Ba tôi sinh năm 1941, nay đã 83 tuổi. Má tôi tròn 80 tuổi. Ba má tôi đang sinh sống ở huyện Củ Chi, TP.HCM.
Gia đình tôi luôn chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; mọi quy định của địa phương ba má tôi đều muốn chấp hành nghiêm túc, thực hiện nhanh chóng.
Nhưng khi đi làm căn cước công dân (CCCD) và đăng ký định danh điện tử mức độ 2 lại gặp phải một số vướng mắc, bất cập và sự cứng nhắc khi áp dụng với người cao tuổi như ba má tôi.
Lúc ba má tôi đi làm CCCD mới, trên CMND cũ thì ngày sinh của ba má tôi chỉ có năm, không có ngày tháng.
Ba má tôi cũng không biết mình sinh vào ngày tháng nào, vì giấy tờ cấp từ xưa cũng chỉ có năm. Khi đó, công an xã yêu cầu ba má tôi phải đi làm lại giấy khai sinh để công an căn cứ vào giấy khai sinh ghi ngày tháng vào CCCD mới, lấy ngày 1-1 của năm sinh đó.
Ba má đến bộ phận tư pháp xã, lại được yêu cầu xuống Sở Tư pháp (cách nhà tôi hơn 45km) để trích lục khai sinh.
Ba má tôi già yếu, đi đến vài phòng ban trên UBND đã rất mệt rồi, nhất là chỗ đông người. Ông bà vừa mệt vừa giận, nói thôi tuổi này gần đất xa trời rồi, làm giấy khai sinh chi nữa! Rồi đi về, lỡ dịp làm CCCD.
Vì sợ ảnh hưởng đến việc làm các thủ tục hành chính về sau, chúng tôi đã chạy hỏi thủ tục và cả nhờ vả để ba má tôi được làm giấy khai sinh mới tại xã với ngày sinh 1-1 và năm sinh theo đúng trên giấy CMND cũ. Sau đó, ông bà đã làm được CCCD mới.
Đến khi được yêu cầu đăng ký định danh điện tử mức độ 2 lại thêm những chuyện phiền phức và lúng túng với ông bà. Chúng tôi đi làm ở xa, nhà lâu nay chỉ có điện thoại bàn để con cháu liên lạc với ông bà.
Khi tôi về nhà, ba má nói lại có công an xã đến yêu cầu lên xã để kích hoạt định danh điện tử mức độ 2 nhưng bà không biết sẽ dùng cho việc gì. Tôi giải thích cho ba má biết khi có điện thoại thông minh cài phần mềm VNeID, với định danh cấp 2 có thể sau này đi đâu không phải đem CCCD theo mà chỉ cần điện thoại là được.
Ba má tôi nói thấy phức tạp quá! Ông bà không có nhu cầu sử dụng, không đi đâu ngoài đi khám bệnh nên ông bà không đi làm. Cách đây vài ngày công an lại ghé nhà, đưa giấy mời và yêu cầu phải đi làm định danh điện tử cấp 2.
Họ nói với ba má và tôi rằng công an huyện đã có chủ trương nếu không làm định danh điện tử cấp 2 sau này sẽ không chứng giấy tờ gì được, công an sẽ không làm, mua bảo hiểm cũng khó do phải tích hợp qua định danh điện tử cấp 2...
Thấy ba má tôi lo lắng, tôi chạy đi mua hai SIM điện thoại và đến bưu điện đăng ký kích hoạt cho ông bà để lên xã đăng ký. Vậy là ba má tôi đã đăng ký kích hoạt định danh điện tử cấp 2 theo hai số điện thoại vừa được đăng ký cũng chỉ để nhận tin nhắn kích hoạt tài khoản rồi ông bà vẫn chưa biết dùng làm gì tiếp theo.
Ông bà cũng không dùng điện thoại di động, không biết phần mềm VNeID là gì. Và như ba tôi nói với tôi, với người già, đi khám bệnh cầm theo CCCD sẽ gọn nhẹ hơn, an toàn hơn cầm cái điện thoại và không biết xài.
Mong đừng cứng nhắc
Tôi thật sự phấn khởi với việc áp dụng công nghệ vào cuộc sống để mọi công việc trở nên nhanh, tiện lợi hơn. Tôi là một trong những người đầu tiên ở địa phương đăng ký VNeID mức độ 2.
Nhưng đi vào thực tế mới thấy còn nhiều điều không khả thi trong triển khai, sử dụng VNeID nếu cứng nhắc áp dụng với 100% công dân. Với người cao tuổi, người khuyết tật, ốm đau… có thể những ứng dụng công nghệ gây lúng túng, phiền hà và lãng phí với họ.
Với nhiều người độ tuổi trung niên, các phần mềm ứng dụng thiết thân (như app Bảo hiểm xã hội, VNeID chẳng hạn) hiện tại họ vẫn chưa biết sử dụng. Với người cao tuổi càng khó hơn, nhiều khi cũng không cần dùng đến, nhiều người chưa biết cách sử dụng điện thoại thông thường nói chi đến điện thoại thông minh.
Vậy nên, sẽ không hiệu quả tốt nhất với mọi người nếu cố gắng 100% công dân từng địa phương đều hoàn thành đăng ký định danh điện tử và những ứng dụng công nghệ khác tương tự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận