Người châu Phi trên đường phố Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: EPA
Theo Tân Hoa xã, chính quyền thành phố Quảng Châu (Trung Quốc) ngày 14-4 công bố tổng cộng 111 người châu Phi đã nhận kết quả dương tính với COVID-19 trong ngày 13-4. Tổng cộng 4.552 người châu Phi tại thành phố này đã được xét nghiệm COVID-19 từ ngày 4-4.
Quảng Châu yêu cầu tất cả du học sinh và du khách châu Phi thực hiện xét nghiệm COVID-19 và tự cách ly trong vòng 14 ngày, không cần xét đến lịch sử đi lại gần đây, vì lo sợ các ca "nhập ngược".
Tại châu Phi, chính quyền, truyền thông và người dân đang phản ứng đầy giận dữ vì cho rằng công dân của họ đang bị kỳ thị tại Trung Quốc. Nhiều đoạn phim lan truyền trên mạng đã ghi lại cảnh được cho là người châu Phi bị cảnh sát Trung Quốc đối xử thô bạo, phải ngủ ngoài đường hay bị chủ nhà tống cổ dù đang thực hiện biện pháp tự cách ly.
Hôm 11-4, trang nhất của Daily Nation, tờ báo lớn nhất Kenya, đã chạy dòng tít "Công dân Kenya tại Trung Quốc: Hãy cứu chúng tôi khỏi địa ngục". Trước đó, một thành viên quốc hội nước này kêu gọi công dân Trung Quốc lập tức rời khỏi Kenya.
Tương tự, các đài truyền hình Uganda, Nam Phi và Nigeria cũng đi nhiều bài viết xoay quanh các vụ việc phân biệt đối xử nêu trên.
Chính quyền các nước châu Phi đã nhanh chóng yêu cầu Bắc Kinh phải phản hồi về thông tin công dân của họ bị kỳ thị tại Trung Quốc.
Hôm 11-4, ông Oloye Akin Alabi, một nhà làm luật của Nigeria, đã chia sẻ lên Twitter đoạn ghi hình một chính trị gia nước này chất vấn Đại sứ Trung Quốc tại Nigeria về tình trạng tại Quảng Châu. Ông Oloye đăng kèm đoạn phim trên cùng thông điệp chính phủ của ông sẽ "không chấp nhận việc công dân Nigeria bị đối xử tệ tại Trung Quốc".
Chính phủ Uganda và Ghana đã mời các Đại sứ Trung Quốc tại quốc gia của họ đến làm việc vì cùng nguyên nhân. Trong Khi đó, Bộ Ngoại giao Nam Phi tuyên bố "quan ngại sâu sắc" về các thông tin đó.
Trong tuyên bố phát đi ngày 12-4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã bác bỏ chuyện Trung Quốc cô lập người nước ngoài.
"Chúng tôi vẫn đối mặt với nguy cơ lớn từ các ca bệnh nhập từ nước ngoài và tái bùng phát dịch trong nước. Đặc biệt, giữa thời điểm đại dịch lan ra toàn cầu, các ca nhập khẩu đang tạo ra áp lực ngày một lớn.
Tất cả người nước ngoài đều được đối đãi như nhau. Chúng tôi bác bỏ việc đối xử khác biệt và sẽ không nhân nhượng với phân biệt đối xử", ông Triệu tuyên bố.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận