24/04/2019 11:09 GMT+7

Người có kỹ năng, đâu sợ robot

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Hầu hết lãnh đạo các công ty đều đồng ý rằng kỹ năng học hỏi là điểm quyết định khả năng "sống còn" của lao động trong thời 4.0, bên cạnh EQ (trí tuệ cảm xúc).

Người có kỹ năng, đâu sợ robot - Ảnh 1.

Lao động Việt tại một tập đoàn nước ngoài - Ảnh: H.TUẤN

Đó là nội dung chính của hội thảo mang tên 'T) do Tập đoàn nhân sự Mỹ ManpowerGroup phối hợp Hiệp hội Thương mại châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng 23-4 ở TP.HCM.

Robot không thể thay thế con người. Con người sẽ có nhiều cách để thực hiện các đầu việc hơn và các doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn

Ông SIMON MATTHEWS (tổng giám đốc ManpowerGroup Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông)

Trái với hình dung của nhiều người về thời đại 4.0, một nghiên cứu trên 19.000 nhà tuyển dụng ở 44 quốc gia (do tập đoàn nhân sự Mỹ ManpowerGroup thực hiện) được nêu tại hội thảo Tầm nhìn cho nhân sự toàn cầu đến 2020 (World of Work Vision 2020) ngày 23-4 khẳng định, robot và tự động hóa sẽ đem đến nhiều cơ hội việc làm hơn.

Thêm công việc mới

Cụ thể, nghiên cứu của ManpowerGroup Cuộc cách mạng kỹ năng 4.0: Robot cần chúng ta (Humans Wanted: Robots Need You) chỉ ra rằng 87% các doanh nghiệp sẽ giữ nguyên hoặc gia tăng các vị trí tuyển dụng (18% tăng, 69% dự kiến giữ nguyên, 9% giảm và 4% "không biết"). 

Rất nhiều công việc mới sẽ ra đời dù 41% các doanh nghiệp được phỏng vấn cho biết sẽ tăng cường tự động hóa nhiều khâu trong vòng hai năm tới.

Chẳng hạn, nghiên cứu trên nhận định nhu cầu về nhân lực IT đang rất lớn và gia tăng nhanh chóng. 16% các công ty dự định tăng cường tuyển dụng vị trí IT, cao gấp năm lần so với số công ty dự định giảm. 

Việt Nam cần có hơn 1 triệu nhân lực IT trước năm 2020 và nhu cầu tăng 47% mỗi năm. Hay như 25% nhà tuyển dụng ngành sản xuất dự đoán sẽ tuyển nhiều nhân lực hơn trong năm tới.

Ngoài ra, các vị trí nhân viên tuyến trên và làm việc trực tiếp với khách hàng (nhân viên lễ tân, chăm sóc khách hàng) cũng có xu hướng gia tăng... Tất cả vị trí này đều yêu cầu kỹ năng "mềm" như giao tiếp, đàm phán và thích nghi cao...

Vấn đề còn lại là các lao động phải ý thức được những kỹ năng nào cần thiết cho công việc đặc thù của mình trong tương lai gần. 

Theo một khảo sát khác của ManpowerGroup, hiện lực lượng lao động ở Việt Nam đang dao động 57,5 triệu người, trong đó lao động chất lượng cao chỉ chiếm 11%, lao động bậc trung 49% và tỉ lệ lao động không có kỹ năng là 40%. Chỉ 5% trong tổng số lao động đạt được mức sử dụng tiếng Anh thành thạo.

Không học hỏi, đành thua robot

Một điều hiện không cần phải tranh cãi là lao động ở bậc càng thấp thì khả năng bị thay thế càng cao. Và điều này cũng sẽ dễ xảy ra với các đối tượng không chịu khó học hỏi. Hầu hết lãnh đạo các công ty đều đồng ý rằng kỹ năng học hỏi là điểm quyết định khả năng "sống còn" của lao động trong thời 4.0, bên cạnh EQ (trí tuệ cảm xúc).

Chẳng hạn như ở lĩnh vực IT, nếu kỹ năng hiện tại cần có là lắp đặt, bảo trì máy, sử dụng, giám sát và kiểm sát thì kỹ năng trong tương lai là tư duy phản biện, phân tích và giải quyết vấn đề, khả năng học hỏi cao, thiết kế công nghệ và lập trình. 

Với ngành nhân sự thì kiến thức hiện cần là chính sách và thủ tục, luật lao động, tuyển dụng và đòi hỏi ở tương lai là thấu hiểu hành vi con người, phân tích dữ liệu và đánh giá, chiến lược hoạch định nhân tài...

38% các doanh nghiệp được hỏi cho rằng họ gặp khó khăn trong việc đào tạo nhân sự các kỹ năng chuyên môn cần thiết, và có đến 43% khẳng định việc đào tạo kỹ năng "mềm" càng thử thách hơn nhiều.

Điều này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi hầu hết các công ty lớn nhỏ đều rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao (hiện tỉ lệ khan hiếm nguồn nhân lực trên là 45%, cao nhất trong vòng 12 năm qua).

Theo bà Trương Bích Đào - giám đốc nhân sự Nestlé Việt Nam, điều quan trọng cần nhận thức là hiện chúng ta đang sống trong một xã hội "không biên giới", nơi lao động các nước có thể dịch chuyển qua lại nên chúng ta không chỉ cạnh tranh với robot mà còn với lao động quốc tế. Sự "sống còn" trong công việc của lao động trong nước theo đó gay gắt hơn bao giờ hết.

Cập nhật thông tin cho lao động trẻ

robot

Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: THIÊN TRÌNH

Bà Trương Bích Đào cho rằng doanh nghiệp không nên chỉ để lao động trẻ "tự thân vận động", mà doanh nghiệp và nhà trường cần chủ động chung tay giải quyết vấn đề.

"Ở công ty chúng tôi có các chương trình đào tạo quản lý dành cho sinh viên tài năng năm cuối, giúp họ cọ xát môi trường làm việc thực tế và học về cả chuyên môn lẫn kỹ năng "mềm" từ rất sớm.

Và ngược lại, theo tôi quan sát, một số trường học đã chủ động mời các doanh nghiệp vào trường để chia sẻ, giúp sinh viên hình dung được nhu cầu, đòi hỏi từ thị trường... để từ đó không bỡ ngỡ lúc vào đời. Lãnh đạo các cấp cũng phải chịu khó tự học để làm gương, hướng dẫn cấp dưới".

Chúng ta không cần những con robot

TTO - Nói chính xác hơn thì câu trên phải là: Chúng ta không cần những con robot cho những vấn đề do chính con người gây ra. Có lẽ mọi chuyện sẽ trở nên đơn giản như vậy nếu chúng ta không tìm hàng ngàn lý do để chối đẩy trách nhiệm của mình.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên