Theo báo New York Times ngày 11-7 (giờ Việt Nam), Ủy ban châu Âu công bố vừa đạt thỏa thuận quan trọng liên quan đến chia sẻ dữ liệu với Mỹ. Với tên gọi Khung quy định bảo mật dữ liệu EU - Mỹ, hiệp định mới cho phép người dân châu Âu từ chối việc các cơ quan tình báo Mỹ sử dụng thông tin cá nhân của mình.
Cụ thể, nếu một người châu Âu nghi bị một cơ quan tình báo Mỹ đang thu thập dữ liệu cá nhân một cách không công bằng, họ có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan bảo vệ dữ liệu của nước mình.
Sau khi xem xét, cơ quan này sẽ chuyển hồ sơ đến một bộ phận kiểm duyệt độc lập của Mỹ, có tên gọi Tòa án kiểm duyệt bảo mật dữ liệu. Thành viên của tòa này là các thẩm phán Mỹ.
Bộ phận này sẽ xem xét hành vi của các cơ quan tình báo có đúng luật hay không. Trên cơ sở đó, tòa sẽ ra quyết định cho tiếp tục hay đình chỉ việc lấy dữ liệu cá nhân.
Bên cạnh đó, thỏa thuận này cũng quy định rõ hơn những trường hợp nào các cơ quan tình báo được phép lấy dữ liệu cá nhân của người dân châu Âu.
Báo New York Times cho biết hiệp định mới đã góp phần chấm dứt khoảng mơ hồ pháp lý liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu suốt nhiều năm qua. Nhờ đó, Meta, Google và nhiều công ty khác sẽ được đảm bảo tự do truyền dữ liệu qua lại giữa Mỹ và châu Âu, sau thời gian dài vấp phải các nghi vấn về quyền riêng tư.
Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden hoan nghênh công bố của Ủy ban châu Âu: "Quyết định này phản ánh quyết tâm chung của hai bên về các biện pháp mạnh mẽ bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu. Đồng thời nó cũng sẽ tạo ra cơ hội kinh tế lớn cho các quốc gia và các công ty ở hai bờ Đại Tây Dương".
Thỏa thuận này sẽ thay thế Hiệp định Tấm khiên bảo mật. Hiệp định này đã bị Tòa án công lý châu Âu vô hiệu hồi năm 2020 vì chưa bao quát hết các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư.
Lo ngại về dữ liệu xuất phát từ vụ ông Edward Snowden
Hồi năm 2013, cựu nhân viên kỹ thuật của Cơ quan An ninh nội địa Mỹ (NSA) Edward Snowden đã gây rúng động thế giới khi tiết lộ cách Washington truy cập vào dữ liệu lưu trữ của các công ty công nghệ và viễn thông trong nước.
Lúc này, trên cơ sở Đạo luật Giám sát tình báo nước ngoài, các cơ quan tình báo Mỹ được phép lấy dữ liệu từ các công ty đa quốc gia để phục vụ mục đích an ninh.
Tiết lộ này đã lập tức thu về một làn sóng dữ dội ở các nước châu Âu.
Nhà hoạt động vì quyền riêng tư người Áo Max Schrems đã khởi kiện lên Tòa án Công lý châu Âu, cho rằng việc Facebook lưu trữ thông tin của người châu Âu tại Mỹ vi phạm quy định về quyền riêng tư của khối này.
Tòa án Công lý châu Âu sau đó đã đồng ý với luận điểm của ông Schrems, hủy bỏ hai thỏa thuận chia sẻ dữ liệu xuyên Đại Tây Dương lúc đó. Từ đây, quá trình đàm phán một thỏa thuận mới đã bắt đầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận