Người chết... ký giấy bán đất
TT - Một người chết đã hơn ba năm, được chính quyền cấp giấy khai tử thì gia đình bỗng thấy có người đến đòi giao nhà đất, đưa ra bản hợp đồng bán đất do chính người chết ký tên, lăn tay vào tháng 6-2009. Hợp đồng này được một văn phòng công chứng đóng dấu xác nhận hẳn hoi.
Ông Ne với giấy chứng tử của ông Nguyễn Văn Nhơn - Ảnh: Ngọc Hậu |
Đang cư ngụ yên ổn tại căn nhà do cha để lại, cuối tháng 9-2009, gia đình ông Nguyễn Văn Ne (67/1 ấp 1, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP.HCM) hết sức bất ngờ khi có người đến nói đã mua mảnh đất này của cha ông. Người mua đất trưng ra bản hợp đồng mua bán có dấu mộc của Văn phòng công chứng Gia Định, xác nhận cha ông là ông Nguyễn Văn Nhơn đã bán lô đất diện tích hơn 1.300m2 cho bà Võ Thị Lệ Thủy (với giá 400 triệu đồng), giờ người này đang làm thủ tục mua lại từ bà Thủy.
Ông Ne và gia đình càng bất ngờ hơn khi xem bản hợp đồng có chữ ký của cha ông trong phần người bán (bên chuyển nhượng) ghi ngày ký là 8-7-2009, trong khi cha ông đã mất ngày 19-5-2006. Khi gia đình ông giải thích và đem cả giấy chứng tử của cha mình ra thì đến lượt người mua đất hốt hoảng.
Mất giấy tờ đất
Giấy cớ mất không thể thay thế CMND Khi xem bộ hồ sơ công chứng của Văn phòng công chứng Gia Định, một số công chứng viên có nhiều năm kinh nghiệm cho rằng Văn phòng Gia Định đã có sai sót trong việc kiểm tra tính xác thực, chính xác của hồ sơ công chứng. Một công chứng viên nói: “Giấy tờ tùy thân theo quy định phải là CMND, hộ chiếu, đặc biệt lắm công chứng viên mới chấp nhận thêm loại giấy khác như chứng minh quân nhân (dùng trong quân đội). Còn đơn cớ mất chỉ là văn bản ghi nhận sự kiện, khi cấp lại CMND cơ quan công an cũng phải xác minh rất chặt chẽ. Giấy cớ mất không thể thay thế CMND”. |
Khi xảy ra vụ việc, ông Ne nhớ lại: sau khi cha ông mất thì đến cuối năm 2007, ông có nhờ một người chuyên mua bán đất đai gần nhà là ông N.V.L. để lo thủ tục thừa kế cho hai chị em ông. Theo hướng dẫn của ông L., đầu năm 2008, ông Ne và người chị ra xã ký giấy tờ, lăn dấu tay và đưa bản chính giấy đỏ cùng một số giấy tờ khác cho ông L..
Thế nhưng sau đó ông L. né tránh và hẹn lần hẹn lữa, nói giấy tờ nằm ở chỗ này, chỗ khác chưa xong. Tháng 7-2009, ông L. đến nhà thông báo lỡ làm mất giấy đỏ của gia đình ông, hứa sẽ làm lại và cam kết bồi thường 30 triệu đồng. Gia đình ông Ne không đồng ý, làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị ông L. phải hoàn trả sổ đỏ cho gia đình ông.
Bị giả mạo
Công chứng viên Trần Quốc Phòng, trưởng Văn phòng công chứng Gia Định, thừa nhận chính mình đã ký xác nhận vào bản hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Nguyễn Văn Nhơn và bà Võ Thị Lệ Thủy. Ông Phòng cũng cho hay khi biết ông Nguyễn Văn Nhơn đã chết, ông thật sự bàng hoàng!
Ông Phòng nói khi tiếp nhận hồ sơ công chứng đã xem xét thấy đầy đủ các giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, bản chính quyền sử dụng lô đất chuyển nhượng. Ông Phòng cũng cho xem bộ photo hồ sơ công chứng còn lưu trữ tại văn phòng, trong đó phía bên người bán (ông Nguyễn Văn Nhơn) có bản photo hộ khẩu; giấy xác nhận lô đất không thuộc diện quy hoạch, không bị tranh chấp và giấy chứng nhận độc thân đều do UBND xã Xuân Thới Sơn đóng mộc.
Riêng về giấy tờ tùy thân, người xưng là Nguyễn Văn Nhơn nói đã làm mất chứng minh nhân dân (CMND), đang đề nghị làm lại và xuất trình tờ khai mất CMND có dán hình, đóng dấu giáp lai của Công an xã Xuân Thới Sơn. Theo công chứng viên Trần Quốc Phòng, theo Luật công chứng thì công chứng viên phải kiểm tra giấy tờ tùy thân (thường là CMND, hộ chiếu). Tuy nhiên, trong trường hợp này người xưng danh “ông Nhơn” khai mất CMND nhưng có tờ cớ mất ghi rõ số CMND, dán hình có đóng dấu của công an xã nên ông đã tin tưởng.
Ông Phòng cho rằng đã làm đúng quy trình, các giấy tờ đều có xác nhận, dấu mộc của UBND xã, công an xã nên bằng mắt thường không thể xác định được đó là thật hay giả, cần phải có cơ quan chức năng xem xét. Ông Phòng còn cho biết phía bà Thủy (người mua đất) cũng cam kết là đã tìm hiểu kỹ lô đất, tình trạng pháp lý, giấy tờ trước khi mua nên ông xác nhận.
Theo bà Võ Thị Thu Thủy, bà thỏa thuận mua lô đất với giá 900 triệu đồng thông qua một người giới thiệu. Khi xem đất, bà Thủy được dẫn đến chỉ vị trí lô đất ngay mặt tiền, có người cầm giấy đỏ nhận là chủ đất, giá lại rẻ nên bà lập tức vay mượn để mua. Bà Thủy cho rằng thấy công chứng viên ký nên đã tin tưởng giao tiền cho bên bán và còn bỏ ra hàng chục triệu đồng để đóng thuế.
Bà Thủy còn nói bà là người kinh doanh bất động sản nên đã mua nhiều lô đất khác tại Hóc Môn. Sau khi có thông tin về vụ lô đất của ông Nhơn, bà đã tìm hiểu và rất hoang mang khi được biết một số lô đất khác mà bà đã ký mua cũng rơi vào tình trạng tương tự: người đến công chứng ký hợp đồng bán đất với bà không phải là chủ đất thật sự.
Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM cho biết đã nhận được khiếu nại của gia đình ông Nguyễn Văn Nhơn và đang giao cho bộ phận thanh tra sở xem xét giải quyết. Bước đầu, sở đã yêu cầu Văn phòng công chứng Gia Định giải trình vụ việc. Theo văn bản giải trình của Văn phòng công chứng Gia Định, việc kiểm tra hồ sơ, quy trình công chứng của văn phòng là đúng quy trình.
CHI MAI - NGỌC HẬU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận