27/09/2015 10:04 GMT+7

Người cạo đáy tàu hải quân

TẤN VŨ - TIẾN LONG
TẤN VŨ - TIẾN LONG

TT - Những tưởng tàn phế sau một lần tai biến trong lúc lặn sâu dưới đáy biển đánh cá, nhưng ông gượng dậy mạnh mẽ và trở thành người cạo hàu cho các con tàu ngư dân, cảnh sát biển và cả tàu… hải quân.

Ông Nguyễn Văn Dũng chuẩn bị lặn cạo đáy tàu hải quân - Ảnh: Tấn Vũ
Ông Nguyễn Văn Dũng chuẩn bị lặn cạo đáy tàu hải quân - Ảnh: Tấn Vũ

Ông là Nguyễn Văn Dũng, 42 tuổi, ở thị trấn An Thới, (huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), ngư dân trong vùng quen gọi ông là Dũng “liệt” cạo hàu.

Chiếc tàu 884 của Đoàn 6 - Hải quân thả neo cách đảo Phú Quốc chừng 5 hải lý. Đây là đợt dừng chân đầu tiên sau một hải trình dài hơn bốn tháng đi làm nhiệm vụ ngoài khơi Biển Đông.

Mặt trời vừa ló dạng, một chiếc tàu cá cập mạn tàu 884, một người đàn ông đen nhẻm, tóc cháy nắng, đứng ở mũi tàu cá hô lớn: “Tàu có làm hàu không? Toàn thân vỏ hàu bám quá rồi. Chạy sao nổi!”. Vừa dứt lời, ông Nguyễn Văn Dũng mang dây oxy nhảy ùm xuống biển, lặn một hơi sâu mất hút dưới đáy tàu. Nửa giờ sau ông trồi lên ở mũi tàu và xin phép thuyền trưởng leo lên tàu để báo cáo về tình trạng của vỏ tàu.

Là người vận hành con tàu quá nhiều năm, thuyền trưởng - đại úy Vũ Trọng Phú biết rõ tình trạng mảng bám thành tàu ra sao. Hơn ba năm con tàu 884 chưa lên đà sơn sửa, vỏ tàu đã tróc lớp sơn chống hàu bám nên cứ độ vài tháng là con tàu trở nên nặng nề với các vết bám của hàu biển. Có nơi mảng hàu bám dày đến gần 10cm. Đặc biệt là vùng chân vịt, hàu bám thành một mảng xù xì.

“Con tàu sẽ ì lại và giảm vận tốc từ 1 - 2 hải lý/giờ so với bình thường, nếu hàu bám quá nhiều” - thuyền trưởng Phú nói. Mặc dù các chiến sĩ trên tàu vẫn làm vệ sinh thường xuyên, cạo các mảng hàu bám để giảm độ ma sát giữa tàu và nước biển nhưng ở dưới đáy sâu của con tàu thì các chiến sĩ hải quân chịu thua.

Là người làm sạch các con tàu một cách chuyên nghiệp, đoàn quân của ông Dũng vào trận một cách rất gọn gàng. Ông Dũng chỉ huy nhóm lặn, ba người đàn ông khác theo ông lặn sát đáy tàu.

Dòng nước nơi tàu 884 neo đậu chảy khá xiết, nên các thợ lặn này phải buộc dây ngang bụng và đeo cả chì vào thắt lưng để tự nhấn chìm mình xuống đáy. Một chiếc đèn pin trên trán và một cái xẻng có lưỡi bằng bàn tay để cạo hầu, ba thợ lặn làm việc theo ca dưới đáy tàu, mỗi người cạo bốn giờ trước khi trồi lên mặt nước để dùng cơm.

Gần hai ngày cạo dọc thành tàu, bụng và bánh lái, con tàu 884 trở nên nhẹ nhõm và sạch bóng các vết bám. Ông Dũng cười bảo: “Chúng tôi chỉ lấy tiền công thôi. Chẳng cần lời lãi gì với các chiến sĩ hải quân”.

Ông Dũng kể rằng nghề cạo hàu dưới các con tàu đến với ông một cách rất tình cờ. Lúc đầu chỉ là giúp đỡ các ngư dân trong vùng, sau đó được giới thiệu các tàu chiến đến tàu cảnh sát biển - đều một tay ông làm sạch. Ông cũng tự nghĩ ra và chế tác các dụng cụ để cạo hàu một cách nhanh chóng mà không tổn hại đến con tàu.

Cạo hàu thoạt nhìn tưởng dễ, nhưng ông Dũng cho rằng đó là công việc rất khó nhai, đòi hỏi người cạo hàu phải hết sức khéo léo. “Nếu mình làm quá mạnh tay thủng tàu thuyền thì đền không nổi. Chưa kể xác của con hàu và các mảng bám rất ngứa. Chưa hết, do người mình ngâm dưới nước lâu nên da mềm ra. Thân các con hàu lại sắc cạnh và cứ thế khắp mình mẩy bị cứa rách tươm, ứa máu...”.

Chỉ tay về cảng cá An Thới, nơi có những chiếc tàu xám hải quân Vùng 5 neo đậu sừng sững, những chiếc tàu với tháp pháo cao vút và hàng loạt những chiếc tàu cảnh sát biển đang thả neo, ông Dũng khoe: “Tất cả các con tàu đó do tôi lặn và làm sạch hàu bám. Cứ vài tháng một lần nó phải được cạo sạch sẽ để sẵn sàng ra khơi”.

TẤN VŨ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên