Người dân Cơ Tu ở xã Gary, huyện Tây Giang chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán Canh Tý - Ảnh: B.D
"Người giàu có thì mua sắm con heo, con gà, mời mọi người đến nhà đón giao thừa. Còn nhà nào nghèo thì góp tiền rồi vào nhà gươl ăn tết với làng" - A Lăng Nhắp, nguyên cán bộ xã Gary, huyện Tây Giang, kể về cái tết của bà con mình.
Đi làm công để… góp tết
Thôn Da Ding của A Lăng Nhắp nằm lọt thỏm dưới thung lũng bao quanh là những khối núi sừng sững. Từ trên nhìn xuống, làng của Nhắp quây thành hình tròn với mái nhà gươl đứng sừng sững, mái nhà như lưỡi rìu hướng thẳng lên trời, che chở cho dân làng. "Người Cơ Tu giờ cũng tổ chức tết đông vui như dưới xuôi" - A Lăng Nhắp nói.
Theo ông Nhắp, khác với dưới xuôi, tết của người Cơ Tu là công sức của cả cộng đồng và ngày tết là ngày gặp gỡ chung của bà con tại nhà gươl. Thôn Da Ding của ông Nhắp có tổng cộng 75 hộ. Vì đa phần các hộ có hoàn cảnh khó khăn nên trước tết, hội đồng làng đã họp và thống nhất mỗi hộ đóng góp 100.000 đồng để sắm tết.
Ngoài việc tự tổ chức tết, người Cơ Tu còn được nhận quà tết từ các tổ chức, cá nhân để mùa xuân thêm ấm cúng - Ảnh: B.D
"30 tết, tất cả bà con sẽ tập trung tại nhà gươl để chào cờ, thắp hương viếng Hồ Chủ tịch và nghe Chủ tịch nước đọc thư chúc tết. Sau đó, ai về nhà nấy để cha mẹ mừng tuổi, chúc tết con cái. Ngày hôm sau, dân làng sẽ tập trung tại nhà gươl để ăn heo, uống rượu chúc tết đầu năm" - ông Nhắp kể. Nửa tháng trước thời điểm giao thừa, thanh niên trong làng cùng nhau đi làm công, phụ hồ… tiền công được góp lại cho thôn lấy kinh phí tổ chức tết.
"Phải có cái chung, không có cái chung là không vui"
A Lăng Nhên là thanh niên 34 tuổi ở thôn A Roi, xã Gary và cũng là thôn trưởng của 79 hộ dân Cơ Tu sống bao quanh triền đất nhỏ với mái nhà gươl nằm giữa làng. Hưởng ứng phong trào "góp tết", từ đầu tháng 12 âm lịch trở đi, Nhên cùng mấy thanh niên trong làng đi làm công. Công việc của Nhên lúc thì cùng bạn bè lên rừng lấy củi về bán, lúc thì đi hái măng, có lúc lại đi xây nhà cho mấy người Kinh trong xã.
Phụ nữ Cơ Tu ở Tây Giang, tỉnh Quảng Nam nghỉ ngơi trên đường đi sắm tết. Ảnh: B.D
Mỗi ngày, Nhên dành ra 100.000 đồng, cùng với những người khác đem về nộp cho thôn. Một cuốn sổ ghi chép "suất" đóng của từng hộ và được "tổng kết" lại vào hôm trước tết 5 ngày. Tổng tiền làng gom được sẽ chia ra rồi mua sắm đồ đạc, rượu, bánh tổ chức tết. "Bà con Cơ Tu tính cộng đồng rất cao, đã ngày tết là phải ăn uống cùng nhau, góp nhặt cùng nhau. Không có thì không vui" - Nhên nói.
Nhà gươl nằm giữa thôn Da Ding - nơi diễn ra cái tết chung của toàn bộ người Cơ Tu trong thôn - Ảnh: B.D
Hôm 28 tết, bà con Cơ Tu tại sáu ngôi làng của xã Gary nằm giáp biên giới Việt - Lào đã đồng loạt ra quân dọn dẹp đường sá, chỉnh trang nhà cửa, nhà gươl.
"Kinh phí tổ chức tết được người làng góp công, trích tiền quỹ bảo vệ môi trường rừng mà mỗi hộ được hưởng. Số tiền này dùng để mua một con bò, bia rượu, nước ngọt, mâm lễ trên bàn thờ Bác Hồ đặt trong nhà gươl…
Một ngôi làng tái định cư nằm giữa lưng chừng núi ở xã Gary, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: B.D
Một "món" vô cùng quan trọng không thể thiếu và cũng là "đặc sản" có ý nghĩa như bánh chưng, bánh giày của người Kinh, đó là món "bánh sừng trâu", với nguyên liệu chính là nếp rẫy, nhân thịt, hoặc đậu, gói bằng lá đót. Bánh này có hình tam giác, tương tự như chiếc sừng trâu và sẽ được các chị em tham gia gói, luộc rồi đưa đến nhà gươl cho bà con ăn trong bữa tiệc.
Ngày tết không… xe máy
Một "quy định" vô cùng đặc biệt được người Cơ Tu ở các ngôi làng tại huyện Tây Giang áp dụng và hầu như được tuân thủ nghiêm túc từ trước tới nay: đúng sau đêm giao thừa, từng gia đình, thanh niên có xe máy đều phải mang chìa khoá đến nạp cho thôn trưởng hoặc già làng. Mỗi làng sẽ có một hộp gỗ đựng chìa khoá, trên đó ghi tên của từng người và chiếc hộp này sẽ hoàn toàn được khóa từ mùng 1 đến hết mùng 5 tết.
Trong mấy ngày tết, toàn bộ xe máy của người dân tổng cộng 6 ngôi làng của xã Gary đều bị tịch thu chìa khoá, người dân ăn tết mà không có xe máy nhằm hạn chế tai nạn giao thông - Ảnh: B.D
"Đây là quy định riêng được bà con Cơ Tu các làng áp dụng từ nhiều năm nay rồi. Các gia đình đều chấp hành nghiêm túc, tới giờ giao thừa là cầm chìa khoá lên giao nộp. Những ngày diễn ra tết, tất cả các ngôi làng đều không có tiếng xe máy, ai vi phạm đều bị đưa ra làng phạt nặng. Việc đưa ra "quy định" này để cho bà con đón tết ấm cúng, an toàn, không say rượu rồi gây tai nạn cho người khác"- A Lăng Nhắp nói.
"Chia tết" với anh em Lào
Ngoài việc đón tết tại các ngôi làng, những ngày Tết Nguyên đán, tại các đồn biên phòng dọc biên giới Việt Nam - Lào, bộ đội biên phòng cũng mở bánh chưng, phát gạo, mời người dân, cán bộ những bản giáp Việt Nam qua đón tết. Đại tá Nguyễn Quang Nam - phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Nam - cho biết tỉnh Quảng Nam có hơn 150km đường biên giới với Lào.
Đồn biên phòng Gary tặng quà tết cho bà con dọc biên giới, các hộ dân quốc tịch Lào có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Canh Tý - Ảnh: B.D
Người Lào không có Tết Nguyên đán như Việt Nam, dịp tết cũng là mùa "giáp hạt" mà người dân Lào rất khó khăn, thiếu thốn lương thực, gạo muối nên 6 đồn biên giới của Quảng Nam luôn tổ chức chương trình đón tết cùng bà con phía bên kia biên giới.
Trung tá Hoàng Thanh Hà - trưởng Đồn biên phòng Gary - cho biết cận tết, đồn mời các hộ gia đình phía bên Lào qua nhận gạo, quà tết từ bộ đội Việt Nam. "Năm nay, chúng tôi phát 300 suất quà tết, mời đại đội bảo vệ biên giới của Lào, đồn cửa khẩu phía bạn và chính quyền địa phương qua đồn vui tết với bộ đội, thắt chặt thêm tình cảm gắn bó giữa quân dân hai nước" - trung tá Hà nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận