Người chẳng thảnh thơi khi đất trời không khỏe

LÊ MY 21/12/2023 06:51 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử, các bộ trưởng y tế khắp thế giới chính thức tham dự một hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hiệp Quốc, bên cạnh những người đồng cấp từ bộ môi trường.

Liên đoàn quốc tế các hiệp hội sinh viên y khoa sơ cấp cứu cho Trái đất tại COP28.  Ảnh: MARK FIELD/COP28

Liên đoàn quốc tế các hiệp hội sinh viên y khoa sơ cấp cứu cho Trái đất tại COP28. Ảnh: MARK FIELD/COP28

Trung tuần tháng 11, một khán giả trẻ tuổi người Brazil đã đột quỵ và tử vong trong lúc chờ đợi buổi biểu diễn của Taylor Swift ở Rio de Janeiro. Show diễn đêm tiếp theo bị hủy, người hâm mộ buồn bã lẫn tức giận. Kẻ có tội đích thị là ai, khi mà Rio ngày hôm ấy nóng như đổ lửa ở mức 59,3oC?

Bi kịch này nhắc nhở chúng ta về tác động của biến đổi khí hậu. Trong thực tế, trên toàn cầu nắng nóng khắc nghiệt đã dẫn đến nhiều ca tử vong hơn bất kỳ hiện tượng thời tiết cực đoan nào khác, trong đó người già, thai phụ, trẻ sơ sinh, những người làm việc ngoài trời có nguy cơ đặc biệt cao.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác định biến đổi khí hậu là mối đe dọa sức khỏe toàn cầu lớn nhất trong thế kỷ 21. Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (gọi tắt là COP28) vừa khép lại ở Dubai (UAE) hôm thứ ba 12-12 cũng là lần thượng đỉnh đầu tiên trong lịch sử dành hẳn một ngày nghị sự cho các vấn đề sức khỏe.

1 tỉ đô la cho "khí hậu và sức khỏe"

Tại Dubai, một loạt cam kết về tài chính đã được đưa ra để ủng hộ Tuyên bố về Khí hậu và sức khỏe của COP28 UAE, bao gồm: 300 triệu USD của Global Fund để chuẩn bị các hệ thống y tế, 100 triệu USD của Quỹ Rockefeller để mở rộng quy mô các giải pháp về khí hậu và sức khỏe... 

Ngoài ra, một nhóm gồm nhiều chính phủ, ngân hàng phát triển, tổ chức đa phương, tổ chức từ thiện và tổ chức phi chính phủ cũng cam kết dành 1 tỉ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng kép sức khỏe - khí hậu.

"Khủng hoảng khí hậu chính là khủng hoảng sức khỏe nhưng trong suốt một thời gian dài, sức khỏe chỉ được làm 'dòng chú thích ở cuối trang' trong các cuộc thảo luận về khí hậu" - Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO, nhìn nhận. 

"WHO cảm ơn UAE vì đã coi sức khỏe là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ chủ tịch COP28 của mình và hoan nghênh tuyên bố này, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng hệ thống y tế ít phát thải carbon và có khả năng chống chọi với khí hậu, để bảo vệ sức khỏe của cả hành tinh và con người" - ông phát biểu.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố thông tin 1 tỉ USD cho khí hậu và sức khỏe trong Tuyên bố về Khí hậu và Sức khỏe của COP28 UAE. Ảnh: healthpolicy-watch.news

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố thông tin 1 tỉ USD cho khí hậu và sức khỏe trong Tuyên bố về Khí hậu và Sức khỏe của COP28 UAE. Ảnh: healthpolicy-watch.news

Được 123 quốc gia tán thành, tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên trên thế giới các chính phủ thừa nhận tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu lên sức khỏe của cộng đồng và quốc gia. Nó cũng thừa nhận những lợi ích to lớn sẽ có được từ hành động chống biến đổi khí hậu mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc giảm ô nhiễm không khí và giảm chi phí chăm sóc sức khỏe.

Số ca tử vong hằng năm do không khí ô nhiễm đã lên tới gần 9 triệu người, bệnh tật và tử vong liên quan đến nắng nóng ngày càng tăng và 189 triệu người phải đối mặt với các hiện tượng thời tiết cực đoan mỗi năm.

Khí hậu đe dọa sức khỏe thế nào?

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thông qua các đợt nắng nóng và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các tác động gián tiếp của biến đổi khí hậu bao gồm: (1) cản trở nguồn cung thực phẩm dẫn đến mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng, (2) tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm lây lan và (3) ảnh hưởng tiêu cực lên sức khỏe tâm thần. 

Theo ước tính của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), có tới 3,6 tỉ người trên toàn cầu đang rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu và phải đối mặt với các rủi ro sức khỏe liên quan.

Với ba tác động gián tiếp này, những sợi dây nhân quả hẳn còn mập mờ với nhiều người, nhưng biểu hiện về mặt sức khỏe thì đã quá rõ ràng. Trên một hành tinh đang ấm lên, loài người đang mất dần những nguồn thực phẩm an toàn và bổ dưỡng. .

Nhiệt độ cao và hạn hán giết chết mùa màng và làm suy yếu vật nuôi. Các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khiến nông dân không thể tiếp tục công việc ngoài trời, vì vậy họ mất thu nhập và phải vật lộn để có đủ thức ăn.

"Đó là một vòng luẩn quẩn. Mất an ninh lương thực khiến con người dễ mắc bệnh hơn, tình trạng này lại làm giảm khả năng làm việc của họ, do đó họ kiếm được ít tiền hơn để mua thức ăn" - tạp chí Nature dẫn lời kinh tế gia Shouro Dasgupta tại Trung tâm biến đổi khí hậu châu Âu - Địa Trung Hải (Ý).

Thành viên của Liên đoàn Sinh viên Y khoa Quốc tế giơ biểu ngữ yêu cầu chấm dứt nhiên liệu hóa thạch COP28. Ảnh: REUTERS

Thành viên của Liên đoàn Sinh viên Y khoa Quốc tế giơ biểu ngữ yêu cầu chấm dứt nhiên liệu hóa thạch COP28. Ảnh: REUTERS

Bên cạnh đó, thuốc kháng sinh thường được sử dụng để bảo vệ sản lượng cây trồng và vật nuôi. Nhưng việc lạm dụng kháng sinh, nhất là trong chăn nuôi, đang làm gia tăng sự phát triển và lây lan của các mầm bệnh kháng thuốc ở người và động vật. Thời tiết ấm áp giúp vi khuẩn phát triển và sinh sản nhanh hơn, cũng như trao đổi gene với nhau. Quá trình đó xảy ra càng nhanh thì vi khuẩn càng có nhiều khả năng trở nên kháng thuốc.

Mặt khác, nhiệt độ và những thay đổi mạnh mẽ về khí hậu đang cho phép vi rút, vi khuẩn, ký sinh trùng, và cả lũ côn trùng mang mầm bệnh lây lan dễ dàng hơn và đến được những nơi mà chúng chưa bao giờ xuất hiện. 

Nhìn chung, theo một đánh giá năm 2022 đăng trên tạp chí Nature Climate Change, trong số 375 bệnh truyền nhiễm được nghiên cứu, 218 bệnh (chiếm 58%) đã trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.

Còn về sức khỏe tâm thần, có nhiều cách mà biến đổi khí hậu gây tổn thương cho chúng ta, thông qua các sự kiện thiên tai đầy đau thương hay những thay đổi nặng nề về kinh tế và xã hội. Hay chỉ đơn giản là thời tiết khó chịu hơn: ở Bern (Thụy Sĩ), tỉ lệ nhập viện vì rối loạn tâm thần và thăm khám tâm thần khẩn cấp có xu hướng gia tăng trong các đợt nắng nóng, theo nghiên cứu đăng 2021 trên PLOS One. 

Còn ở Mỹ và Mexico, tỉ lệ tự tử cũng được chứng minh là cao hơn trong các đợt nắng nóng, theo nghiên cứu trên Nature Climate Change năm 2018, mặc dù bằng chứng về mối liên hệ giữa nắng nóng và tự tử vẫn còn nhiều lộn xộn.

Trên toàn cầu, theo Báo cáo năm 2021 của Lancet Countdown, các đợt nắng nóng có liên quan đến biểu hiện tâm lý tiêu cực hơn trên cõi mạng. Nhiệt độ cũng có thể làm gián đoạn giấc ngủ, từ đó làm trầm trọng thêm các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Biến đổi khí hậu đang xảy ra và chúng ta không thể ngay lập tức làm cho nó biến mất. Nhưng vô vàn hành động có thể giúp ngăn chặn những diễn biến tồi tệ hơn và bảo vệ sức khỏe của chúng ta và của những người thân yêu. Trong đó, hành động hiệu quả nhất: cắt giảm nhiên liệu hóa thạch. Người ta đã kỳ vọng COP28 sẽ đạt được thỏa thuận về chuyện này nhưng điều đó một lần nữa đã không xảy ra.

Bao giờ "loại bỏ dần"?

Theo một nghiên cứu mới được công bố tháng trước trên Tạp chí Y khoa Anh, ước tính có khoảng 5,13 triệu ca tử vong "cộng thêm" mỗi năm, trên toàn cầu, là hậu quả trực tiếp của ô nhiễm không khí từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch. 

Và vì thế, mất mát này có thể tránh được bằng cách loại bỏ dần loại nhiên liệu bẩn này (bao gồm than đá, dầu khí, khí gas tự nhiên...) Trong thực tế, số lượng mạng sống được bảo vệ sẽ gấp nhiều lần hơn thế, bởi khí nhà kính từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho đến nay vẫn được cho là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Thế nhưng, các cuộc đàm phán thượng đỉnh thế giới về khí hậu kéo dài 30 năm qua chưa bao giờ dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu về dấu chấm hết của nhiên liệu hóa thạch.

Chủ tịch COP28 thông qua thỏa thuận cuối cùng của thượng đỉnh lần này. Ảnh cắt từ video Reuters

Chủ tịch COP28 thông qua thỏa thuận cuối cùng của thượng đỉnh lần này. Ảnh cắt từ video Reuters

COP28 đã phải làm thêm giờ vào sáng sớm ngày bế mạc để cho ra một dự thảo "thỏa thuận khí hậu" mới, sau khi nhiều quốc gia chỉ trích phiên bản trước đó là quá yếu vì nó đã bỏ qua chuyện "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch.

Một liên minh gồm hơn 100 quốc gia đang thúc đẩy một thỏa thuận hứa hẹn sẽ chấm dứt thời đại của dầu mỏ, nhưng họ vấp phải sự phản đối từ các thành viên của nhóm sản xuất dầu OPEC, theo tường thuật của Reuters. 

Để phản đối phiên bản trước đó, hàng chục đại biểu đã đứng gần như im lặng, nắm tay nhau và xếp hàng dọc con đường dài dẫn vào phòng họp của nhóm nhà đàm phán. Bộ trưởng Môi trường Samoa (thuộc Nam Thái Bình Dương) Cedric Schuster nói với các phóng viên: "Chúng tôi không thể ký vào một văn bản mà không có cam kết mạnh mẽ về việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch".

Người đứng đầu OPEC được cho là đã viết thư cho các nước thành viên vào tuần trước kêu gọi họ ngăn chặn mọi ngôn ngữ nhằm "loại bỏ dần" hoặc giảm dần nhiên liệu hóa thạch, trang Euronews đưa tin.

Đến ngày 13-12, trễ hơn một ngày so với dự kiến, COP28 cuối cùng cũng kết thúc với việc đạt được thỏa thuận nhằm ngăn tác động của biến đổi khí hậu. Thỏa thuận kêu gọi chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng, một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, nhưng không đề cập đến việc "loại bỏ" nhiên liệu hóa thạch.

Những điểm sáng của COP28

Tại thượng đỉnh khí hậu lần này, 118 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo của thế giới vào năm 2030, trong một nỗ lực táo bạo nhằm cắt giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), mục tiêu tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo là một "mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được". Dựa trên tốc độ tăng trưởng của năng lượng gió và năng lượng mặt trời trong những năm gần đây, thế giới đang trên đà đạt được mục tiêu này. Theo ước tính, việc tăng gấp ba lần năng lượng tái tạo của thế giới sẽ giảm một nửa nhu cầu năng lượng than toàn cầu vào năm 2030, đồng thời sẽ giúp giảm gần một nửa lượng khí mêtan (một loại khí nhà kính mạnh).

Một động thái mang tính lịch sử khác: quỹ tổn thất và thiệt hại đã được thống nhất tại COP28. Đây là một chiến thắng khó khăn của các nước đang phát triển, hy vọng nhận hỗ trợ tài chính từ các quốc gia phát triển. Theo đó, những "kẻ gây ô nhiễm" cuối cùng sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho những tổn thương đã xảy ra bởi biến đổi khí hậu. Tuy nhiên cho đến nay, các nước giàu chỉ mới cam kết tổng cộng hơn 700 triệu USD cho quỹ tổn thất và thiệt hại, chưa đến 0,2% con số cần thiết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận