng, ngoại thương. Và cũng từ đó TP.HCM có khu chế xuất đầu tiên (KCX Tân Thuận), đại lộ xuyên TP đầu tiên (đại lộ Nguyễn Văn Linh) mở đường cho sự phát triển một Nam Sài Gòn lung linh, rực rỡ...

Lễ viếng nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí

Ngày 18-11, tại Hội trường TP.HCM, lễ viếng nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí đã diễn ra trọng thể. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết trong sổ tang: “Đồng chí Võ Trần Chí đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Cuộc đời hoạt động phong phú, sôi nổi của đồng chí là tấm gương sáng, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Thay mặt Đảng và Nhà nước tôi xin gửi lời chia buồn đến gia quyến đồng chí Võ Trần Chí (anh Hai Chí kính mến)”.

Trưởng ban lễ tang, ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh dẫn đầu đoàn BCH Trung ương Đảng đã đến viếng và chia buồn cùng gia quyến ông Võ Trần Chí. Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh xúc động ghi trong sổ tang: “Đồng chí mất đi là một tổn thất cho cách mạng, cho Đảng, Đảng bộ và nhân dân TP.HCM và quê hương Long An, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng chí và đồng nghiệp”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải hứa sẽ noi gương ông Võ Trần Chí: “Đảng bộ và nhân dân TP nguyện tiếp tục phấn đấu xây dựng TP ngày càng văn minh, hiện đại, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Cùng ngày, các vị nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nhiều đoàn lãnh đạo thuộc các cơ quan, đoàn thể trung ương, các tỉnh, thành phố; các cơ quan, lãnh sự quán nước ngoài cũng đã đến viếng và gửi vòng hoa đến viếng, chia buồn cùng gia quyến ông Võ Trần Chí. Lễ viếng nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM Võ Trần Chí tiếp tục được tổ chức hết ngày 19-11. Lễ truy điệu và an táng sẽ được cử hành lúc 5g30 ngày 20-11-2011.

ĐỨC TUYÊN

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên