05/04/2018 11:54 GMT+7

Người có nguy cơ bị cưa chân đã có thể đi lại

Hồng Phương
Hồng Phương

TTO - Một năm trôi qua, trải qua 9 lần phẫu thuật, với sự giúp đỡ, hỗ trợ kêu gọi mạnh thường quân của Bênh viện Đại học Y Dược TP. HCM, chàng trai đam mê võ thuật Lê Thanh Hoàng đã thoát khỏi nguy cơ phải cưa chân.

Người có nguy cơ bị cưa chân đã có thể đi lại - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược đang chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhận Lê Thanh Hoàng -Ảnh: H.P

Lê Thanh Hoàng (sinh năm 1994, ngụ thôn Định Thiên Tây, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định).  Cuối năm 2016, Hoàng bị tai nạn gãy xương cẳng chân trái. Vết thương ban đầu rất nhỏ song do sơ cứu và chăm sóc không đúng cách nay nhiễm trùng nặng, có nguy cơ phải cưa chân.

Giấc mơ làm võ sư tan vỡ

Vốn đam mê môn võ cổ truyền Bình Định từ năm lớp 6, sau nhiều năm khổ luyện, chàng trai trẻ Lê Thanh Hoàng ấp ủ hy vọng cháy bỏng trở thành một võ sư. Hoàng đã đạt được rất nhiều giải của môn võ cổ truyền, trong đó nổi bật nhất là huy chương đồng Đại hội võ thuật toàn quốc 4 năm tổ chức một lần.

Sau nhiều năm phấn đấu, Hoàng đã đạt đến đai trắng, là cấp đai cuối cùng trở thành võ sư. Tương lai đang rộng mở thì bất ngờ,Hoàng  gặp tai nạn giao thông gãy xương cẳng chân trái.

Hoàng được chỉ định phẫu thuật kết hợp xương, nẹp vít cố định tại một bệnh viện ở Bình Dương. Gần một tháng sau, vết thương không khỏi mà càng đau và sưng tấy, Hoàng đến một bệnh viện khác kiểm tra thì chỗ xương gãy đã bị nhiễm trùng nặng và tụ mủ. Cuối cùng, Hoàng được chuyển đến Khoa Chấn thương chỉnh hình ( CTCH) BV Đại học Dược TP. HCM khi chân trái đã phù căng, đau nhức.

Kết quả kiểm tra cho thấy vết thương đã nhiễm trùng, nhiễm trùng xương tại vị trí gãy và lan sang các vùng lân cận, phần mô xung quanh chỗ gãy cũng bị tổn thương nghiêm trọng.

Ông Lê Văn Hồng, cha của Hoàng bị tai biến 8 năm nay, sức khỏe yếu nên chỉ làm được những việc lặt vặt. Còn người mẹ quanh quẩn với sào ruộng và chăn nuôi vài con gà. Cuộc sống gia đình vốn chỉ tạm đủ vun vén miếng ăn. Hoàng là con út trong gia đình có 4 anh chị em, trong đó các anh chị đều đã có gia đình riêng. Dù cả nhà đã gom góp tiền bạc để lo điều trị cho Hoàng nhưng vẫn không đủ vì chi phí quá lớn. Cha mẹ em phải vay mượn nhiều nơi để điều trị cho con, nhưng đã đuối sức.

"Chúng tôi cũng chưa biết tính thế nào, được đến đâu tính đến đó thôi. Thời gian chữa bệnh cho cháu quá dài và quá nhiều tiền rồi. Chúng tôi đã khó khăn lắm rồi, cảnh làm nông làm tới đâu đủ ăn tới đó thôi", ông Hồng ngậm ngùi.

Nỗi sợ không có tiền điều trị tiếp sẽ phải cưa chân khiến chàng trai luôn bị ám ảnh. "Em biết rõ hoàn cảnh nhà em, nằm viện lâu thế này cha mẹ em nợ nần nhiều lắm. Giờ em chỉ sợ không có tiền điều trị tiếp phải cưa chân thì...." – Hoàng chia sẻ

Di chuyển được sau 9 lần phẫu thuật

Tại thời điểm Hoàng được chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM, PGS.,TS. BS. Bùi Hồng Thiên Khanh, (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình ), cho biết: "Bác sĩ đã phải cắt bỏ một đoạn xương viêm giữa hai đầu 7-8 cm và đã kéo xương hiện vẫn còn hở 3-4cm. Tuy nhiên, tình trạng viêm xương nặng vì vi trùng nằm sâu và càng ngày càng kháng thuốc, phải dùng kháng sinh nhiều hơn, thời gian điều trị lâu hơn, chi phí nhiều hơn. Mặc dù chi phí điều trị rất lớn, nhưng các bác sĩ đang rất nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân".

Theo bác sĩ, cơ hội chữa lành của Hoàng vẫn còn. Tuy nhiên, chi phí điều trị tương đối lớn và thời gian điều trị kéo dài nhiều tháng khiến gia đình Hoàng vô cùng lo lắng.

Chỉ tính riêng tiền thuốc kháng sinh, mỗi ngày gia đình Hoàng phải chi trả tới 5 triệu đồng. 3 tháng nằm viện, tổng số tiền đã lên tới hàng trăm triệu đồng, hầu như là tiền vay mượn. Cơ hội điều trị của võ sư trẻ mới ra trường vẫn còn, tuy nhiên, kinh tế gia đình lại càng ngày càng khó khăn.

Hiện sau khi nhận được sự giúp đỡ từ các cơ quan báo chí, mạnh thường quân và đội ngũ y bác sĩ, phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đại học y dược, Hoàng trải qua 9 cuộc phẫu thuật trong hơn 1 năm qua, hiện anh đã hồi phục 80%, có thể đi lại, chủ động hoàn toàn trong di chuyển, sinh hoạt nhưng vẫn phải mang giày nẹp và vẫn phải theo dõi.

PGS, TS. BS. Bùi Hồng Thiên Khanh cho biết: "Người bệnh vừa được các bác sĩ tháo khung xương, hiện tại đang mang giày nẹp và cần phải theo dõi tình trạng thêm một vài tháng nữa. Nếu tình hình khả quan, trong tương lai,  người bệnh có thể chơi những môn thể thao nhẹ nhàng".


Hồng Phương
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên